Vùng xanh Hoàn Kiếm: Vì một Hà Nội trong lành, sạch đẹp

"Vùng xanh Hoàn Kiếm" là nỗ lực của Hà Nội trong hành trình 20 năm kiến tạo không gian sống xanh, bắt đầu từ phố đi bộ và hướng tới xây dựng vùng phát thải thấp LEZ, kỳ vọng mở ra tầm nhìn về một đô thị bền vững với giao thông sạch và môi trường trong lành. Đây là bước đi quan trọng nhằm cân bằng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Hà Nội đang lên kế hoạch triển khai "vùng phát thải thấp" (LEZ) nhằm giảm ô nhiễm không khí, với quận Hoàn Kiếm, bao gồm khu vực hồ Gươm, phố cổ và các vùng phụ cận, là nơi đầu tiên được chọn làm thí điểm.

Đề xuất này vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về các tiêu chí và điều kiện xác định vùng LEZ và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nếu được thông qua trong Kỳ họp HĐND vào tháng 12.  

Những ngày này, bầu không khí ở Hà Nội liên tục trong tình trạng ô nhiễm nặng, các bảng thông báo độ ô nhiễm thường có màu đỏ và tím, nghĩa là rất nghiêm trọng. Với tình hình này, thật mừng khi thấy UBND thành phố Hà Nội công bố dự thảo nghị quyết về việc triển khai vùng phát thải thấp (Low Emission Zone - LEZ), một trong những bước quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô.

Đối với những dự án chính sách liên quan đến môi trường, chắc chắn sẽ cần một thời gian để triển khai, nhưng chúng ta cũng lạc quan và tin tưởng vào một tương lai xanh hơn của Hoàn Kiếm - một quận trung tâm, bộ mặt của Thủ đô. Và cách đây đúng 20 năm, mô hình phố đi bộ Hoàn Kiếm cũng đã được triển khai.

Hành trình 20 năm kiến tạo không gian xanh

Ngày 1/9/2016, phố đi bộ Hồ Gươm chính thức đi vào hoạt động, đây không chỉ là không gian văn hóa mà còn là một "lá phổi xanh" giữa lòng Thủ đô.

Với lịch sử hơn một thế kỷ, hệ thống cây xanh phong phú quanh hồ, gồm sưa, vàng anh, bằng lăng, dừa và nhiều loài khác, đã tạo nên thảm thực vật đa dạng, làm dịu không khí và tô điểm cảnh quan.

Kể từ thời Pháp thuộc, hồ Gươm được quy hoạch thành trung tâm của “thành phố - vườn cây” - nơi cây xanh được chú trọng như một phần bản sắc đô thị. Đến nay, không gian xanh này không chỉ làm nên vẻ đẹp độc đáo mà còn là điểm dừng chân quen thuộc của người dân Hà Nội, nơi họ tận hưởng sự thư thái giữa nhịp sống hối hả.

Phố đi bộ hồ Gươm không chỉ được biết đến như một biểu tượng văn hóa mà còn là minh chứng sống động cho tầm quan trọng của mảng xanh trong việc tạo nên một đô thị bền vững, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Trong 20 năm qua, không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm đã trở thành một mô hình rất hiệu quả và cũng góp phần giảm phương tiện cá nhân, tăng không gian cho người đi bộ và cải thiện chất lượng không khí. 

Vùng xanh Hoàn Kiếm: Bước tiến mới trong quản lý giao thông đô thị

TP. Hà Nội đưa ra 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Vùng đầu tiên là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, với mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội. Đây chính là vùng dường như mô tả đúng nhất đối với khu vực quận Hoàn Kiếm. 

Theo kế hoạch, từ 2025 đến 2030, Hà Nội sẽ triển khai vùng LEZ tại một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm và sẽ mở rộng ra toàn thành phố sau khi đánh giá hiệu quả. Quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng LEZ với diện tích hơn 145 ha quanh hồ Gươm và phố cổ. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, "các phương tiện giao thông chiếm tới 30-40% lượng phát thải gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô”. Biện pháp hạn chế bao gồm cấm xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel và khuyến khích các phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải mức cao hơn. Đồng thời, thành phố sẽ đầu tư vào các phương tiện giao thông công cộng xanh, với mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng xe buýt lên 45-50% và đưa vào sử dụng 100 xe buýt điện hoặc xe chạy bằng năng lượng tái tạo. 

Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại “vùng xanh” sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này. Các “vùng xanh” sẽ được xác định theo 6 tiêu chí, quận Hoàn Kiếm được chọn làm điểm thí điểm từ đầu năm 2025 rồi rút kinh nghiệm cho các quận, huyện khác học tập.

Điều đó cho thấy dù vấn đề rất cấp bách, nhưng lần này Hà Nội không vội vàng, mà làm từng bước chắc chắn, có lộ trình 3 giai đoạn rõ ràng. Đó là một cách làm phù hợp và đúng đắn để xử lý vấn đề vốn đã tồn tại từ hàng chục năm qua. 

Theo dự thảo, vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

LEZ được thiết kế để cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng bằng cách giảm tắc nghẽn và số lượng phương tiện gây ô nhiễm trên đường. LEZ sử dụng camera để nhận dạng biển số tự động (ANPR) giúp giám sát các phương tiện và đưa ra thông báo phạt cho những phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Chỉ những phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải quy định mới được phép vào LEZ. Bất cứ ai vào LEZ bằng phương tiện trái phép hoặc không có sự cho phép cần thiết đều có thể bị phạt. LEZ có thể khác nhau về quy mô, phạm vi và giá cả.

Thách thức và cơ hội của Hà Nội trong hành trình "xanh hóa" Hoàn Kiếm 

Hãy thử nhìn về những khó khăn trong công tác triển khai “vùng xanh” tại Hoàn Kiếm và Hà Nội. Thách thức lớn nhất không chỉ của Hà Nội mà tất cả các đô thị lớn trong vấn đề môi trường là hàng triệu phương tiện giao thông trên địa bàn (chủ yếu là xe máy) rất đa dạng về độ mới cũ và tình trạng xả thải khí carbon gây ô nhiễm không khí.

Vì thế, từ đầu năm 2025, để triển khai vùng “vùng xanh”, Hà Nội cần mở đợt rà soát các quận, huyện để thống kê và xử lý các phương tiện giao thông không còn đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải theo quy định. 

Thực tế, nhiều xe máy cũ xả khí đen gây ô nhiễm rõ rệt. Đây thường là phương tiện mưu sinh của người lao động nghèo, nên thành phố cần chính sách hỗ trợ họ chuyển sang xe đáp ứng tiêu chuẩn. Thành phố cần triển khai chương trình "đổi xe cũ lấy xe mới" hợp tình hợp lý, đồng thời xây dựng hệ thống thu gom và xử lý xe cũ theo tiêu chuẩn môi trường.

Bên cạnh đó chi phí đầu tư cho giao thông công cộng và hạ tầng xe điện là một trong những vấn đề Hà Nội cần quan tâm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân cần phải thay đổi nếu chúng ta muốn "xanh hóa" Thủ đô.

Thành phố cần ưu tiên thúc đẩy sản xuất, lưu thông và sử dụng xe máy điện - phương tiện thân thiện với môi trường hơn xe chạy xăng, dù chi phí sở hữu và vận hành còn cao. Gói hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện, giảm phí đỗ xe và các chi phí khác cho phương tiện sạch rất cần thiết, mong sớm thành hiện thực.

Đồng thời, Hà Nội nên tiếp tục phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân giảm dần thói quen dùng xe máy, hướng đến mục tiêu xây dựng giao thông bền vững và thông minh, giảm ô nhiễm không khí.

Chúng ta chỉ còn cách năm mới 2025 hơn 1 tháng nữa và lúc này có lẽ khi nghe về những thông tin liên quan đến vùng xanh LEZ của Hoàn Kiếm thì chắc chắn người dân và du khách đến đây cũng sẽ có những kỳ vọng và dự cảm. Sau đây là những suy nghĩ của một số người dân khi được hỏi về vùng xanh LEZ.

Ông Nguyễn Ngọc Giao (Phố Huế, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Ai cũng muốn có một không gian sống lành mạnh, thật sạch và trong xanh, tôi mong rằng sau này những nền đường, cây xanh được phủ đẹp hơn để chất lượng cuộc sống cao hơn".

Anh Bùi Hải Anh (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho rằng: “Xu hướng ở các nơi hiện tại là đều hướng đến một cuộc sống xanh, nên tôi thấy đây là một trong những việc làm rất thực tế". 

Bạn Nguyễn Trang Anh (phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: "Tôi mong rằng không gian sống sẽ được cải thiện, các phương tiện công cộng sẽ được sử dụng nhiều hơn để giảm thiểu khói bụi".

Chị Nguyễn Mai Hương (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) cho hay: “Tôi từ xa đến đây thì thấy rằng quang cảnh quanh hồ Hoàn Kiếm, tôi thấy có rất nhiều du khách. Nếu như biến Thủ đô thành một khu du lịch sinh thái thì sẽ có thể thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa".

Bạn Trần Thị Như Quỳnh (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Tôi mong muốn tình trạng khói bụi sẽ được hạn chế đi phần nào, giúp cho cuộc sống của mình trong sạch hơn, bây giờ cũng có nhiều bệnh tật do ô nhiễm thì cũng sẽ hạn chế được phần nào bệnh tật".

Chị Đào Phương Thảo (phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Mình cũng kỳ vọng hơn là các quận, huyện khác cũng sẽ có một không gian xanh như thế này để cho người dân trên toàn Thủ đô có không gian, một khu vui chơi cho tất cả các lứa tuổi".

Tầm nhìn tương lai: Hoàn Kiếm trong diện mạo của một đô thị xanh và thông minh

Hãy hình dung một Hoàn Kiếm mới, nơi không gian sống trong lành, yên bình không chỉ là giấc mơ mà là thực tại. Với vùng phát thải thấp (LEZ) được hoàn thiện, Hoàn Kiếm sẽ trở thành biểu tượng của một đô thị thông minh: hệ thống giao thông công cộng hiện đại kết nối linh hoạt mọi tuyến phố, không khí sạch lan tỏa trên từng góc phố, và tiếng ồn động cơ nhường chỗ cho sự tĩnh lặng dễ chịu. 

Không chỉ mang đến chất lượng sống cao hơn cho cư dân và du khách, Hoàn Kiếm còn tiên phong làm hình mẫu để nhân rộng ra các khu vực khác, đưa Hà Nội đến gần hơn với tầm nhìn về một thủ đô xanh, bền vững. Và để ước mơ xanh này thành hiện thực chúng ta cũng sẽ cần nghĩ đến rất nhiều thứ như: bố trí bãi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu người dân, sự kết nối với hệ thống đường sắt đô thị.

Đây sẽ là một lộ trình dài! Một lộ trình dài nhưng chắc chắn là có ý nghĩa và nhiều cơ hội thành công khi chúng ta ý thức bắt đầu. Hãy nhìn vào những bài học từ các thành phố trên thế giới.

Ở London, từ cuối thập niên 1990, chính quyền đã mạnh dạn áp dụng "thuế chống nghẽn" để giảm tắc đường và ô nhiễm. Xe ô tô muốn vào trung tâm giờ cao điểm phải trả phí cao hơn cả vé xe buýt. Ban đầu, chính sách này gây tranh cãi dữ dội, nhưng chỉ sau 3 năm, lượng khí thải NOx - một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm - đã giảm đến 44%.

Tokyo, Nhật Bản, cũng có cách giải quyết sáng tạo với xe máy cũ. Thế hệ trước ở Việt Nam hẳn còn nhớ hình ảnh những "núi" xe máy bị thải bỏ ở Nhật, từng được nhập về và bán lại ở Việt Nam với giá cao.

Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đã đi đầu trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, còn Trung Quốc thì chứng minh sức mạnh của mình qua thành phố Thâm Quyến - nơi chỉ mất 2 năm để chuyển đổi toàn bộ xe buýt công cộng sang chạy điện.

Những câu chuyện này cho thấy với quyết tâm và tầm nhìn, các vấn đề tưởng chừng nan giải đều có thể tìm ra giải pháp hiệu quả và bền vững.  

Để LEZ thành công, Hà Nội cần một chiến lược toàn diện, bắt đầu từ việc huy động các nguồn lực đa dạng như ngân sách, ODA, hợp tác công tư, hay trái phiếu xanh để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện.

Những chính sách thiết thực, như trợ cấp đổi xe cũ, vay ưu đãi mua xe điện, hay hỗ trợ chuyển đổi nghề, sẽ đặc biệt ý nghĩa với nhóm lao động yếu thế; đồng thời, đầu tư vào công nghệ thông minh để giám sát chất lượng không khí, quản lý giao thông và xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại sẽ là nền tảng vững chắc. Quan trọng hơn, sự chung tay của cộng đồng thông qua các chiến dịch truyền thông và cơ chế giám sát sẽ tạo động lực để "vùng xanh" Hoàn Kiếm trở thành hình mẫu của một đô thị xanh và bền vững. 

Đó là điều mà tất cả chúng ta những người dân của Thủ đô đều trông chờ và kỳ vọng từ một vùng xanh Hoàn Kiếm, để từ đó chúng ta sẽ có thêm nhiều vùng xanh trên khắp thủ đô.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các lực lượng thuộc Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa truy xét, bắt giữ đối tượng cướp giật tài sản của cụ bà hơn 80 tuổi.

Sáng 20/11, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm đại án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, cùng nhiều tổ chức liên quan.

Những tháng cuối năm, hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản thường gia tăng với diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Trước tình hình này, Công an Thành phố Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống, tránh thiệt hại về tài sản và đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Hôm nay, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper và Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ, Đại tướng Kevin B. Schneider đã cùng Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam (ADAF), Trung tướng Nguyễn Văn Hiền tham gia lễ bàn giao máy bay huấn luyện T-6C.

Giao thông thông minh đã mang lại rất nhiều tiện ích và trải nghiệm di chuyển. Hiện nay, Hà Nội đã áp dụng nhiều ứng dụng số trong giao thông thông minh làm thay đổi cách mà người dân tham gia giao thông mỗi ngày.

Sáng 20/11, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nhóm thanh thiếu niên, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy đi thành hàng ngang trên đường Nguyễn Trãi.