Nét đẹp áo dài du xuân | Hà Nội tin mỗi chiều

Nét đẹp áo dài du xuân; Tôn vinh truyền thống hiếu học tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Nét đẹp áo dài du xuân

Mặc áo dài du xuân là một nét đẹp của người phụ nữ Hà Thành đã có từ rất lâu, trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Từ những cụ già đến các cô gái và cả những em nhỏ hân hoan diện những chiếc áo dài du xuân, khiến cho phố phường xinh tươi hơn, rạo rực hơn. Sự chuyển giao giữa các thế hệ, sự cộng hưởng ở nét đẹp ngàn đời làm cho tà áo dài Việt sống mãi với thời gian.

Trải qua cả trăm năm, tà áo dài truyền thống vẫn luôn được người Việt giữ gìn, phát huy giá trị qua nhiều thời kỳ và trân trọng truyền lại cho thế hệ mai sau. Không chỉ đơn thuần là một sản phẩm hàng hóa mà tà áo dài hiện nay đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc truyền thống, biểu trưng cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt. Tà áo dài ngày nay không chỉ xuất hiện trong những dịp quan trọng của đời người mà gắn bó mật thiết với đời sống đương đại. Từ đi lễ chùa, đi dự những sự kiện trang trọng đến những dịp lễ Tết hay là du lịch, hội lớp, gặp mặt thì nhiều người cũng không quên bận tà áo dài với cả niềm hoan hỉ.

Thời gian vừa qua, Hà Nội liên tục tổ chức các lễ hội lấy hình ảnh áo dài làm điểm nhấn nhằm định hướng trang phục truyền thống này gắn liền với du lịch Thủ đô. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2023, hai sự kiện lớn gắn với hình ảnh áo dài đã được tổ chức là Festival Thu Hà Nội 2023 với chương trình trình diễn trang phục áo dài theo dòng thời gian. Hơn 1.000 người trong phục truyền thống này tham gia diễu hành tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023.

Ảnh minh họa.

Tận dụng thế mạnh với hơn 5.900 di tích, Hà Nội cũng kết hợp hài hòa hình ảnh tà áo dài với các danh thắng nổi tiếng. Trong sự kiện "Áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội", 150 người, 150 tà áo dài và 150 chiếc xe đạp xuất phát từ Hoàng thành Thăng Long, đi qua các con phố di sản. Nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân Thủ đô cũng như du khách, Sở Du lịch Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện định kỳ hằng năm gắn với hình ảnh áo dài để từng bước định vị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch Thủ đô.

Áo dài là sự tinh tế, trang nhã và sâu sắc của đời sống người Việt. Qua sự kết hợp tinh tế cùng các di tích, Hà Nội đang xây dựng áo dài thành một biểu tượng của thành phố với vẻ đẹp truyền thống giữa không gian đô thị hiện đại. Mới đây để quảng bá hình ảnh du lịch của Thủ đô đến với đông đảo du khách trong không gian Tết Việt, Tết phố, hơn một trăm bạn trẻ với trang phục áo dài ngũ thân đã tham gia vào đoàn rước lễ, tái hiện lại không khí Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa, tinh tế, hào hoa, thanh lịch.

Không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, hình ảnh, tà áo dài còn được định hình hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và tạo sức hút cho du lịch. Nhắc đến tà áo dài Việt Nam thì người ta thường nghĩ đến hình ảnh thướt tha, mềm mại của người phụ nữ mà lại quên rằng áo dài, khăn đóng cũng là trang phục truyền thống của đàn ông đất Việt. Còn gì đẹp hơn nếu như những dịp lễ, tết, hội hè hay là trong những sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, ta thấy cả nam giới và phụ nữ cùng mặc áo dài dân tộc. Như một dòng chảy, có lúc quanh co, chiếc áo dài nam từng có lúc chìm vào quên lãng. Thế nhưng hôm nay áo dài nam đang trong quá trình phục hưng với sự quan tâm của cả cộng đồng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương đang nỗ lực tiến hành lập hồ sơ trình Chính phủ và Quốc hội để công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, tiến tới xác nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nét đẹp của tà áo dài truyền thống Việt Nam chính là giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc. Tà áo dài xuất hiện dịu dàng, trang nhã mà vẫn lộng lẫy, kiêu sa cùng với đất và người bước qua những thăng trầm thời cuộc, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền.

Tôn vinh truyền thống hiếu học tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn

Đối với nhiều người dân Hà Nội, xin chữ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một truyền thống để cầu mong năm mới thành công. Đường phố thủ đô Hà Nội vắng vẻ trong sáng đầu năm, nhưng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám , người dân đã nô nức tới xin chữ ông đồ.

Xin chữ đầu năm - nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: P.B

Hội chữ Xuân Giáp Thìn tại hồ Văn, Văn Miếu năm nay có chủ đề “Hiếu học”, nhằm tôn vinh đạo học, đề cao tinh thần ham học hỏi của người Việt Nam, giới thiệu nét đẹp trong nghệ thuật thư pháp với người dân Thủ đô và du khách. 40 ông đồ tham gia Hội chữ Xuân Giáp Thìn. Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hình ảnh những "ông đồ", vây quanh là chồng giấy điệp, múa bút cho chữ trong những ngày xuân gợi nhớ hình ảnh tết xưa. Xưa, thư pháp là thú chơi tao nhã của những người sành chữ và đam mê nghệ thuật. Nay người hiểu chữ Hán thì tâm đắc với câu chữ, trẻ nhỏ chưa biết chữ Hán cũng thích thú những nét mực bay bổng, đầy nghệ thuât. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, thanh niên xin chữ Duyên, chữ Yêu, chữ Hiếu, chữ Nghĩa, người ít tuổi thì xin chữ Trí, chữ Minh, chữ Tuệ, các cụ không thể thiếu chữ Thọ.

Ý nghĩa sâu sắc và nhân văn của tục xin chữ đầu năm là sự đồng cảm của người cho và nhận,  chữ trở thành món quà tinh thần đầy, món quà xuân để người ta gửi trao nhau. Không chỉ xin chữ cầu bình an cho bản thân mình, nhiều người còn đi xin chữ để gửi tặng cho những người thân, bạn bè.  Chữ thường được viết trên nền giấy hồng, giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn, tốt lành./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Lời thơ, lời ca ấy đã phần nào nói lên tình cảm kính yêu và niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong số rất nhiều ca khúc sẽ được vang lên trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Người là niềm tin tất thắng” do Đài Hà Nội thực hiện vào đúng ngày 19/5.

Covid-19 hiện đã được coi là bệnh lưu hành tại Việt Nam, bởi vậy chúng ta cần tiếp cận Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường, không chủ quan nhưng cũng không cần hoang mang.

Thành phố Hà Nội đang nỗ lực để mùa tuyển sinh năm nay diễn ra suôn sẻ, công bằng và minh bạch hơn, với điểm đáng chú ý nhất là bám sát tiêu chí “học gần nhà”.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa phát động một đợt cao điểm toàn quốc để truy quét hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại.

Một nguyên Cục trưởng và bốn cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa bị khởi tố vì hành vi nhận hối lộ vào ngày 13/5. Những người từng được trao quyền bảo vệ sự an toàn cho bữa ăn của hàng triệu người, nay lại bị cáo buộc “bán rẻ” chính điều đó.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có một đề xuất thu hút sự quan tâm của dư luận: Bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS - hay quen gọi là bằng tốt nghiệp lớp 9. Vậy, không cấp bằng, liệu học sinh có được học tiếp không? Có bị thiệt thòi gì không?