Mùi của Tết
Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng cảm xúc của Diệu Hiền trong những ngày đón chờ mùa xuân tới.
Mùi của Tết tràn về trên những con ngõ. Tết đến, nhà ai ở quê cũng lo dọn nhà dọn ngõ đón xuân. Dù nắng hay mưa, cửa nhà phải quang quẻ, ngõ phải sạch không còn cây cỏ nào. Nhà tôi cũng không ngoại lệ. Ba và các anh tôi thường sửa lại các viên đá lở nơi bờ ngõ. Hai cây mai đầu cổng đã được hái lá từ mấy tuần trước chúm chím những chùm nụ xanh, hay e ấp mấy đóa mai vàng. Thế là cứ đi về đến ngõ, ai cũng nghe dậy lên mùi hăng hắc của cỏ, mùi ngai ngái của đất, mùi thoang thoảng của hoa… Mùi quê hương hay mùa xuân chạm đến sát hiên nhà?

Mùi của Tết là thơm nồng căn bếp - không gian rộn ràng nhất nhà. Mẹ phải kê thêm ba ông táo để nấu và hấp các loại bánh. Hạnh phúc của đám trẻ con là được mẹ giao việc chụm củi. Mùi khói bếp, mùi những cây củi còn ẩm, sôi bọt vàng khè quyện cùng mùi lửa ấm mới thân thương làm sao. Bởi thế mà anh trai tôi, mấy năm biền biệt xa nhà, viết thư về nói nhớ mùi gian bếp của mẹ. Nhớ mùi lá chuối xanh hơ qua lửa rơm cho mềm dai để gói bánh. Nhớ mùi bánh chưng bánh tét tỏa hương lúc sôi sùng sục. Nhớ mùi thơm lừng của bánh tổ vừa được lấy ra khỏi nồi hấp. Nhớ cả mấy xâu thịt ngang xương ba mang về từ con heo đụng với mấy nhà trong xóm. Thịt luộc xong, mẹ để tất cả vào cái rổ to, lót lá chuối và treo bên bếp. Cạnh đó là vài chục nem lá liễu được ba gói rất đẹp… Tôi thì gọi đó là mùi quá khứ. Bởi cứ nhớ đến gian bếp của mẹ là cả một trời quá khứ gọi về.
Tết của tuổi thơ hình như lâu đến hơn bây giờ. Thuở xưa, trẻ thơ đợi tết đơn giản chỉ là được ăn ngon và xúng xính đồ mới. Càng mong, tết càng lâu đến. Nên cái tết nào cũng đáng nhớ và nhớ nhất là cảm giác thòm thèm nhìn mẹ làm bánh, nấu ăn hay niềm hãnh diện được mẹ gói riêng cho chiếc bánh tét nhỏ, cột dây vào mang đi khoe khắp xóm. Cái hương vị ấy làm xôn xao cả khoảng trời một đi không trở lại. Chạm vào ký ức tết xưa là chạm vào bản hòa ca của nỗi nhớ, mà giai điệu nào cũng vang ngân da diết, cũng quá đỗi ngọt ngào.

Mùi của tết là mùi những thương yêu. Xếp lại những ưu tư ngày thường, gia đình ai cũng mong tết để sum họp, hàn huyên. Tiếng cười nói rộn ràng hay nỗi ngậm ngùi vì những điều chỉ còn là quá khứ đều lắng đọng yêu thương.
Ngoài kia, mai vàng hé nụ. Ngoài kia, hương bưởi đã thoảng đưa từ những đóa hàm tiếu. Hương xuân của đất trời dạt dào hay trong tôi vẫn luôn nồng nàn mùi của tết?


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0