Tạm biệt tháng Giêng

Vậy là tháng Giêng đã đi đến ngày cuối. Mới đây những ngày giêng xuân tràn còn rộn ràng những hội ngộ, sum vầy của Tết, thế mà thoáng cái đã đi qua.

Chiều nay, mời bạn nghe những dòng tự sự của Hồ Thu trong một ngày cuối tháng Giêng.

Tháng Giêng lùi lại để tháng Hai bước tới với sắc hoa màu lá hò hẹn cùng chồi non lộc biếc, với những ngả đường xanh tươi cỏ cây, những cánh đồng ngút ngàn, với dòng sông quê nhà thao thiết ngọt lành nước mát, với biển cả thủ thỉ lời hẹn hò mời gọi vào mùa hạ chẳng mấy thời gian… Đất trời vào cuộc chuyển giao, tiếp tục hành trình phía trước của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Mong ngóng mỗi độ xuân về, qua giêng rồi mà vẫn hay bất chợt có những khoảnh khắc muốn níu lại từng ngày tháng giêng chầm chậm trôi.

Mới đây thôi, Tết là sự hội ngộ, là tay bắt mặt mừng của biết bao cuộc gặp gỡ sau biết bao mong chờ. Thoắt cái là cuộc chia tay, lại hẹn nhau Tết tới, năm này…

Ảnh: Việt Nguyễn

Tháng Giêng dường như im lặng thấm vào mỗi người từng phút giây của đoàn tụ, tháng Hai đưa ta về với những hối hả, bộn bề thường nhật. Tháng giêng đã gửi nắng, mưa, mây, gió, những nồng nàn, dịu ngọt của hạnh phúc yêu thương cho người ở lại và gửi gắm vào tháng Hai những ước mơ, dự định, hoài bão cho người ra đi…

Tạm gác lại những lo toan thường nhật, tôi cảm nhận sự giao hòa với thiên nhiên trọn vẹn giêng - hai. Tháng Giêng chắt chiu qua bao ngày giá rét, để tháng Hai bỗng nhiên nhựa sống ứ tràn, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, vạn vật khát khao hội tụ và dâng hiến. Rồi dần hiểu sao cứ giêng – hai trai thanh gái lịch thích du xuân trẩy hội, ham đó đây hội hè, trao ý gửi tình, kết liền chị liền anh, thâu đêm giùng giằng mãi khúc giã bạn ngõ vắng đường khuya…

Tôi bước vào tháng Hai bằng đôi chân của mẹ cha cho, những bước đi từ ngôi nhà thân yêu thuở ấu thơ chập chững, gửi lại tháng Giêng chút ưu tư, hoài niệm và nhớ mong. Trong hành trang của tôi rời chốn quê hôm ấy có những thương nhớ của tháng Giêng, những thứ bánh trái tảo tần từ đôi tay của mẹ của bà, những câu chuyện không đầu không cuối về gia đình, làng xóm… Những đứa con rời quê chắc hẳn không bao giờ quên hình ảnh bếp lửa hồng, vườn rau, đường làng, vạt rừng, đồng bãi. Nếu tháng Chạp là sự ngóng trông, chờ đợi, tháng Giêng là sum họp, đoàn tụ thì tháng Hai là khoảng thời gian để người ta nghĩ nhiều hơn về tình thân, quê hương, cội nguồn. Cả những ước mơ, dự tính tương lai.

Tạm biệt tháng Giêng với những hồi ức trong tim, tôi đón tháng Hai về trên phố phường tấp nập tiếng còi xe. Dường như trong sâu thẳm, tôi vẫn nhìn thấy đâu đó một màu nắng non chập chờn trong vòm lá, trên vạt hoa bí vàng, hoa bầu trắng, cải lên ngồng và tim tím hoa xoan.

Tôi ngước nhìn lên vòm cây ven đường. Nắng đã lên. Những giọt sương đọng trên cỏ cây hoa lá như long lanh hơn. Tháng Hai đang chờ tôi. Tôi thấy trong sâu thẳm tâm hồn mình nhen lên thật nhiều ước vọng./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mùa nắng ở Hà Nội, có người thường giữ thói quen cùng người bạn thân dạo quanh những góc phố thân thuộc, ngắm nhìn phố phường Hà Nội óng ánh dưới nắng vàng.

Có một người con luôn tự hào về bố, bởi bố từng là một chiến sĩ giải phóng quân, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời bình, bố là một cựu chiến binh cần mẫn với công việc đời thường và luôn gương mẫu trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi khi đến ngày lễ 30/4, người con ấy lại nghĩ nhiều về bố, về giá trị của cuộc sống hòa bình.

Tròn 50 năm non sông thu về một mối, người dân từ Đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được hân hoan sống trong độc lập, tự do. Tháng Tư, nhớ lại câu chuyện đã được nghe trong chiến tranh và hòa bình, thấy thêm yêu “Nước của những người không bao giờ khuất”.

Đất nước mình có rất nhiều những dòng sông. Nhưng chắc chắn, trong thời hiện đại, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải. Những ngày tháng 4 lịch sử này đánh dấu tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải giờ đây chỉ còn là chứng tích cho một thời mất mát, đau thương.

Trưa nay, ngồi ăn cơm cùng các anh chị đồng nghiệp, câu chuyện rôm rả xoay quanh dịp lễ 30/4 sắp tới. Ai cũng háo hức chia sẻ dự định, ai cũng mong chờ một kỳ nghỉ thật đặc biệt – không chỉ vì được nghỉ, mà bởi đây là một ngày có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam.

Sau cái rét nàng Bân, Hà Nội lại bắt đầu bước sang một mùa kỳ lạ khác trong năm, gây cảm giác khó chịu dai dẳng, đó chính là mùa nồm.