Minh bạch tiêu chí để hướng tới sản xuất, tiêu dùng xanh
Việc minh bạch tiêu chí xanh trong hàng hóa, sản phẩm có thể giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn và được bảo vệ tốt hơn.
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tăng 15% mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, vướng mắc sản xuất xanh là không ít.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững Unilever Việt Nam cho biết: "Vì đầu vào không sạch, công nghệ chưa có sẵn, số lượng nhà cung cấp nhựa tái sinh còn ít nên giá nhựa tái sinh cao 20% so với nhựa nguyên sinh. Do vậy, chúng tôi phải đầu tư nhiều, đồng thời phải cân bằng với giá của sản phẩm”.
Số liệu đưa ra tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cùng các cơ quan tổ chức mới đây cho thấy, 31% người tiêu dùng được hỏi đã sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm xanh; 77% cho biết sẽ tẩy chay nếu doanh nghiệp nói xanh mà không làm. Điều này đặt ra yêu cầu cho nhà sản xuất cũng như cơ quan quản lý nhà nước minh bạch tiêu chí xanh trong hàng hóa, sản phẩm khi chúng đến tay người tiêu dùng.
“Chúng ta cung cấp sản phẩm xanh, sạch cũng cần phải chứng minh nguồn gốc. Có thể là nguyên vật liệu, có thể là vùng sản xuất, có thể là quy trình hay có thể là kỹ thuật được sử dụng trong quá trình chúng ta sản xuất. Tất cả các yếu tố đóng góp vào sản xuất xanh đều cần phải công bố", bà Đặng Thuý Hà, cố vấn Doanh nghiệp Công ty Talentnet nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương cho biết: "Chúng tôi rất mong đợi có giải pháp truy xuất nguồn gốc, hoặc ít nhất là xác thực danh tính sản phẩm, hàng hóa đó. Chúng tôi đang hoàn thiện nghiên cứu để đưa vào văn bản quy phạm pháp luật hoặc ít nhất khuyến khích doanh nghiệp tham gia".
Bộ Công Thương cho biết đang hoàn thiện các tiêu chí xanh, trước hết là ngành dệt may để có khung đánh giá công bằng cho doanh nghiệp và tăng niềm tin bảo vệ người tiêu dùng.