Chiến sự Nga – Ukraine 3/11: Nga ồ ạt tấn công

Nga tuyên bố đẩy lùi 3 đợt phản công Ukraine ở vùng Kursk, giải phóng thêm làng ở Donetsk; Ukraine thừa nhận tình thế ngặt nghèo khi Nga ồ ạt tấn công; Nga và Ukraine tranh cãi việc trao đổi tù binh là những thông tin đáng chú ý trong diễn biến chiến sự hôm nay.

Nga đẩy lùi 3 đợt phản công Ukraine ở vùng Kursk

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/11 thông báo lực lượng vũ trang nước này đã đẩy lùi ba cuộc phản công của quân đội Ukraine theo hướng Kursk trong một ngày. Các đơn vị của cụm quân phía Bắc đã đẩy lùi ba đợt phản công của phía Ukraine theo hướng các khu định cư Malaya Loknya, Novoivanovka và Plekhovo. Lực lượng vũ trang Ukraine thương vong 30 binh sĩ.

Bộ Quốc phòng Nga thống kê Ukraine đã mất hơn 29.100 quân nhân và 180 xe tăng trong chiến dịch đột kích vùng biên giới Kursk của Nga kể từ đầu tháng 8. Hãng tin Sputnik trích dẫn tuyên bố mới của Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm: “Trong 24 giờ qua, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 250 quân nhân, một xe bọc thép, một khẩu pháo, một súng cối và 3 phương tiện ở Kursk. 7 binh sĩ Ukraine cũng đầu hàng".

Kiev hiện chưa lên tiếng phản hồi trước các thông tin trên.

Lính Nga khai hỏa nhằm vào vị trí của quân đội Ukraine ở tỉnh Kursk. Ảnh: AP.

Theo kênh Rybar, cường độ giao tranh đã giảm nhẹ trong vài ngày qua tại Kursk, nhưng hoạt động tích cực của các đơn vị Moscow vẫn tiếp tục trên mọi khu vực. Tại quận Glushkovo, cường độ pháo kích vẫn cao. Tình hình cơ bản ổn định trong tuần qua. Không có nỗ lực mới nào của Kiev nhằm vượt qua biên giới được ghi nhận.

Ở quận Korenevo, giao tranh vẫn tiếp diễn tại khu vực Lyubimovka và Tolsty Lug. Không có thay đổi nào về cấu hình của tuyến đầu được ghi nhận trong ngày qua. Đồng thời, một số cuộc phản công của AFU vào các vị trí của Nga đã bị đẩy lùi.

Cảnh quay từ quận Sudzha đã xác nhận việc RFAF kiểm soát được vùng ngoại ô Pogrebki. Ở vùng ngoại ô phía nam ngôi làng, một xe bọc thép chở quân của Nga đang khai hỏa vào các vị trí của AFU trong vành đai rừng tiếp giáp với sông Malaya Loknya.

Nga kiểm soát thêm làng ở Donetsk

Ở mặt trận miền Đông, Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/11 thông báo quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát làng Vishnevoye ở Donetsk. “Với các hoạt động tấn công tích cực, các đơn vị thuộc cánh quân “Trung tâm” đã giải phóng khu định cư Vishnevoye của Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, thông báo của quân đội Nga.

Binh sĩ Nga di chuyển trên xe bọc thép tại khu vực Donetsk. Ảnh: AFP.

Ngoài ra, các máy bay chiến đấu từ nhóm quân “Trung tâm” đã đánh bại Lữ đoàn dù 25, Lữ đoàn Jaeger 68, Lữ đoàn cơ giới thứ 32 và 93 của Lực lượng vũ trang Ukraine, Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 và Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 122 ở các khu vực Dimitrov, Petrovka, Novoselidovka, Shcherbinovka, Dzerzhinsk và Nelepovka.

Quân đội Nga đã đẩy lùi được 10 cuộc phản công bằng đội hình của các lữ đoàn Jaeger thứ 152, 35, 42, 100, 117, 150, các tiểu đoàn xung kích thứ 49 và 425 của lực lượng vũ trang Ukraine.

Ukraine thừa nhận tình thế ngặt nghèo khi Nga ồ ạt tấn công

Tổng Tư lệnh các lực lượng vu trang Ukraine, Tướng Syrskyi cho biết Ukraine đang phải đối mặt với một trong những cuộc tấn công "mạnh nhất" của Nga kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.

Trong suốt năm 2024, Ukraine đã phải đối mặt với một tình huống đầy thách thức trong việc bảo vệ tiền tuyến, đặc biệt là ở tỉnh Donetsk, nơi Nga liên tục tập trung tiềm lực tấn công của mình.

Sau cuộc họp với một phái đoàn của lực lượng vũ trang Cộng hòa Séc, Tướng Syrskyi cho biết tình hình trên chiến trường rất khó khăn đối với lực lượng Ukraine: "Các cuộc giao tranh đang diễn ra ở một số khu vực đòi hỏi Ukraine phải liên tục đổi mới nguồn lực cho các đơn vị”.

Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Oleksandr Syrskyi. Ảnh: Reuters.

Trong bản cập nhật tình hình chiến sự mới nhất, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm qua đã có 126 cuộc đụng độ giữa lực lượng Ukraine và Nga diễn ra dọc theo tuyến đầu.

Nga tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công trên khắp mặt trận phía đông, chủ yếu là trên các trục Toretsk, Kurakhove và Pokrovsk ở tỉnh Donetsk, nơi binh lính Ukraine đang bị áp đảo về quân số lẫn hỏa lực, buộc họ phải rút lui từng chút một.

Nga và Ukraine tranh cãi việc trao đổi tù binh

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Ukraine phá hoại quá trình trao đổi tù binh chiến tranh giữa hai nước. Theo bà Zakharova, Bộ Quốc phòng Nga đã đề nghị trao trả 935 tù binh Ukraine, nhưng đối phương chỉ tiếp nhận chưa đến 1/3.

"Hiện tại, Ukraine đang phá hoại quá trình trao đổi tù binh - vốn đã mang lại kết quả. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Ukraine chỉ tập trung vào việc trao đổi các tù binh đến từ một số tiểu đoàn nhất định. Họ chỉ quan tâm đến một số đơn vị, những người lính từ các tiểu đoàn này, mà chúng tôi mô tả là cực đoan, khủng bố. Năm nay, Bộ Quốc phòng Nga đã đệ trình lên Trụ sở điều phối đối xử với quân nhân một đề xuất trao trả 935 tù binh chiến tranh Ukraine. Hãy nhớ rõ con số này. Nhưng Ukraine đã lấy lại bao nhiêu công dân của mình. Vâng, chỉ có 279".

Trong khi đó, Ủy ban Nhân quyền Nga cũng cáo buộc Ukraine đã chính trị hóa việc trao đổi tù binh.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ các tuyên bố từ Nga. Theo ủy viên Nhân quyền thuộc Quốc hội Ukraine Dmytro Lubinets, nước này luôn sẵn sàng trao đổi tù binh chiến tranh với Nga, đồng thời yêu cầu Nga cung cấp danh sách các tù nhân muốn trao đổi.

Nga và Ukraine thường xuyên trao đổi tù binh. Ảnh: The Guardian.

Được biết, Nga và Ukraine thường xuyên trao đổi tù binh tại một nước thứ 3, kể từ khi xung đột xảy ra. Lần trao đổi tù binh gần nhất diễn ra vào giữa tháng 10 khi mỗi bên trả và nhận lại 95 người.

Bên cạnh những tranh cãi về việc trao đổi tù binh, những diễn biến của cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục thu hút sự quan tâm của quốc tế.

Tổng thống Ukraine hôm qua tỏ rõ sự không hài lòng khi phương Tây chưa hành động trước thông tin quân Triều Tiên xuất hiện ở Nga. Ông Zelenskyi tiếp tục kêu gọi đồng minh cấp phép cho nước này sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Slovakia cáo buộc phương Tây phá hoại hòa đàm

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cáo buộc các chính trị gia phương Tây đã làm mọi thứ để làm trật bánh các cuộc đàm phán hòa bình năm 2022 giữa Nga và Ukraine. Theo đài RT, dù Slovakia là nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng ông Fico đã nhiều lần công khai chỉ trích Mỹ và các quốc gia đồng minh can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thủ tướng Slovakia tin giao tranh sẽ không thể kết thúc chừng nào phương Tây còn tiếp tục gửi viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev.

Sau khi nhậm chức vào mùa thu năm 2023, ông Fico đã đình chỉ viện trợ quân sự của Bratislava cho Ukraine, đồng thời kêu gọi châu Âu tập trung vào ngoại giao.

Trong một thông điệp video đăng tải trên mạng xã hội khi trở về nước sau chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, ông Fico bày tỏ lo ngại căng thẳng giữa Nga và NATO có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Theo ông, Slovakia sẽ tham gia diễn đàn Những người bạn hòa bình do Trung Quốc và Brazil khởi động vào tháng 9 nhằm thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Nga cáo buộc Ukraine phóng tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh biên giới Bryansk, đánh dấu giai đoạn xung đột mới. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt mục tiêu chấm dứt xung đột vào năm 2025.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng Nga có quyền tự vệ và kêu gọi các nước phương Tây đánh giá kỹ lưỡng việc Moscow điều chỉnh học thuyết hạt nhân.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.