Ứng phó với sự trở lại của Covid-19
Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia châu Á
Covid-19 đã âm thầm tái xuất và trở thành mối lo ngại ngày càng gia tăng ở một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, với số ca nhiễm và ca bệnh nặng tăng mạnh.
Tình hình dịch Covid-19 tại Thái Lan đang diễn biến phức tạp do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron XEC. Theo Trung tâm thông tin Covid-19 của chính phủ Thái Lan, số trường hợp mắc Covid-19 ở quốc gia này đã lên hơn 71.000 ca nhiễm và 19 ca tử vong kể từ ngày 1/1 đến ngày 14/5/2025 và hiện vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Tờ Bangkok Post dẫn thông tin từ Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết, chỉ riêng trong tuần qua, tính từ ngày 11 đến ngày 17/5, số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng vọt lên 33.000 người, gấp đôi con số 16.000 ca của tuần trước nữa. Bangkok là nơi có số bệnh nhân cao nhất với hơn 6.000 ca. Hầu hết các ca nhiễm Covid-19 đều ở độ tuổi từ 30 đến 39. Các chuyên gia cảnh báo số ca bệnh có thế sẽ còn tăng gấp đôi vào tuần tới.
Các nhà chức trách Thái Lan kêu gọi người dân hãy thận trọng, theo dõi các triệu chứng, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở những nơi đông người.
Bà Loetluck Leelaruangsaeng, Giám đốc Sở Y tế Bangkok cho biết, thành phố hiện đang tăng cường các biện pháp kiểm soát bệnh tật ở trẻ em vào đầu học kỳ mới và yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị lực lượng và trang thiết bị, bao gồm thuốc men, vaccine và giường bệnh để hỗ trợ điều trị cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính. Văn phòng Bệnh truyền nhiễm Y tế Công cộng cũng sẽ cử Đội Giám sát và Phản ứng nhanh đến hỗ trợ và triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các địa điểm bùng phát.
Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang và sử dụng bộ xét nghiệm ATK ngay khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng hoặc mệt mỏi.
Tại Trung Quốc, tình hình dịch Covid-19 ở Hong Kong, cũng đang được giám sát chặt chẽ. Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong báo cáo rằng, tỷ lệ kết quả xét nghiệm dương tính trong các mẫu hô hấp đã đạt mức cao nhất trong hơn một năm. Trong tuần kết thúc vào ngày 3/5, tại đặc khu kinh tế này, có 31 trường hợp nghiêm trọng - đây là mức cao nhất trong 12 tháng qua. Ngoài ra, quá trình giám sát nước thải đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể nồng độ virus, cho thấy sự lây truyền trong cộng đồng đang mở rộng.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này tiết lộ rằng, các ca mắc Covid-19 trong tuần kết thúc vào ngày 3/5 đã tăng 28%, đạt khoảng 14.200 ca; số ca nhập viện do virus cũng tăng khoảng 30%. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau gần một năm, chính phủ Singapore công bố số liệu chính thức theo cách này, một động thái thường chỉ dành cho những tình huống được coi là đặc biệt đáng lo ngại.
Mặc dù có sự gia tăng ca nhiễm, Singapore vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ biến thể mới nào nghiêm trọng hơn. Các nhà chức trách tin rằng nguyên nhân chính là khả năng miễn dịch suy yếu trong cộng đồng, sau một thời gian dài không tiêm vaccine tăng cường hoặc không tiếp xúc với virus. Do đó, chính phủ nước này đang khẩn trương khuyến cáo các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh lý nền tiêm mũi tăng cường càng sớm càng tốt.
Ấn Độ cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của đợt lây nhiễm này. Tính đến ngày 19/5, có khoảng 93 trường hợp mắc Covid-19 tại Ấn Độ. Mặc dù sự lây nhiễm ở Ấn Độ hiện không cao như các quốc gia khác nhưng các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, nước này có thể chứng kiến một làn sóng gia tăng tương tự, xét đến sự suy giảm khả năng miễn dịch của dân số. Sự bùng phát trở lại của Covid-19 vào mùa hè gây nhiều lo ngại bởi nó trái ngược với giả định trước đây vốn cho cho rằng virus có xu hướng giống như cúm mùa sẽ giảm mạnh khi thời tiết ấm áp.
Tình hình Covid-19 tại Việt Nam
Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam nhìn chung ổn định, với số ca mắc rải rác tại nhiều địa phương và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong những tuần gần đây, khiến ngành y tế và người dân không thể chủ quan.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 1 đến giữa tháng 5/2025, cả nước ghi nhận 148 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương ghi nhận nhiều ca nhất với 51 trường hợp, tiếp theo là Hà Nội với 38 ca, Hải Phòng 21 ca, Nghệ An 17 ca, Bắc Ninh 14 ca… Các địa phương khác ghi nhận từ 1 đến 6 ca, chủ yếu là các ca nhẹ, không triệu chứng hoặc điều trị ngoại trú, chưa có trường hợp nào tử vong do Covid-19. Các trường hợp mắc chủ yếu là những người có bệnh mãn tính.
Dù số ca tăng nhẹ, nhưng tình hình vẫn được đánh giá là trong tầm kiểm soát. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính dẫn đến đợt gia tăng nhẹ này là do thời gian vừa qua có kỳ nghỉ lễ dài ngày, người dân đi du lịch, di chuyển và tham gia nhiều hoạt động đông người, tạo điều kiện cho virus lây lan.
Tuy nhiên, mức độ gia tăng hiện tại vẫn ở mức thấp và chưa gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận biến thể mới nào đáng lo ngại, tuy nhiên ngành y tế đang theo dõi sát sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron - vốn đang lan nhanh tại một số nước châu Á như Thái Lan. Biến thể này được đánh giá là có khả năng lây lan cao, nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn và WHO hiện không có cảnh báo mới đối với Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cho công tác thu dung bệnh nhân, đồng thời giao cho các bộ phận phân chia các khu vực khám và điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng ta không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước tình hình dịch bệnh".
Covid-19 là bệnh thông thường
Bốn ngày trước, ông Lê Xuân Huyên, 71 tuổi huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có biểu hiện sốt trên 39 độ, đau mỏi người, ho nhiều kèm tức ngực khó thở; chỉ số SP02 là 94-95%. Trước đó, ông đang điều trị bệnh nền tại khoa Lão bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Ông Huyên chia sẻ: "Cách đây bốn hôm bác sĩ kiểm tra thấy sốt, có test Covid thì dương tính nên tôi chuyển sang khoa Truyền nhiễm. Các bác sĩ nhiệt tình khám và điều trị nên tôi rất yên tâm".
Từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố đã ghi nhận rải rác gần 40 trường hợp mắc Covid-19. Ngoài những bệnh nhân điều trị ngoại trú thì những bệnh nhân chỉ định nhập viện thường có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, suy thận…
Bác sĩ CKII Trần Thị Kim Anh - Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: "Gần đây, khoa chúng tôi tiếp nhận một số bệnh nhân Covid, các bệnh nhân này vì đã được tiêm phòng nên những thể bệnh cũng nhẹ, bệnh nhân chủ yếu viêm đường hô hấp trên, chỉ có 1-2 trường hợp biến chứng viêm phế quản nhẹ".
Covid-19 đã chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, giảm mức độ dịch so với trước nhưng các bệnh viện trên địa bàn thành phố luôn chuẩn bị để thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị, vật tư y tế để thu dung, cách ly, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc giám sát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố cũng được chú trọng.
Với sự vào cuộc chủ động của các bệnh viện, cơ sở y tế sẵn sàng biện pháp ứng phó, Covid-19 sẽ không còn là nỗi lo quá lớn đối với cộng đồng.
Biện pháp phòng tránh Covid-19
Trước tình hình bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, đặc biệt tại cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng; đồng thời sẵn sàng thu dung, điều trị nếu xuất hiện ổ dịch mới. Người dân được khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, hạn chế tiếp xúc nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở.
Bộ Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình Covid-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong.
Để chủ động phòng, chống bệnh Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
- Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
- Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.
Đặc biệt, người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống Covid-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội sáng 19/5 đã tổ chức giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã cắt băng khánh thành phòng truyền thống Y dược cổ truyền dân tộc tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.
Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác khám, phát hiện và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Những bác sĩ quân y trên quần đảo Trường Sa chính là “người thầy thuốc” tận tâm chăm sóc sức khỏe giữa muôn trùng sóng vỗ.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh.
Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội, Cục An toàn Thực phẩm sẽ cập nhật trên website các sản phẩm thực phẩm chức năng giả để người tiêu dùng biết và không sử dụng.
0