Ngôi sao 'bụng bự'
Mười lăm giờ chiều một ngày tháng Bảy, người ta đưa cậu tôi về từ bệnh viện sau hàng tiếng đồng hồ cấp cứu không thành. Bầu trời lờ lững mây, nắng hắt vào khoảng sân xi măng xám xịt – nơi những chậu cây bông giấy đang rũ lá vì cả ngày chưa được tưới tẩm. Tôi ngồi ở nhà sau cùng mấy chị dùng dao lam cắt hết cúc trên áo của cậu theo tục lệ, nước mắt từng dòng rơi mặn chát. Vậy là cậu đã đi về nơi có bà cố - người bà mà cậu hết mực yêu thương, không vướng bận gì trần gian này nữa.
Từ nhỏ cậu tôi đã không sống với ba mẹ mà chỉ muốn ở với bà. Từ lúc bà mất, cậu sống một mình ở nhà thờ họ để sớm hôm lo hương khói, trà nước. Cũng vì sống một mình nên khi cậu lên cơn đau tim, dù là ban ngày nhưng không ai hay biết. Cậu gắng gượng vượt qua cơn đau cho đến khi không còn chịu được nữa mới gọi điện cho mọi người đưa đi viện. Vậy mà khi cậu được người ta đưa về đã lạnh tanh không còn hơi thở.
Cậu là người đàn ông ngoài năm mươi, không lập gia đình. Cậu có dáng người trung bình, thích mặc quần bò, áo thun sáng màu hoặc sơ mi tay ngắn cùng chiếc nón đen tròn có vành ngắn trên đầu. Khuôn mặt cậu tròn tròn, đường nét khó đăm đăm. Đôi mày cậu thường xuyên nhíu lại, suýt nữa chạm vào nhau càng thêm khẳng định sự khó tính của cậu. Đám cháu chắt trong nhà, thậm chí là anh chị em cậu, đều sợ làm cậu nổi giận vì hễ giận hay không vừa lòng chuyện gì là cậu quát rất to, rất dữ. Giọng cậu sang sảng, thường xuyên đệm theo những từ khó nghe. Nhưng hễ quát rồi là thôi, cậu sẽ không nhớ chi mấy chuyện làm cậu buồn phiền. La đó rồi quên đó ngay thôi.
Bụng dạ cậu trái ngược hoàn toàn với bề ngoài hung hăng, bặm trợn. Cái bụng bia to tròn của cậu rất đặc biệt là vì chứa nhiều sự thương người trong ấy. Cậu chiều chuộng tất thảy mấy đứa cháu, không phân biệt cháu ruột hay cháu họ. Hồi tụi tôi còn đi học, mỗi lần ba mẹ có việc bận cần nhờ cậu đưa đón, có xa mấy cậu cũng sẵn sàng chở đi đến nơi, về đến chốn.
Năm đó, tôi chuẩn bị đi học xa nhà. Hôm trước ngày đi, cậu dúi vào tay tôi mấy tờ tiền còn mới cứng. Tôi vội trả lại vì biết rằng cậu cũng khó khăn, cần chi tiêu nhiều thứ. Nhưng cậu đã kịp dùng gương mặt khó đăm đó lườm tôi một phát rồi kêu cất tiền đi khi nào cần thì có mà dùng. Vậy là tôi ngoan ngoãn nghe theo, không dám hó hé thêm một tiếng nào. Tôi cất rất kỹ số tiền ấy. Sau này, chính số tiền mà cậu cho ngày nào đã giúp tôi trang trải và vượt qua lúc thực sự khó khăn khi tôi sống xa nhà. Dù cậu không nói lời yêu thương như cô như dì, nhưng cậu có cách quan tâm những đứa cháu của mình theo một cách riêng mà vẫn ấm áp.
Sau này, khi đi làm có thu nhập, tôi thỉnh thoảng mua mấy món cậu thích ăn, mấy món đồ điện tử cậu hay dùng, đêm giao thừa sang nhà thờ họ để mừng tuổi cậu cùng với bao lì xì đỏ may mắn... Cậu hay nói với đám cháu có đi đâu chơi xa thì cho cậu theo với, cậu thích đi du lịch lắm mà không có dịp và cũng không có ai đi cùng. Thời gian trôi qua, tôi chỉ kịp mừng tuổi cậu được hai cái Tết, chưa kịp lên kế hoạch cùng mọi người đi du lịch thì cậu đã không còn.
Cậu ra đi đột ngột để lại một nhịp hẫng trong lòng của những thành viên ở lại. Tôi đau buồn và tiếc nuối vì đã không thể làm được cho cậu nhiều hơn lúc cậu còn ở bên cạnh. Những ngày ảm đạm nhất qua đi, tôi dần hiểu ra rằng cậu tuy đã đi xa nhưng vẫn kịp để lại trong tôi sự tiếp nối tình thương yêu của cậu. Tôi hiểu rằng mình cần đối xử tốt và trân trọng những người thân còn hiện diện bên cạnh mình mỗi ngày vì không ai biết đâu sẽ là lần gặp nhau cuối cùng ở nhân gian. Và trên bầu trời cao, giữa hàng triệu tinh tú rực rỡ, có thêm một ngôi sao bụng bự lấp lánh – đó là ngôi sao cậu tôi âu yếm nhìn chúng tôi mỗi đêm.
Hồng Hạnh


Cơ sở hạ tầng của Hà Nội có sự thay đổi đáng kể nhưng các công trình hạ tầng giao thông dành cho người khuyết tật vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vậy, giải pháp nào để giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn? Nội dung này sẽ được TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, bàn luận.
Chính sách miễn viện phí cho toàn dân là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tinh thần nhân đạo và trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo sức khỏe toàn dân. Chính sách này giúp người dân yên tâm hơn khi tiếp cận dịch vụ y tế, giảm gánh nặng tài chính và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một thỏa thuận nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn chặn sự lặp lại của những phản ứng rời rạc và tình trạng hỗn loạn quốc tế từng xảy ra trong đại dịch Covid-19, bằng cách cải thiện để tăng sự phối hợp, giám sát và tiếp cận thuốc men.
Hoat động của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Malaysia; Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý dứt điểm sự cố dột tại Nhà ga T3; Liên minh châu Âu (EU) thông qua một loạt quy định mới nhằm giải quyết làn sóng người nhập cư;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.
Thủ tướng Anwar Ibrahim chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Malaysia; Hà Nội đưa lệnh cấm hút thuốc vào quy chế nội bộ; Ông Trump tuyên bố đã tái thiết quân đội Mỹ; Làn sóng đóng cửa nhà hàng tại Hàn Quốc;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ Quốc tang; Kẻ cướp cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội bị bắt tại Nghệ An; Bắt người đàn ông đập phá bảo vật quốc gia;... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.
0