Nam thanh niên 18 tuổi hiến tạng cứu 7 người

Một nam thanh niên 18 tuổi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất xác định chết não. Gia đình đã hiến tạng, 7 đơn vị tạng của anh đã được lấy và ghép cho 7 người tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế.

Lá gan của người hiến được tách đôi để ghép cho hai người bệnh ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh vận động thành công một trường hợp hiến tạng sau khi chết não.

Thông tin về ca hiến tạng đặc biệt này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: ngày 17/11, Bệnh viện tiếp nhận nam thanh niên tên N.P K. (18 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) vào cấp cứu do bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng, hôn mê sâu. Dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tích cực cấp cứu nhưng 4 ngày sau, nam thanh niên rơi vào tình trạng chết não tiềm năng. Chi hội vận động hiến ghép mô tạng của Bệnh viện Thống Nhất đã gặp gỡ gia đình vận động hiến tạng. Sau khi được giải thích kỹ, người thân của nam thanh niên đã đồng ý.

Bệnh viện Thống Nhất liên hệ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia thành lập hội đồng đánh giá tình trạng chết não. Sau 3 lần hội chẩn, Hội đồng đánh giá bệnh nhân đã chết não hoàn toàn, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất phối hợp cùng chuyên gia Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật lấy tạng ngày 24/11.

Ca phẫu thuật thành công, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho 7 người nhận, bao gồm: 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, 1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Nam thanh niên 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người khác.

“Do lần đầu tiên đánh giá chết não và tiến hành lấy tạng từ người hiến nên chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, từ đánh giá lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và họp hội chẩn chuyên môn 3 lần. Chúng tôi phải đánh giá và họp đi họp lại nhiều lần bởi đây là sinh mạng của một con người. Chỉ đến khi các cuộc họp đều đi đến thống nhất là bệnh nhân đã chết não thì chúng tôi mới tiến hành lấy tạng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đình Thanh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cũng chia sẻ, đơn vị đã tổ chức một lễ tri ân đơn giản nhưng trang trọng dành cho người hiến tạng trước khi lấy tạng. Quá trình lấy tạng sau đó được thực hiện khẩn trương và vận chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời ghép cho nhiều người bệnh.

Là một chuyên gia tham gia quá trình lấy tạng và ghép tạng lần này, Tiến sĩ Trần Công Duy Long, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 23/11, đơn vị nhận được thông tin có người hiến tạng ở Bệnh viện Thống Nhất và rà soát danh sách bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia thông báo có hai bệnh nhân phù hợp để nhận gan là một bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và một bệnh nhi 3 tuổi (bị xơ gan giai đoạn cuối) ở Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

“Khi hội đồng chuyên môn đã đánh giá bệnh nhân hoàn toàn chết não, chúng tôi ngay lập tức có mặt tại Bệnh viện Thống Nhất để lấy tạng. Do lá gan dự kiến ghép cho 2 người bệnh nên chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật tách gan ngay trong cơ thể người hiến. Hai phần gan được lấy ra và một nửa đưa về Bệnh viện Đại học Y dược, nửa còn lại để dành cho bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức. Ca ghép gan của chúng tôi đã thành công và đến sáng hôm sau thì cháu bé đã tự thở được. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và rất vui khi một em bé đã có cuộc sống tốt hơn”, bác sĩ Trần Công Duy Long chia sẻ.

Tại Bệnh viện Việt Đức, ca ghép gan còn lại đã thành công. “Việc chia gan để ghép mang ý nghĩa lớn, tận dụng được hết nguồn tạng hiến. Từ gan của một người hiến có thể mang lại sự sống mới cho hai người bệnh khác”, Tiến sĩ, bác sĩ Ninh Việt Khải, Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức đánh giá.

Theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, trước đây, mỗi năm, cả nước chỉ có khoảng 10-11 ca hiến tạng, vài năm trở lại đây, nhờ công tác vận động hiến tạng nên ngày càng có nhiều người hiến tạng hơn. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có hơn 30 trường hợp hiến tạng sau khi chết não. Đây là tín hiệu vui mang ý nghĩa lớn trong công tác vận động hiến tạng. Mặc dù vậy, hiện khu vực phía Nam có số lượng người hiến tạng chết não ít hơn so với phía Bắc. Hy vọng thời gian tới, công tác vận động hiến tạng ở khu vực này ngày càng tốt hơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bệnh viện, nơi người ta thường nói về những cuộc chiến sinh tử, có những người không khoác áo blouse trắng, không cầm dao mổ, không ra y lệnh, thế nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi nếu thiếu họ thì hệ thống y tế sẽ như thế nào?

Phẫu thuật ghép tạng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự chính xác cao. Nhưng ngoài vai trò của các bác sĩ phẫu thuật, còn một vai trò quan trọng khác, đó là theo dõi điều trị của bác sĩ sau phẫu thuật.

Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2024 nhưng Bệnh viện Nhi Hà Nội đã và đang trở thành địa chỉ khám chữa bệnh đáng tin cậy đối nhiều người dân.

Nhân ngày cả xã hội tôn vinh những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng với sứ mệnh thiêng liêng, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực Tai Mũi Họng ở Việt Nam nhấn mạnh: “Nghề y không đơn thuần chỉ là một công việc, mà còn là một sứ mệnh cao cả”.

Hơn 60 năm qua, Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, kỹ thuật hiện đại góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt 70 năm qua, toàn ngành Y tế Hà Nội đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, kiểm soát tốt dịch bệnh, giám sát chặt chẽ công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.