Hà Nội thí điểm bữa ăn bán trú tập trung cho học sinh

Hà Nội đang thể hiện quyết tâm xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, trong đó có việc thí điểm bữa ăn bán trú tập trung cho học sinh.

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội về chuyên đề an toàn thực phẩm sáng ngày 9/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thay mặt UBND TP cảm ơn các đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân Thủ đô đã thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm với nội dung được xem là “sức khỏe cộng đồng”. 

Đài PTTH Hà Nội
Phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội về chuyên đề an toàn thực phẩm sáng ngày 9/7.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Việc HĐND TP lựa chọn chất vấn chuyên đề này là minh chứng cho quyết tâm rất cao của toàn hệ thống chính trị trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trên địa bàn Thủ đô.

Hơn 80.000 cơ sở liên quan đến thực phẩm 

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có hơn 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc các lĩnh vực do ba ngành chính quản lý: Y tế, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Công Thương. Với quy mô lớn, đa dạng loại hình hoạt động và sự chồng chéo trong quản lý, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một thách thức không nhỏ.

Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, văn bản quan trọng để siết chặt công tác quản lý. Trong đó có Chương trình hành động số 26, Chỉ thị số 34 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác an toàn thực phẩm và Nghị quyết số 49 của HĐND TP – quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cao gấp hai lần quy định chung của Chính phủ.

UBND TP cũng đã phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý, thành lập Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban và hai Phó Chủ tịch làm Phó Trưởng ban phụ trách từng lĩnh vực cụ thể.

Hơn 52 tỷ đồng tiền phạt, 11 vụ án hình sự, 21 bị can bị khởi tố

Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra đang được triển khai thường xuyên, quyết liệt, đặc biệt là chuyển hẳn sang hình thức kiểm tra đột xuất để đánh giá thực chất. Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2025, toàn thành phố đã tổ chức gần 1.000 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Kết quả, từ năm 2023 đến nay, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã vượt 52 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2025, số tiền xử phạt đã đạt 15 tỷ đồng – tương đương gần 3/4 tổng số tiền phạt cả năm 2023. Đặc biệt, trong thời gian qua, Công an thành phố đã khởi tố 11 vụ án liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm, với 21 bị can.

Một trong những vụ việc điển hình là triệt phá đường dây thu gom, giết mổ và tiêu thụ lợn bệnh, gà thối, xương động vật không rõ nguồn gốc… Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của thành phố trong công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đầu độc sức khỏe cộng đồng.

Nhiều mô hình kiểm soát mới, thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn minh bạch

UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm, bao gồm: tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, bữa cỗ tập trung đông người, bếp ăn tập thể trong trường học, mô hình kiểm soát thực phẩm trong và xung quanh chợ đầu mối. Thành phố cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực từ ý thức người dân, khi nhiều cơ sở đã tự giác nộp sản phẩm không đủ điều kiện ra khỏi chuỗi kinh doanh. Một ví dụ được Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà nhắc đến là ở làng nghề La Phù – sau khi có kiểm tra đột xuất, nhiều hộ sản xuất đã chủ động tiêu hủy hàng không đạt chuẩn.

Đặc biệt, công tác truyền thông được đổi mới với phương châm “nêu gương tốt, bêu tên xấu”. Thông tin về các cơ sở vi phạm được công khai minh bạch trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cùng với đó, các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, sản xuất thực phẩm an toàn cũng được tôn vinh, khen thưởng để lan tỏa mô hình tốt.

Hà Nội sẽ thí điểm bữa ăn bán trú tập trung cho học sinh

Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Thông báo số 177 của Văn phòng Trung ương Đảng, thành phố đang khẩn trương triển khai thí điểm tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh theo hướng tập trung – một trong những điểm mới quan trọng trong thời gian tới.

Đài PTTH Hà Nội
 Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, mô hình này sẽ thay thế hình thức nấu ăn tại từng trường học bằng việc chế biến tại một trung tâm, kiểm soát toàn bộ nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế – chế biến – vận chuyển – bảo quản và tổ chức ăn uống. Điều này không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn giúp giảm chi phí trung gian, tăng tính đồng bộ và dinh dưỡng.

Thành phố sẽ xây dựng thực đơn phù hợp với thể trạng, độ tuổi học sinh từng khu vực; kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ khâu nuôi trồng, giết mổ, chế biến đến vận chuyển. Hiện UBND thành phố đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ triển khai thí điểm ngay trong năm học 2025–2026.

Thí điểm khu thương mại ẩm thực có kiểm soát

Một nội dung đáng chú ý khác là việc Hà Nội sẽ nghiên cứu và triển khai thí điểm khu thương mại ẩm thực có kiểm soát theo hướng xã hội hóa. Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà cho biết, thành phố sẽ mời các doanh nghiệp uy tín tham gia đầu tư, vận hành mô hình thương mại ẩm thực hiện đại, sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Khu ẩm thực này sẽ tích hợp giữa các món ăn truyền thống đặc sắc của Hà Nội – được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể – với các món ăn quốc tế, hình thành điểm đến du lịch ẩm thực mang tầm khu vực. Song song với đó, thành phố sẽ triển khai mô hình tuyến phố ẩm thực có kiểm soát trên toàn địa bàn, bắt đầu từ việc ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể. Các mô hình này không chỉ phục vụ người dân mà còn hướng tới khách du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu ẩm thực Hà Nội an toàn, hấp dẫn.

5 nhóm giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Kết luận phần trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: Thành phố xác định an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trên tinh thần đó, UBND TP sẽ tập trung triển khai 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trước hết, thành phố sẽ rà soát toàn diện mô hình tổ chức, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm để phù hợp với mô hình chính quyền đô thị hai cấp. Việc phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát và tuyên truyền.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới công tác truyền thông về an toàn thực phẩm. Nội dung truyền thông sẽ được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ý thức đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của người sản xuất. Hà Nội sẽ phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Về công tác kiểm tra, hậu kiểm sẽ được tăng cường, đặc biệt là kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, cơ sở sơ chế, vận chuyển và chế biến thực phẩm. Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà nhấn mạnh: Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường, gây nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm. Thành phố chỉ đạo triển khai các nền tảng số phục vụ truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn. Các phòng kiểm nghiệm thực phẩm cũng sẽ được nâng cấp về trang thiết bị, con người, nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm tra nhanh, chính xác, phục vụ hiệu quả công tác quản lý.

Cuối cùng, trên cơ sở thực tiễn triển khai tại địa phương, Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Việc hoàn thiện thể chế là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô và các đô thị lớn.

Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà khẳng định: “Một số mô hình mới sẽ được triển khai thí điểm và chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến các nhóm đối tượng. Thành phố rất mong tiếp tục nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cử tri, nhân dân và HĐND TP để đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Với hàng loạt giải pháp quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện, Hà Nội đang thể hiện rõ quyết tâm xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, vì sức khỏe của hơn 8 triệu người dân Thủ đô và hàng triệu du khách mỗi năm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời