Mạo danh công an 'bắt cóc' trên mạng và buôn người
Thủ đoạn mạo danh công an gọi điện để lừa đảo không chỉ dừng ở hành vi chiếm đoạt tiền, các đối tượng còn “bắt cóc” trên mạng, thậm chí là buôn người.
Mặc dù, Công an Thành phố đã thường xuyên tuyên truyền về thủ đoạn này, song nhiều người vẫn mất cảnh giác và thiếu chút nữa đã trở thành nạn nhân.
Chỉ chậm một chút nữa, có lẽ cô sinh viên 19 tuổi trú tại phường Xuân Phương, Hà Nội đã không thể trở về bên người thân và gia đình khi bị các đối tượng lừa đảo "bắt cóc" trên mạng. Khoảng cuối tháng 5/2025, nạn nhân đã bị các đối tượng mạo danh công an gọi điện thông báo có liên quan đến một vụ án ma túy, phải chuyển khoản tiền để phục vụ công tác điều tra; chúng đe dọa, uy hiếp tinh thần, từng bước thao túng tâm lý để em thực hiện liên tiếp các hành vi theo sự điều khiển của chúng. Đáng sợ hơn, chúng đã thao túng để nạn nhân tin theo, cắt liên lạc với người thân, chủ động đi đến đến địa điểm do chúng chỉ định đó là một bến xe khách ở Tây Ninh.
Mẹ của nạn nhân cho hay: "Khi nghe đối tượng gọi điện để tống tiền, giọng điệu như thật khiến tôi hoảng hốt thật sự. Đối tượng liên tục nói những câu khẩu lệnh, đe dọa, rồi tỏ thái độ khinh thường".
Nạn nhân cho biết: "Em đã phải nghe đối tượng giả mạo nói suốt cả cuộc điện thoại. Tâm lý em lúc đó thực sự bị ảnh hưởng, hoang mang và sợ hãi vô cùng. Dù sau đó em đã được giải cứu, trở về an toàn, nhưng đến giờ nghĩ lại em vẫn còn run".
Đây chỉ là một trong những trường hợp may mắn, nhờ sự tỉnh táo của người thân, cùng sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của lực lượng Công an. Qua vụ việc, có thể thấy, thủ đoạn mạo danh của các đối tượng đã không còn dừng lại ở việc chiếm đoạt tài sản; tinh vi, xảo quyệt hơn khi bọn chúng xây dựng kịch bản lừa bắt cóc, tống tiền, thậm chí, nguy hiểm hơn đó là bắt cóc để buôn người.
Trung tá Hà Huy Bình, Trưởng Công an xã Quảng Oai, Hà Nội cho biết: "Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi để khiến người dân tin tưởng hoặc đe dọa, buộc họ phải cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền cho chúng. Công tác điều tra, khám phá các vụ án lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng thường ẩn danh trên không gian mạng. Chúng sử dụng các công cụ viễn thông như số điện thoại không xác định, tài khoản Zalo, Facebook giả mạo… Điều này gây trở ngại lớn cho quá trình xác minh danh tính, điều tra, làm rõ vụ việc, cũng như công tác thu hồi tài sản để trả lại cho người bị hại".
CATP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác, tuyên truyền đến con em về thủ đoạn trên. Không có cơ quan Công an nào yêu cầu người dân chuyển tiền phục vụ điều tra, khi bị triệu tập hoặc mời phối hợp điều tra, lực lượng Công an sẽ trực tiếp đến tận nhà để trao đổi; và cần báo ngay cho cơ quan Công an khi phát hiện hoặc bị lừa đảo.