Sẽ không còn 'vùng trũng' cho hàng giả tồn tại! | Hà Nội tin mỗi chiều

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa phát động một đợt cao điểm toàn quốc để truy quét hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại.

Hơn 34 nghìn vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các địa phương và đơn vị xử lý trong những tháng đầu năm. Đáng nói có những vụ việc điều tra, phát hiện có cả những người đứng đầu vì hám lợi đã tiếp tay cho hàng giả ngang nhiên tồn tại… khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Đó là lý do vì sao Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa phát động một đợt cao điểm toàn quốc để truy quét hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại. Một chiến dịch lớn, có sự vào cuộc đồng loạt của công an, quản lý thị trường, hải quan, thuế, biên phòng… Nhưng điều mà dư luận quan tâm có lẽ là chiến dịch này có gì khác so với những chiến dịch trước đây?

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia có công văn khẩn gửi các bộ, ngành và địa phương, yêu cầu triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đối tượng tập trung gồm các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá, rượu bia, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là xăng dầu - một lĩnh vực vốn nhạy cảm, dễ bị thao túng. Đây là động thái thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, trong bối cảnh vấn nạn buôn lậu và hàng giả ngày càng tinh vi, lan rộng từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, từ livestream mạng xã hội đến cả các cửa hàng sang trọng.

Trên thực tế, hàng giả hiện nay không còn lén lút. Qua các vụ việc bị phát hiện liên tiếp gần đây, chúng ta có thể nhận thấy, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng đều có hệ thống phân phối, có người nổi tiếng quảng cáo, có cả nền tảng giao hàng hỗ trợ. Từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, từ mạng xã hội đến các cửa hàng sang trọng, gần như hàng giả đang hiện diện như thể… chẳng có gì phải sợ.

Được biết, đợt cao điểm lần này được kỳ vọng sẽ không chỉ truy quét vài kho hàng nhỏ, mà phải triệt phá cả hệ thống, xử lý người tiếp tay và hơn hết là công khai trách nhiệm địa phương để xảy ra vi phạm. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia lần đầu tiên yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch truy quét quy mô lớn, đánh giá công khai kết quả cuối chiến dịch và nêu rõ trách nhiệm địa phương nào để tái diễn vi phạm. Câu chuyện lần này vì thế không còn là “phát hiện bao nhiêu vụ, thu giữ bao nhiêu tang vật” mà là: Có triệt tận gốc? Có xử lý người tiếp tay cho hàng giả không?

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia cũng đã đối diện với thực trạng này và họ có những cách xử lý khác nhau.

Ở Singapore, mọi hàng hóa nhập khẩu đều phải đi qua hệ thống khai báo điện tử TradeNet - một cổng dữ liệu thống nhất kết nối giữa hải quan, thuế và an ninh. Bất kỳ lô hàng nào nghi ngờ đều bị dừng tại cảng, điều tra ngay từ vòng ngoài, thay vì đợi tới khi “lọt vào nội địa” mới truy xét.

Trong khi đó, tại Đức, hải quan có quyền tiêu hủy hàng giả tại chỗ và người vi phạm có thể đối mặt với án tù, đặc biệt khi sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Không chỉ vậy, luật của Đức cho phép các doanh nghiệp bị làm giả được chủ động khởi kiện và phối hợp cùng cơ quan điều tra.

Còn với Trung Quốc, các “tòa án sở hữu trí tuệ” được thành lập chuyên trách xử lý hàng giả và nhiều vụ xử phạt lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ đã siết chặt tình trạng nhức nhối này.

So với họ, Việt Nam chúng ta không thiếu luật. Nhưng có lẽ cái thiếu đi là sự nối kết liên ngành, thiếu cơ chế giám sát độc lập. Đợt truy quét lần này có thể xem là cơ hội để đo lường lại năng lực thực thi của hệ thống quản lý thị trường, hải quan, công an, thuế vụ… nhưng cũng là phép thử để người dân thấy được quyết tâm thật sự của bộ máy công quyền. Bởi nếu sau đợt cao điểm này, thứ còn lại chỉ là những bảng tổng kết thành tích, những buổi họp báo đọc số vụ xử lý… mà không ai bị khởi tố, không đường dây nào bị phanh phui thì đó sẽ là sự lặp lại của những chiến dịch “rầm rộ rồi chìm xuồng”.

Muốn lần này khác, chúng ta cần một cuộc “tự làm sạch” từ bên trong. Hàng giả không thể sống nếu không có quyền lực tiếp tay, hoặc sự im lặng mặc định từ chính những người có trách nhiệm quản lý.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo, nhưng trách nhiệm không thể đổ hết lên vai người tiêu dùng. Đó là sự vô lý khi bắt người dân phải phân biệt hàng thật - hàng giả, trong khi hàng hóa bày bán công khai, livestream công khai, được vận chuyển đến tận tay bằng hệ thống logistics hợp pháp. Vì thế, không xử sớm hàng giả thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể bị bóp nghẹt.

Tóm lại, chiến dịch truy quét hàng giả lần này có thể là cơ hội để lấy lại những gì chúng ta đã đánh mất: niềm tin, công lý và sự tử tế trong kinh doanh. Nhưng có thành công hay không, có đi đến cùng hay không - thì còn cần sự theo dõi, giám sát và cả lên tiếng từ chính người dân, doanh nghiệp. Cuộc chiến với hàng giả chắc chắn chưa thể kết thúc trong vài ba tháng, nhưng ít nhất, nó có thể bắt đầu một cách đúng đắn, nếu chúng ta coi đây không phải là chiến dịch, mà là một lời tuyên bố: sẽ không còn vùng trũng cho tội phạm thương mại trú ẩn. Liệu chúng ta có dám đi đến cùng?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội tích hợp 4 thủ tục hành chính của Đảng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh Covid-19; Quân đội Israel đẩy nhanh việc mở rộng chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ tai nạn của mẹ Thư Nhân năm xưa, Tôn Thụ hy vọng bằng phương thức đối diện với sự thật, cô sẽ giúp Thư Nhân thoát khỏi nỗi đau trong quá khứ. Mời các bạn đón xem tập 40 của bộ phim "Yêu em, người chữa lành vết thương cho anh", phát sóng lúc 12h ngày 20/5, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Dù bị Kiến Nhất làm liên lụy, Jo Jo vẫn quyết định cho anh một cơ hội sửa sai. Tuy nhiên, rắc rối vẫn không ngừng thử thách tình bạn giữa hai người. Mời các bạn đón xem tập 3 của bộ phim "Cầu vồng trong mưa", phát sóng lúc 13h ngày 20/5, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Biết rõ điểm yếu của đối phương, Thân Thế Kiệt đã khống chế Trường Ba, buộc Kha Ánh một lần nữa phải ngoan ngoãn nghe lời. Mời các bạn đón xem tập 12 của bộ phim "Dưới ánh mặt trời", phát sóng lúc 20h ngày 20/5, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Thời tiết tại Thủ đô hôm nay được dự báo tăng nhiệt, nắng nóng có khả năng xuất hiện trong ngày.

Sáng tác: Trần Kiết Tường. Biểu diễn: NSƯT Vũ Thắng Lợi, Hợp xướng, Dàn nhạc Đài Hà Nội & Vũ đoàn Tre.