Ngành logistics đẩy mạnh xanh hóa

Các bến cảng, doanh nghiệp vận tải đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh hóa, số hóa, nâng cao năng suất và chất lượng ngành logistics.

Các yêu cầu ngày càng tăng về "xanh hóa" nhằm giảm phát thải đang trở thành xu hướng trên thế giới. Tại Việt Nam, kể từ Hội nghị COP 26, Chính phủ đã cam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Muốn xanh hóa nền kinh tế, ngành logistics cũng không thể đứng ngoài cuộc. 

Tại cảng Hải Phòng, 100% thiết bị đã được chuyển đổi từ dầu diesel sang sử dụng điện. Tàu đến làm thủ tục được cấp hệ thống điện, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Với khu vực văn phòng, điện áp mái đã thế chỗ cho lưới điện truyền thống. Bên cạnh đó là thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi thông minh.

Ông Nguyễn Tường Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho hay: “Cảng Hải Phòng tiếp tục chuyển đổi số, quản trị thông minh để làm tốt công tác quản trị tại cảng. Đặc biệt, tại cảng đặc biệt như Cảng Tân Vũ, Cảng Lạch Huyện, chúng tôi sử dụng cảng điện tử e-port để thực hiện lộ trình chuyển đổi số mà chúng tôi đã đặt ra”. 

Hiệp hội logistics Hải Phòng cho biết, địa phương này đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics của toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Do vậy, thành phố tập trung khai thác cảng nước sâu Lạch Huyện với bến số 1,2 khai thác từ năm 2018 giúp cảng Hải Phòng đón tàu lớn hơn. Năm 2025, các bên tiếp theo của Cảng số 3,4,5,6 được đưa vào hoạt động. Thời gian tới, các cảng số 7 đến 12 sẽ tiếp tục đi vào hoạt động và đều phải đáp ứng chuẩn xanh hóa, số hóa. Tuy nhiên, hiệp hội cũng thừa nhận, việc đầu tư cảng xanh sẽ kéo theo nhu cầu rất lớn về nguồn vốn.

Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Macstar Group, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết: “Chỉ có doanh nghiệp quy mô đủ lớn mới có đủ nguồn lực làm chuyển đổi số. Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô nhỏ chuyển đổi số chưa phù hợp vì họ chưa có nguồn lực tài chính. Quy mô nhỏ cũng không phát huy được lợi thế, khó khăn về nguồn vốn. Do vậy, những đơn vị như chúng tôi phải phối hợp với những đơn vị khác để phát triển phần mềm để phát triển công việc của mình”.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có hơn 34.000 doanh nghiệp logistics, song tỷ lệ thực hiện chuyển đổi xanh còn rất hạn chế. Nguyên nhân bắt nguồn từ những thách thức đối với việc triển khai rộng rãi logistics xanh, như: các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, hạn chế trong nhận thức của chính doanh nghiệp, hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Khuyến khích xu hướng xanh hóa là giải pháp đang được nhiều bộ, ngành triển khai.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ: "Chúng ta cần chuyển đổi sang nguyên liệu xanh; mặt khác, cần có đội tàu nâng cấp để sử dụng được nguyên liệu xanh đó. Nhà nước cần góp vai trò hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi đội tàu, nâng cấp công nghệ trong những tình huống này".

Tháng 10/2025, Đại hội thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế sẽ diễn ra tại Hà Nội. Với hơn 1000 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics, vận tải, xuất nhập khẩu đến từ 150 quốc gia, sự kiện được kỳ vọng tạo cú hích mạnh mẽ cho ngành logistics Việt Nam nói riêng và logistics thế giới nói chung trong hành trình chuyển đổi xanh mà Việt Nam đang hướng tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời