Đảng Nước Mỹ - Canh bạc chính trị của Elon Musk

Việc tỷ phú Elon Musk thành lập một chính đảng mới là phép thử táo bạo đối với hệ thống chính trị Mỹ vốn đã “đóng khung” bởi hai đảng truyền thống.

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk ngày 5/7 tuyên bố thành lập một đảng chính trị mới mang tên Đảng Nước Mỹ, đánh dấu bước ngoặt đầy bất ngờ trong bối cảnh chính trường Mỹ đang chia rẽ sâu sắc.

Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành đạo luật về thuế và chi tiêu toàn diện trị giá 4.500 tỷ USD, còn được gọi là “Dự luật Lớn và Đẹp” - điều mà Elon Musk chỉ trích là "phản bội nguyên tắc tài chính". Vậy tại sao Elon Musk - một công dân nhập tịch Mỹ và không thể tranh cử tổng thống theo quy định Hiến pháp, lại quyết định bước chân vào chính trường một cách trực diện như vậy? Câu trả lời thực sự nằm ở mối quan hệ rạn nứt với ông Trump hay là sự bất mãn sâu sắc với cả hai đảng lớn tại Mỹ?

 

Tại sao Elon Musk thành lập Đảng Nước Mỹ?

Trong quá khứ, tỷ phú Elon Musk từng là một trong những đồng minh quan trọng ủng hộ Tổng thống Trump. Ngoài việc là nhà đầu tư lớn cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Musk còn sát cánh với ông chủ Nhà Trắng trong kế hoạch tinh gọn bộ máy tại Bộ Hiệu quả Chính phủ. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu mang tên “Dự luật Lớn và Đẹp" và được Tổng thống Trump ký thành luật hồi cuối tuần qua. 

Đạo luật này chấm dứt các khoản tín dụng thuế cho xe điện mới và đã qua sử dụng từ ngày 30/9, điều được coi là đòn giáng với công ty xe điện Tesla của ông Musk. Chưa hết, đạo luật này còn kèm theo điều khoản nâng trần nợ công của Mỹ thêm 5 nghìn tỷ USD, đi ngược lại nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách mà ông Musk đã theo đuổi thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ. Do đó, trong khi ông Trump coi đạo luật mới là dấu ấn chính sách lớn nhất nhiệm kỳ thứ hai, thì Elon Musk lại chỉ trích dữ dội, cho rằng nó "hủy hoại nền kinh tế”.

Theo giới quan sát, ý tưởng về một đảng thứ ba không phải mới, vì ông Musk từng nhiều lần úp mở về kế hoạch này. Nhưng tuyên bố ngày 5/7 đưa nó từ ý tưởng sang hành động. Ông Musk dẫn một cuộc thăm dò trên nền tảng X (trước là Twitter), nơi gần 1,25 triệu người tham gia khảo sát, và kết quả “ủng hộ gấp đôi phản đối” được ông sử dụng như bằng chứng cho tính chính danh của bước đi này.

Trong một bài đăng trên X, ông Musk viết: “Với tỷ lệ 2:1, bạn muốn một đảng chính trị mới và bạn sẽ có nó! Hôm nay, Đảng Nước Mỹ đã được thành lập để trả lại cho bạn sự tự do của mình”.

Thậm chí, theo ông Musk, phần lớn người Mỹ không còn niềm tin vào cả hai đảng truyền thống. Ông cho rằng “80% người dân ở giữa”, tức là không nghiêng hẳn về Dân chủ hay Cộng hòa, và số cử tri này đang bị bỏ rơi trong cuộc đấu đá chính trị hiện tại.

Hiện Đảng Nước Mỹ còn chưa chính thức có tổ chức, cương lĩnh hay lãnh đạo nào ngoài ông Musk, nhưng tỷ phú Tesla đã vạch ra chiến lược cụ thể để đảng mới có thể tạo ảnh hưởng trong hệ thống chính trị Mỹ. Ông Elon Musk cho biết, thay vì cạnh tranh toàn diện, đảng của ông sẽ nhắm vào “hai hoặc ba ghế Thượng viện và 8 đến 10 ghế Hạ viện”, đủ để đóng vai trò quyết định trong những dự luật gây tranh cãi. Giới phân tích đánh giá, ý tưởng này là có cơ sở. Trong một hệ thống nơi thế đa số luôn mong manh, một nhóm thiểu số, dù nhỏ bé, nhưng có thể xoay chuyển cán cân là điều thực tế.

Mặt khác, Elon Musk, một công dân sinh ra ở Nam Phi và nhập tịch Mỹ, không đủ điều kiện tranh cử tổng thống theo Hiến pháp Mỹ. Việc thành lập một đảng chính trị có thể cho phép ông định hình chương trình nghị sự quốc gia theo cách gián tiếp. Một số chuyên gia cho rằng đây không chỉ là phản ứng của ông Elon Musk đối với ông Trump vào thời điểm quan hệ hai bên căng thẳng, mà còn là sự bất mãn sâu sắc với cả hai đảng lớn. Trước đó, ông Elon Musk từng cho rằng, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không khác gì một “liên đảng”, chỉ khác màu áo. Và người dân Mỹ xứng đáng có một lựa chọn thực sự.”

 

Rào cản với tham vọng thành lập đảng của Elon Musk

Là người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng ước tính hơn 400 tỷ USD, tỷ phú Elon Musk sở hữu đế chế công nghệ trải dài từ Tesla đến SpaceX, đồng thời có tầm ảnh hưởng không nhỏ trên truyền thông và các trang mạng xã hội.  Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tham vọng thành lập một đảng chính trị mới ở Mỹ, đủ sức cạnh tranh với đảng Dân chủ hay Cộng hòa là điều không hề dễ dàng, dù đứng sau đó là một tỷ phú quyền lực.

Từ những năm 1860 đến nay, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã thống trị chính trường Mỹ, thay phiên nhau nắm giữ Nhà Trắng, Quốc hội và phần lớn các vị trí dân cử ở cấp bang và liên bang. Những nỗ lực phá vỡ “thế lưỡng cực” này thường kết thúc trong thất bại, dù có lúc từng thắp lên hy vọng đổi thay. Đảng Tiến bộ thập niên 1910, Đảng Công dân trong những năm 1980, hay Đảng Cải cách của tỷ phú Ross Perot là ví dụ điển hình. Ông Perot từng đạt 18,9% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 và thành lập Đảng Cải cách vào năm 1995. Nhưng không lâu sau, chính đảng này dần tan rã. Các đảng như Đảng Tự do hay Đảng Xanh có thể tồn tại lâu hơn nhờ gắn bó với các phong trào xã hội, nhưng chỉ giành được một số ghế khiêm tốn ở cấp địa phương.

Tôi nghĩ việc thành lập một đảng thứ ba là điều nực cười. Chúng ta đã đạt được những thành công to lớn với Đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ thì đã lạc hướng, nhưng hệ thống chính trị Mỹ xưa nay vẫn là hệ thống hai đảng. Việc lập ra một đảng thứ ba chỉ khiến tình hình thêm rối rắm.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khảo sát của Pew Research gần đây cho thấy gần 70% người Mỹ cảm thấy họ cần nhiều lựa chọn đảng phái hơn. Khoảng 43% người dân theo khảo sát của Gallup tự nhận là “cử tri độc lập”. Thế nhưng, dù có nhu cầu thay đổi, nhưng gần như không có ai có thể thách thức được hệ thống hiện tại. Theo các nhà phân tích, hai đảng lớn đã bám rễ đến mức trông giống như một “liên minh độc quyền”. Nguyên nhân nằm ở mô hình bầu cử theo nguyên tắc “người thắng được tất cả”, tức là ứng viên nào chiến thắng sẽ giành toàn bộ phiếu, trong khi các ứng viên còn lại không được gì.

Thêm nữa, các vị trí quyền lực lớn như tổng thống hay thống đốc bang là những vị trí không thể chia sẻ. Vì thế, người dân Mỹ gần như mặc định rằng bỏ phiếu cho bất kỳ ai ngoài Đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa là “lãng phí phiếu bầu”. Trong tình huống đó, cử tri thường chọn phương án “ít xấu hơn”, hoặc chọn cách không tham gia bầu cử, thay vì ủng hộ một ứng viên mà họ biết rõ là không thể thắng.

Một vấn đề khác, lớn hơn cả, chính là tiền bạc. Chi phí tranh cử hiện nay quá cao khiến bất kỳ đảng thứ ba nào cũng rất khó gây quỹ để cạnh tranh. Trong cuộc bầu cử gần nhất, hai đảng lớn chi hàng trăm triệu đô la, chưa kể số tiền khổng lồ từ các Ủy ban hành động chính trị.

Lịch sử từng có tiền lệ. Năm 1992, tỷ phú Ross Perot bỏ tiền túi để thành lập đảng và giành hơn 18% phiếu phổ thông. Thế nhưng, thay vì được nhìn nhận như một phong trào chính trị độc lập, ông Perot lại bị xem là một hiện tượng cá nhân, thậm chí bị cáo buộc “đánh bóng tên tuổi”. 

Trường hợp của tỷ phú Elon Musk, dù là người giàu nhất thế giới, cũng không thoát khỏi thực tế này. Mặt khác, ông Musk cũng không thể dùng tiền cá nhân để “nuôi” một chính đảng như cách ông vận hành doanh nghiệp. Luật Cải cách Chiến dịch Lưỡng đảng McCain-Feingold đã siết chặt giới hạn đóng góp cá nhân cho các chính đảng, hiện là 450.000 USD/người. Điều này buộc Elon Musk phải tìm đến hàng nghìn nhà tài trợ nhỏ lẻ, một việc không dễ dàng khi chưa có nền tảng chính trị vững chắc.

Một tỷ phú không thể cấp vốn cho đảng mới theo cách ông ta khởi nghiệp kinh doanh, vì có những giới hạn đóng góp của liên bang. Viễn cảnh nhà sáng lập giàu có bơm vốn cho một đảng để tham gia bầu cử trên khắp đất nước là không khả thi trong hệ thống pháp lý hiện hành.”

Ông Lee Goodman - Cựu Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ.

Thêm vào đó là vấn đề truyền thông. Dù Elon Musk có trên 200 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, có khả năng khuấy động dư luận và thay đổi hành vi cử tri, nhưng muốn tranh cử thành công, một chính đảng cần được truyền thông quan tâm. Nhưng các kênh tin tức lớn gần như chỉ tập trung vào hai đảng lớn. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn: không có truyền thông thì không có phiếu bầu, không có phiếu bầu thì không được truyền thông quan tâm.

Việc đưa tên ứng viên của một đảng mới lên phiếu bầu cũng là một bài toán pháp lý nan giải. Mỗi bang đều có luật riêng, yêu cầu về số lượng chữ ký ủng hộ, thời hạn nộp hồ sơ, và nhiều quy định phức tạp khác. Giáo sư Alan Abramowitz từ Đại học Emory, Mỹ đánh giá, để hiện thực hóa một chính đảng có thể cạnh tranh toàn quốc, Elon Musk có thể phải “mất nhiều năm và thậm chí phải thay đổi cả luật pháp ở nhiều bang”.

Một trở ngại lớn khác là theo quy định của Mỹ, ông Musk không thể tranh cử Tổng thống Mỹ do sinh ra ở Nam Phi. Như vậy, ông cần tìm một người khác làm gương mặt đại diện cho đảng mới. Điều này đặt ra thách thức kép: tìm người có đủ uy tín chính trị và chấp nhận làm “gương mặt” trong khi Elon Musk vẫn kiểm soát ảnh hưởng đằng sau.

Lý do cuối cùng nằm ở cơ chế bầu cử sơ bộ và tính linh hoạt về tư tưởng của các đảng lớn. Tổng thống Donald Trump từng cân nhắc tranh cử cùng với Đảng Cải cách vào năm 2000. Sau đó, ông đã đổi ý và chọn một “con đường tắt” để gây dựng ảnh hưởng chính trị: đó là giành quyền kiểm soát Đảng Cộng hòa thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ. Nhờ đó, ông không cần tốn công xây dựng từ đầu mà vẫn thiết lập được sức hút toàn diện. Thực tế, ngày nay nhiều người cho rằng Đảng Cộng hòa đã trở thành “đảng của Trump”. Và nếu nhìn từ bài học của Tổng thống Trump, có thể thấy việc lập một đảng mới có vẻ là con đường dài và rủi ro hơn nhiều so với “gây dựng vai trò” ở một đảng đã có sẵn.

 

Chuyện gì xảy ra tiếp theo? 

Sau tuyên bố thành lập chính đảng mới, tỷ phú Elon Musk tiếp tục khiến giới quan sát chính trị Mỹ phải tò mò với quyết tâm dồn toàn lực cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026. Dù vẫn chưa tiết lộ chi tiết tổ chức hay các ứng viên cụ thể, ông Musk khẳng định Đảng Nước Mỹ của mình sẽ nhắm trúng một số vị trí chủ chốt trong Quốc hội, qua đó thay đổi cục diện chính trị Mỹ. Nhưng liệu toan tính đó có khả thi? Hay đảng của Elon Musk sẽ lại rơi vào vết xe đổ của các “đảng thứ ba” từng sớm lụi tàn trong lịch sử chính trị Mỹ?

Dù còn quá sớm để nói về sức sống lâu dài của Đảng Nước Mỹ, nhưng tác động lan truyền của nó là có thật. Một số doanh nhân ở Thung lũng Silicon đã công khai ủng hộ ông Musk. Một số tổ chức phi chính phủ cũng bắt đầu cân nhắc hợp tác vì thấy đây là kênh mới để gây áp lực chính sách.

Thậm chí, một số ứng viên tiềm năng từng định tranh cử độc lập đang xem xét đầu quân cho đảng mới của Elon Musk, như một con đường thay thế giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nếu xu hướng này tiếp tục, Đảng Nước Mỹ có thể phát triển thành một “hệ sinh thái chính trị” chứ không đơn thuần là hiện tượng mạng.

Tuy vậy, mức độ lan tỏa hiện tại vẫn giới hạn trong các cộng đồng công nghệ và những cử tri chán nản với chính trị truyền thống. Với hệ thống chính trị hai đảng gần như “đóng khung” nước Mỹ, bước từ hiện tượng sang thể chế là chặng đường đầy chông gai.

Theo Giáo sư Mac McCorkle từ Đại học Duke, điều duy nhất mà đảng của ông Musk có thể đảm bảo lúc này là làm xáo trộn sân chơi của Đảng Cộng hòa, bằng cách chia nhỏ phiếu bầu, khiến các ứng viên bảo thủ khó giành chiến thắng và tạo điều kiện cho ứng viên Dân chủ vượt lên.

Mặt khác, ông Elon Musk không có đồng minh vững chắc trên chính trường. Kể từ khi công khai “cắt đứt” với Tổng thống Donald Trump, ảnh hưởng của ông Musk trong giới bảo thủ đã sụt giảm rõ rệt. Bản thân cá tính gây tranh cãi của ông cũng khiến nhiều nhân vật có ảnh hưởng dè dặt, giữ khoảng cách.

Cho đến nay, đảng của ông Elon Musk chưa công bố bất kỳ cương lĩnh cụ thể nào. Một vài tuyên bố lẻ tẻ trên mạng xã hội X hé lộ chương trình nghị sự sơ bộ như phản đối chi tiêu công lãng phí, cắt giảm nợ quốc gia và chống lại các đạo luật “lớn” của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn quá mơ hồ để hình thành một chiến lược chính trị bền vững.

Giới phân tích cũng chỉ ra mâu thuẫn trong thông điệp của Elon Musk: bản thân ông đang điều hành các công ty nhận hàng chục tỷ USD từ các gói trợ cấp liên bang. Điều đó khiến lời kêu gọi "chống chi tiêu công" của ông dễ bị xem là thiếu nhất quán.

Từ việc sáng lập Tesla, SpaceX đến việc mua lại Twitter và đổi tên thành mạng X, ông Elon Musk đã không ít lần vượt qua định kiến. Nhưng nếu muốn biến Đảng Nước Mỹ thành một thế lực thực sự, ông cần nhiều hơn là chỉ sự nổi tiếng và tiền bạc. Theo giới quan sát, có bốn yếu tố mang tính sống còn, gồm tập trung chiến lược, tuyển chọn ứng viên chất lượng, xây dựng thông điệp dễ lan tỏa và tránh cá nhân hóa phong trào. Nếu làm được những điều đó, vị tỷ phú này mới có cơ hội biến Đảng Nước Mỹ thành một thực thể chính trị có sức nặng, góp phần định hình lại cách nước Mỹ xây dựng chính sách và thực thi quyền lực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời