Xã Hát Môn: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Hát Môn được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hát Môn, Thanh Đa, Ngọc Tảo, Tam Thuấn, Tam Hiệp, Hiệp Thuận và xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ).

Lý do lấy tên xã mới là Hát Môn là bởi Hát Môn là địa danh lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 đầu công nguyên. Xưa kia, Hát Môn được Hai Bà Trưng chọn làm nơi dựng cờ khởi nghĩa, hội binh, lập Đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận.

Trong không gian địa lý của xã Hát Môn sau sắp xếp có hệ thống các di tích thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà. Lễ hội đền Hát Môn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Do vậy, lấy tên xã mới là Hát Môn nhằm khắc sâu giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc và quê hương; khơi dậy lòng tự tôn, tự lực, tự cường của nhân dân để xây dựng quê hương phát triển bền vững.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Hát Môn

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Hát Môn

Xã Hát Môn giáp các xã: Phúc Lộc, Phúc Thọ, Tây Phương, Quốc Oai, Dương Hòa, Đan Phượng, Liên Minh của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 37,67 km2; quy mô dân số là 72.227 người.

  • Xã Hát Môn (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 4,37 km²; Quy mô dân số: 9.636 người
  • Xã Thanh Đa (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 4,39 km²; Quy mô dân số: 8.251 người
  • Xã Ngọc Tảo (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 6,89 km²; Quy mô dân số: 9.542 người
  • Xã Tam Thuấn (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 4,78 km²; Quy mô dân số: 7.503 người
  • Xã Tam Hiệp (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 5,61 km²; Quy mô dân số: 13.663 người
  • Xã Hiệp Thuận (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 7,35 km²; Quy mô dân số: 12.030 người
  • Xã Liên Hiệp (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 4,28 km²; Quy mô dân số: 11.602 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Hát Môn

Xã Hát Môn nằm tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ, gần các tuyến đường như: quốc lộ 32 và trục giao thông liên tỉnh Hà Nội - Sơn Tây - Phú Thọ, đây là điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển vận tải, hậu cần, cũng như thu hút đầu tư tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Xã Hát Môn là vùng chuyển tiếp giữa nông thôn và đô thị, có nhiều tiềm năng về cụm công nghiệp sạch, giao thông liên vùng và các trung tâm dịch vụ nông thôn mới kiểu mẫu.

Với việc sở hữu các di tích lịch sử nổi tiếng như đền thờ Hai Bà Trưng tại Hát Môn, cùng mạng lưới di tích, lễ hội phong phú, địa phương này có vị thế quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc gắn với du lịch tâm linh.

Xã Hát Môn không chỉ là đầu mối có giao thông kết nối liên vùng phục vụ phát triển kinh tế - thương mại và dịch vụ, mà còn là điểm nhấn về thu hút đầu tư tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phát triển theo xu hướng bền vững, góp phần thúc đẩy Thủ đô Hà Nội phát triển cân bằng giữa khu vực trung tâm và vùng ngoại thành phía Tây.

Đặc điểm kinh tế xã Hát Môn

Xã Hát Môn có cơ cấu kinh tế đa dạng, kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và phát triển dịch vụ - giao thương vùng ven Hà Nội.

Toàn vùng Hát Môn có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn, đặc biệt là tại các xã như Tam Hiệp, Liên Hiệp và Thanh Đa. Người dân nơi đây đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình chuyên canh rau màu, lúa chất lượng cao và cây ăn quả. Một số vùng áp dụng công nghệ hiện đại, nhà màng và mô hình hợp tác xã kiểu mới, từng bước hướng tới nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm rau, củ, quả cung cấp cho các xã lân cận và khu vực nội thành Hà Nội.

Xã Hát Môn có nhiều hộ gia đình duy trì các ngành nghề truyền thống như sản xuất hương, mộc dân dụng, đan lát thủ công, khu vực Tam Hiệp có làng nghề may Thượng Hiệp, chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc truyền thống, góp phần đa dạng hóa ngành nghề và tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đây là lợi thế so với nhiều vùng thuần nông khác. Các sản phẩm làng nghề có thị trường tiêu thụ ổn định và được kết hợp quảng bá trong các dịp lễ hội địa phương như hội đền Hát Môn.

Nhờ nằm gần trục quốc lộ 32 và các tuyến liên xã kết nối nhanh đến Sơn Tây và tỉnh Phú Thọ, xã Hát Môn có điều kiện phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, thương mại nông sản và tiêu dùng. Một số khu đất tại Tam Hiệp và Hiệp Thuận đang được quy hoạch để hình thành cụm công nghiệp sạch quy mô nhỏ, tập trung vào chế biến nông sản, vật liệu nhẹ.

Với tiềm năng về di tích, di sản trên địa bàn, xã Hát Môn có thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với kinh tế dịch vụ tại địa phương. Đặc biệt, đền Hát Môn (còn gọi là đền Hai Bà Trưng) được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt , nơi thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, đặc biệt trong các dịp lễ hội truyền thống như Lễ dâng hương tưởng niệm ngày giỗ Hai Bà Trưng vào mùng 6 tháng Hai âm lịch hàng năm.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Hát Môn

Xã Hát Môn là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân gian gắn với đời sống sinh hoạt cộng đồng thể hiện rõ đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tại xã Hát Môn có đền Hát Môn là di tích Quốc gia đặc biệt, là biểu tượng văn hóa - lịch sử tiêu biểu, đại diện cho tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, kiên cường bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Nhân dân đã ghi nhớ công ơn và lập đền thờ Hai Bà Trưng tại nơi hai bà tuẫn tiết trên dòng sông Hát Giang. Hàng năm, nhân dân đã tổ chức Lễ hội đền Hai Bà Trưng để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà, lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân cả nước về hành hương, tham gia vào sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam.

Các khu vực như Tam Hiệp, Thanh Đa, Ngọc Tảo, Hiệp Thuận đều có các đình làng cổ kính - nơi thờ các vị Thành hoàng làng, tướng lĩnh, danh nhân văn hóa. Nơi đây không chỉ là nơi diễn ra lễ hội truyền thống mà còn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các nghi lễ, rước tế, văn nghệ dân gian.

Bên cạnh đó, nhiều chùa làng như chùa Thông ở Thanh Đa, chùa Bảo Lộc ở Liên Hiệp hay chùa cổ tại Tam Thuấn là nơi người dân sinh hoạt tín ngưỡng, góp phần duy trì đạo lý, tinh thần nhân văn trong đời sống thường ngày.

Đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Hát Môn đa dạng, phong phú, gắn bó mật thiết qua các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa làng xã như hát đối, chèo, tổ chức hội rước, trò chơi dân gian. Ngày nay, các thôn xóm còn có phong trào văn hóa - thể thao phát triển mạnh, đặc biệt là các hoạt động dưỡng sinh, thể dục buổi sáng, các câu lạc bộ văn nghệ, bóng chuyền.

Trên địa bàn các xã thuộc Hát Môn có hệ thống trường học đầy đủ các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở, một số trường đạt chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học Hát Môn, THCS Tam Hiệp, Tiểu học Liên Hiệp là những đơn vị điển hình với chất lượng giảng dạy tốt, tích cực đổi mới giáo dục, khuyến học và khuyến tài. Truyền thống hiếu học được gìn giữ qua các dòng họ, các lễ vinh danh học sinh giỏi, khuyến khích học đại học, học nghề và du học.

Xã Hát Môn không có bệnh viện lớn, nhưng có các trạm y tế , thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và hỗ trợ người dân chuyển lên tuyến trên, người dân vẫn được đảm bảo tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Các trạm y tế cơ bản đáp ứng được các nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khỏe và chăm sóc người già và trẻ em. Người dân có thể tiếp cận nhanh Bệnh viện Đa khoa Phúc Thọ để khám, chữa bệnh. 

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Hát Môn: Thôn 1 - Tam Thuấn, xã Hát Môn
  •  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hát Môn: đồng chí Nguyễn Đình Sơn
  •  Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hát Môn: đồng chí Lý Hoàng Kiên
  •  Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hát Môn: đồng chí Kiều Thị Kim Dung.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời