TP.HCM vận hành ổn định chính quyền 2 cấp sau sáp nhập

168 đơn vị hành chính tại TP.HCM sau sáp nhập đã hoạt động ổn định, đảm bảo thủ tục thông suốt.

Tại TP.HCM sau sáp nhập, 168 phường, xã và đặc khu đều tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính một cách ổn định. Các giao dịch hành chính của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn.

Phường An Lạc là phường có quy mô lớn tại TP.HCM với hơn 170 ngàn dân. Việc bố trí máy tính để người dân đăng ký các dịch vụ công trực tuyến đã tạo thuận lợi cho người dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính.

Ông Lê Trương Hải Hiếu - Bí thư phường An Lạc cho biết: "Ở trung tâm thành phố, người dân thực hiện giao dịch nhiều; còn ở phường An Lạc cũng như các phường vùng ven thành phố, chúng tôi thực hiện các hồ sơ về nhà đất nhiều hơn. Chúng tôi tăng cường thêm Đoàn thanh niên để hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục. Tuy nhiên, việc mà chúng tôi tập trung là hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến".

Sau gần 2 tuần triển khai mô hình chính quyền hai cấp, TP.HCM ghi nhận gần 80 ngàn hồ sơ hành chính đã được tiếp nhận, trong đó, hơn 48 ngàn hồ sơ thuộc cấp xã. Việc xử lý hồ sơ hành chính diễn ra liên tục, không bị gián đoạn, đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. 

Ông Bùi Trường Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Sài Gòn cho biết thêm: "Trước đây, từ cấp quận đến cấp phường, chúng tôi đã số hóa rất nhiều các thủ tục ở mức độ 3, mức độ 4. Khi chuyển giao các thủ tục hành chính về cho phường thì với việc ứng dụng công nghệ thông tin chúng tôi không khó khăn. Chỉ có đối với bộ thủ tục hành chính niêm yết theo thẩm quyền, chúng tôi phải cập nhật lại thôi và được sự hỗ trợ của Trung tâm Chuyển đổi số thành phố rất lớn. Trung tâm đã hỗ trợ, thậm chí là cắt cử 2 chuyên viện đến phường để vận hành xuyên suốt 24/24".

Theo Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố đã vận hành ổn định nhiều năm. Năm 2024 là 6,5 triệu hồ sơ. Trong khi đó, hệ thống của Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý khoảng 600 nghìn hồ sơ và Bình Dương khoảng 800 nghìn hồ sơ. Sau sáp nhập, 100% dịch vụ công trực tuyến tại TP.HCM đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo mô hình “một cửa số”. 

"Hiện nay trong việc vận hành hệ thống, chúng tôi vẫn duy trì song song 2 hệ thống. Một là hệ thống trên cổng quốc gia, hai là hệ thống của thành phố vẫn đang duy trì, để trong tình những tình huống xấu nhất thì vẫn có thể sử dụng hệ thống của thành phố để dự phòng trong trường hợp hệ thống quốc gia có vấn đề gì trong giai đoạn đầu. Bất cứ một hệ thống kỹ thuật nào trong giai đoạn đầu đưa vào sử dụng cũng sẽ có những cái điểm trục trặc nhất định. Việc chúng ta có một hệ thống dự phòng cùng với hệ thống đang sử dụng đó là một trong những yêu cầu kỹ thuật phải thực hiện" - bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cho hay.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Song song đó, thành phố cũng phát động phong trào thi đua sâu rộng hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả - phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời