Từ dòng máu Lạc Hồng đến khát vọng hóa rồng | Hà Nội tin mỗi chiều

Mỗi năm, khi tháng Ba âm lịch về, người Việt khắp nơi lại hướng về Đền Hùng để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đây không chỉ là dịp tri ân tổ tiên, mà còn là lúc để mỗi người tự hỏi: Là hậu duệ của "Con Rồng, cháu Tiên", chúng ta đã làm gì để xứng đáng với di sản ấy?

Khát vọng "hóa rồng" không chỉ là giấc mơ, mà là mục tiêu cụ thể được xác định trong chiến lược phát triển quốc gia: đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Trong dòng chảy ấy, Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến – đang mang trên vai sứ mệnh đặc biệt: không chỉ giữ hồn dân tộc, mà còn dẫn dắt tư duy phát triển, kiến tạo một diện mạo mới cho đất nước trong hành trình khẳng định mình trên bản đồ thế giới.

Từ lâu, “hóa rồng” không còn là một ẩn dụ mang màu sắc truyền thuyết, mà đã trở thành một khát vọng cụ thể – được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045. Mục tiêu không hề dễ: Việt Nam đặt kỳ vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao, nằm trong nhóm quốc gia tiên tiến. Thách thức càng lớn khi chúng ta xuất phát điểm là một quốc gia nông nghiệp, từng chịu đựng hàng chục năm chiến tranh, điểm nghẽn thể chế và năng suất lao động còn thấp. Nhưng nhìn lại, chính dòng máu Lạc Hồng cùng truyền thống ngàn đời “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đã làm nên bản sắc Việt: kiên cường, thích ứng và không bao giờ khuất phục.

Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.300 USD, tăng hơn 33 lần so với năm 1986 khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Việt Nam cũng đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu. Có lẽ, chưa bao giờ khát vọng dân tộc lại trùng khớp mạnh mẽ đến vậy với cơ hội thời đại như hôm nay.

Từ thời dựng nước đến giữ nước, từ giặc ngoại xâm đến thiên tai, dịch bệnh, chưa khi nào người Việt lùi bước. Đại dịch Covid-19 là minh chứng gần nhất. Trong lúc nhiều quốc gia loay hoay, chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh, giữ ổn định xã hội và nhanh chóng phục hồi kinh tế. Đó không phải sự may mắn – mà là kết quả của một ý chí tập thể, một nội lực đã được tôi luyện từ trong gian khó. Một dân tộc từng không chịu cúi đầu trước giặc ngoại xâm, thì cũng không thể chấp nhận tụt lại trong cuộc đua phát triển toàn cầu. Bản lĩnh ấy – nếu được khơi dậy và chuyển hóa thành hành động cụ thể sẽ là nền móng để hóa rồng, bằng chính đôi chân của mình, chứ không trông chờ vào phép màu.

Từ công cuộc đổi mới năm 1986 đến những chuyển động thể chế gần đây như Luật Đất đai (sửa đổi), thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính – đều đang mở ra một “phân làn” mới trên đại lộ phát triển. Nhưng cải cách chỉ hiệu quả khi người thực thi dám hành động, dám chịu trách nhiệm. Khó khăn lớn nhất không phải là thiếu nguồn lực, mà là thiếu quyết tâm dẹp bỏ lợi ích cục bộ. Tư duy dám bứt phá – nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội đóng một vai trò rất quan trọng, mang tính gương mẫu, tiên phong trong công cuộc hoá rồng của dân tộc.

Trong kỷ nguyên số, tài nguyên lớn nhất không còn là đất đai hay dầu mỏ – mà là chất xám, công nghệ. Những quốc gia thành công như Hàn Quốc, Singapore đều có điểm chung: đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu, và tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo. Việt Nam của chúng ta cũng đang có cơ hội vàng để làm điều tương tự. Dân số trẻ, năng động, tỷ lệ sử dụng Internet cao, hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu phát triển. Nhưng cơ hội sẽ không tự biến thành thành quả nếu thiếu nền tảng: hạ tầng số đồng bộ, môi trường pháp lý minh bạch, chính sách khuyến khích tài năng Việt trở về cống hiến. Vì thế, muốn hóa rồng trong thế kỷ XXI, Việt Nam không thể chỉ là “công xưởng giá rẻ”, mà phải trở thành trung tâm công nghệ, sáng tạo và tri thức. Ở đây, Hà Nội – với vai trò trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục và đổi mới sáng tạo – cần đi đầu trong việc hình thành hệ sinh thái kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp, trường viện và startup.

Có thể nói, Hà Nội, với vị thế là Thủ đô, đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng hóa rồng của quốc gia. Thành phố không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là đầu tàu kinh tế, văn hóa và giáo dục. Việc phát triển Hà Nội thành một đô thị thông minh, sáng tạo, kết nối toàn cầu sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của cả nước. Chuyển đổi số toàn diện, đầu tư mạnh cho giáo dục, khoa học công nghệ, mở rộng không gian phát triển – Hà Nội đang đi những bước đi đầy tham vọng để trở thành thành phố toàn cầu. Trong khát vọng hóa rồng, Hà Nội không thể đi chậm hơn cả nước, mà phải đi trước. Không chỉ giữ gìn di sản, Hà Nội còn phải là “ngọn hải đăng” dẫn đường cho cải cách thể chế, chuẩn mực đô thị, và tư duy quản trị hiện đại.

Ngày Giỗ Tổ nhắc nhở mỗi người Việt rằng, chúng ta là con cháu các Vua Hùng, là hậu duệ của giống Rồng Tiên - không được phép bằng lòng với hiện tại. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi cán bộ công quyền - đều là một "tế bào rồng", mang trong mình trách nhiệm góp phần vào sự chuyển mình của đất nước. Không ai đứng ngoài khát vọng hóa rồng ấy. Tổ quốc như một con rồng đang cuộn mình chờ thời và thời cơ của chúng ta chính là hôm nay. Hãy khơi dậy tiềm lực, thắp sáng trí tuệ, khơi thông thể chế, đồng lòng vươn lên - để dân tộc Việt Nam thực sự hóa rồng như một lẽ tự nhiên, xứng đáng với dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong tim mỗi người con đất Việt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phở không chỉ là một món ăn mà là một thói quen, một phần không thể thiếu trong nhịp sống hàng ngày của nhiều người đang sinh sống tại Hà Nội, họ ra phố ăn phở chẳng kể sáng, trưa hay chiều, tối.

Kiều bào Việt Nam hướng về ngày Giỗ Tổ; Ngành da giày ứng phó tác động chính sách thuế của Mỹ; Bộ GD&ĐT lý giải cách quy đổi điểm xét tuyển đại học; Hàn Quốc ấn định lịch trình bầu cử Tổng thống;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 18h30 hôm nay.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức lễ khởi công, khánh thành các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 30/4; Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tặng trang thiết bị, vật tư cứu hộ cho Myanmar; ASEAN cùng nhau thiết lập một thỏa thuận chung để đối phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Nhiều biển số xe máy được đấu giá, từ 5 triệu đồng; Đề xuất lùi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pickup; 7500 xe Volvo lỗi pin có nguy cơ phát nổ;... là những nội dung đáng chú ý trong Bản tin Tàu và Xe hôm nay.

Giỗ tổ Hùng Vương - Biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc; Người dân quay trở lại Hà Nội, nhiều tuyến đường có mật độ phương tiện cao gây ùn tắc cục bộ; Hà Nội kiện toàn tổ công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng; Chứng khoán châu Á đỏ lửa, nhiều thị trường buộc phải dừng giao dịch;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Ở phần này, câu chuyện xoay quanh Khuê - người lính cần vụ của Chính ủy Trung đoàn 5. Sau những trận chiến cam go, Khuê nhận nhiệm vụ mới bên cạnh Chính ủy Kinh - một con người từng trải, từng là cán bộ tuyên huấn dày dặn kinh nghiệm. Ban đầu anh miễn cưỡng, nhưng qua những ngày tháng đồng hành, Khuê dần hiểu hơn về Kinh và chấp nhận trọng trách của mình.