Hơn 80km đường sắt đô thị đi ngầm như thế nào?

Các tuyến đường sắt đô thị có công trình ngầm theo quy hoạch sẽ nằm trong khu vực nội đô, nhằm giảm thiểu giải phóng mặt bằng, đồng thời, đảm bảo mỹ quan đô thị khi tuyến hình thành.

HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết danh mục các công trình ngầm được khuyến khích ưu tiên đầu tư đợt 1. Trong đó, có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 320km, 191 nhà ga, bao gồm hơn 81km và 68 nhà ga đi ngầm.

Theo quy hoạch, các tuyến đường sắt đô thị có công trình ngầm này gồm: tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đaok; số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai; số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; số 6 Nội Bài - Mai Dịch; số 7 Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi và tuyến số 8 Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá. Trong số này, có những tuyến dài hơn 50km. Các đoạn ngầm chủ yếu được quy hoạch nằm trong khu vực nội đô, nhằm giảm thiểu giải phóng mặt bằng, đồng thời, đảm bảo mỹ quan đô thị khi tuyến hình thành.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, chia sẻ: "Mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố sẽ được phân kỳ đầu tư thành các giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2025 - 2030 tập trung 3 tuyến chính là: số 2; số 3 kéo dài; và số 5. Cả ba tuyến này đều có các công trình ngầm."

Trong số 3 tuyến ưu tiên đầu tư, hiện tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đầu tiên, đang thi công 4 km ngầm. Bắt đầu khoan hầm từ cuối tháng 7/2024, đến nay, dự án đã đi được nửa chặng đường.

Ông Salvatore La Valle, Giám đốc phụ trách đào hầm Liên danh Công ty Huyndai – Ghella, cho hay: "Hiện máy TBM số 1 đang tiến về gần ga S11 Văn Miếu, đã đào được 1.900 m, đạt khoảng 60% khối lượng. Trong khi đó, máy TBM số 2 bắt đầu khoan từ ngày 3/2/2025, hiện đang ở đoạn giữa ga S9 Kim Mã và ga S10 Cát Linh, đào được trên 800 m hầm, đạt khoảng 25% khối lượng. Đồng thời, toàn bộ 4 nhà ga ngầm đã thi công đến bản đáy. Với tiến độ này, dự kiến đến cuối năm nay dự án sẽ hoàn thành công tác khoan hầm."

Việc HĐND thành phố phê duyệt danh mục các công trình ngầm là một bước rút gọn rõ rệt về thủ tục, giúp đẩy nhanh quá trình triển khai đầu tư các dự án đường sắt đô thị.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết: "Trước đây các dự án đường sắt đô thị đều phải trải qua bước lập chủ trương đầu tư và thông qua Quốc hội phê duyệt. Hiện nay thành phố đã được ủy quyền phê duyệt và thực hiện các dự án này mà không cần Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, chỉ cần thông qua HĐND chấp thuận chủ trương về một số nội dung."

Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 từ nay đến 2030, để đầu tư khoảng 100km đường sắt đô thị sẽ cần khoảng 14,6 tỷ đô la; từ 2030 - 2035 khoảng 22 tỷ đô la, từ 2035 - 2045 là 18 tỷ đô la. Với Nghị quyết đặc thù số 188, dự kiến Hà Nội sẽ áp dụng các cơ chế linh hoạt để thu hút nguồn lực đầu tư gồm trích tối thiểu 50% nguồn đầu tư cho hạ tầng giao thông; sử dụng vốn vay ODA; thu hút vốn tư nhân thông qua hình thức PPP.

Ngoài ra, là áp dụng mô hình TOD, huy động nguồn lực từ đất đai để tái đầu tư cho đường sắt đô thị. Dự kiến, mô hình TOD đầu tiên sẽ được triển khai trên tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ khởi công vào dịp 10/10 tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời