Thuế thu từ thương mại điện tử tăng vọt

Thu thuế từ thương mại điện tử và kinh tế số đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 58% nhờ siết kê khai, cải tiến quy trình và chống thất thu hiệu quả.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, số tiền thu thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số là 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024.

Có thể thấy, sau một thời gian siết chặt khâu kê khai, tăng cường quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng số, cải tiến quy trình hoàn thuế và triển khai các chuyên đề chống thất thu, đã và đang góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thất thoát ngân sách Nhà nước.

Trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia và Thái Lan và thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Không thể phủ nhận, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, người dân, giúp tăng doanh thu đóng góp không nhỏ vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Ông Nguyễn Văn Tuân - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui cho biết: "Trước đây, chúng tôi bán mỗi năm chỉ bán khoảng 20.000 - 30.000 chiếu nhưng về sau, nhờ có các kênh thương mại điện tử, truyền thông thì nhiều người biết đến. Hiện chúng tôi đã có thể bán được khoảng hơn 250.000 chiếu, chúng tôi tăng trưởng đến mức nhân công còn không đủ để làm chiếu".

Theo các chuyên gia lý giải, bên cạnh việc kê khai nộp thuế trở nên dễ dàng hơn nhờ chuyển đổi số thì mức thu thuế kinh doanh qua thương mại điện tử đối với những người bán hàng trực tuyến cũng có lợi thế. Do vậy, không khó hiểu vì sao mà số thuế thu từ thương mại điện tử lại liên tục tăng vọt.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết: "Nếu họ livestream bán hàng, đăng kí nộp thuế qua cổng thông tin sẽ phải nộp 7% thuế, nhưng nếu họ trở thành người bán trực tiếp hàng hóa của họ thì chỉ phải nộp 1,5% và 0,5% thuế thu nhập cá nhân, 1% thuế GTGT. Nếu không đăng kí nộp thuế, họ phải nộp thuế qua các đơn vị nhãn hàng theo biểu thuế lũy kế từng phần từ tiền lương, tiền công lên đến 5-35% và rõ ràng tính tuân thủ sẽ giảm đi".

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế cho biết: "Với việc chúng ta đã thành lập các trang web, cổng thương mại điện tử thì việc kê khai và tự giác nộp thuế của những người kinh doanh thương mại điện tử dễ dàng hơn, thông thoáng hơn. Từ đó việc nộp thuế cũng tốt hơn. Việc chúng ta đẩy mạnh quản lý thị trường, đảm bảo loại bỏ hàng giả hàng nhái cũng sẽ dễ dàng hơn".

Cả nước hiện có khoảng 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ 1/7, các sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thuế thay người bán trên sàn. Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của người bán trên sàn gồm toàn bộ tiền từ hàng hóa, dịch vụ, không trừ phí giao dịch, vận chuyển, giảm giá, trợ giá, theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Các chuyên gia kỳ vọng, khi quản lý thuế được siết chặt, nguồn thu từ thương mại điện tử sẽ còn tiếp tục tăng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời