Khởi tố vụ án bác sĩ 'rởm' moi tiền bệnh nhân
Các đối tượng trong vụ án Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng đã giả làm bác sĩ, thực hiện nhiều ca khám phụ khoa, phá thai, 'vẽ' bệnh để dọa khách hàng và nâng khống giá dịch vụ.

Chiều 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Trong số đó, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với bốn bị can; ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú ba bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.
Các đối tượng bị khởi tố gồm Nguyễn Thị Mỵ (Sinh năm 1985, trú phường Kim Liên); Nguyễn Kim Hoàng Yến (Sinh năm 1980, trú phường Đan Phượng, thành phố Hà Nội); Lê Thị Nhung (Sinh năm 1992, trú xã Thọ Lộc, tỉnh Thanh Hóa); Trương Thị Hạ Liên (Sinh năm 1976), Trương Thị Kim Lụa (Sinh năm 1995), Võ Thành Trung (Sinh năm 1993) và Bùi Thị Thuận (Sinh năm 1994), cùng trú thành phố Đà Nẵng.

Phòng khám Đa Khoa Quốc tế Đà Nẵng hoạt động nhiều năm qua tại địa chỉ tại số 180 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng. Năm 2024, phòng khám này từng bị báo chí phản ánh về hành vi “vẽ bệnh moi tiền”. Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Sở Y tế thành phố Đà Nẵng từng vào chỉ ra một số sai phạm trong hoạt động của phòng khám. Tuy nhiên, phòng khám này có biểu hiện “lờn thuốc”, tiếp tục có hành vi “Lừa dối khách hàng”.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã phát hiện phòng khám làm hồ tuyển dụng một số bác sĩ có chuyên môn, nhưng thực tế lại sử dụng nhiều bác sĩ rởm trực tiếp thăm khám, ra y lệnh cho bệnh nhân. Những bác sĩ rởm này không có chứng chỉ, bằng cấp về y tế theo quy định, thậm chí có đối tượng chưa học hết lớp 12.
Quá trình hoạt động, đội ngũ quản lý của phòng khám đã phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên và bác sĩ rởm, bao gồm tư vấn, thao tác thủ thuật, đứng tên pháp lý. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng, không được giao tiếp, tìm hiểu công việc của nhau. Toàn bộ số nhân viên và bác sĩ rởm này đều mặc áo bác sĩ, đeo bảng tên giả khi hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh cho khách hàng tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng.
Phòng khám còn quy định cách đối phó mỗi khi có đoàn kiểm tra đột xuất từ Sở Y tế hay công an địa phương thì buộc số nhân viên là bác sĩ rởm lập tức tháo bảng tên, trốn vào phòng trong hoặc đi xuống dưới tầng hầm theo lối ra đã được phòng khám thiết kế sẵn. Đối tượng quản lý tìm cách “câu giờ” để bác sĩ có chứng chỉ hợp pháp từ nơi khác có mặt ở phòng khám.
Theo cơ quan công an, phòng khám đăng ký một số bác sĩ có giấy phép hành nghề, nhưng số bác sĩ này hiếm khi có mặt tại cơ sở. Thay vào đó, các bác sĩ rởm sẽ túc trực mỗi ngày để thực hiện thăm khám, làm thủ thuật phụ khoa, nam khoa, phá thai, tư vấn, vẽ bệnh, gây đau đớn nhằm vòi tiền khách hàng cao hơn rất nhiều lần so với giá niêm yết.
Cụ thể, những bác sĩ rởm này sẽ đưa thông tin không đúng về tình trạng bệnh và hướng khách hàng chọn gói có dịch vụ có giá tiền cao. Khi khách hàng chọn các gói thấp thì trong quá trình thực hiện thủ thuật nhân viên ở đây sẽ tìm cách gây đau đớn cho bệnh nhân ngay trên bàn mổ hoặc hù dọa về biến chứng về bệnh của khách hàng buộc họ phải chuyển sang gói dịch vụ với giá cao hơn nhiều lần.

Khách hàng đến phòng khám thông qua tư vấn online chỉ từ 199k đến 1 triệu đồng, nhưng khi hoàn thành điều trị tại đây phải trả từ 10-50 triệu đồng cho mỗi loại dịch vụ. Bức xúc trước hành vi trắng trợn của phòng khám này, một số nạn nhân đã gửi đơn tố cáo đến Công an thành phố Đà Nẵng.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng đã thu lợi bất chính ít nhất 376 triệu đồng của 17 khách hàng đã sử dụng dịch vụ tại cơ sở Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng trong thời gian gần đây.
Trước đó, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng còn lợi dụng biên bản ghi nhớ hợp tác với một bệnh viện công lập để quảng cáo lập lờ như một phòng khám trực thuộc bệnh viện công lập và có nhiều bác sĩ giỏi tu nghiệp tại nước ngoài nhằm lừa dối khách hàng.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo CAND