Hà Nội - Thành phố của những cây cầu | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội - cái tên gợi về một thành phố bên sông, thành phố phía trong sông. Cũng như bao thủ đô của mọi quốc gia nằm bên dòng sông, Hà Nội khát khao có nhiều cây cầu bắc qua sông Mẹ, kết nối giao thương, mở rộng không gian phát triển…

Ngày 19/5, thông tin được nhiều người Hà Nội mong chờ nhất có lẽ là sự kiện: Thành phố Hà Nội khởi công xây dựng cầu Tứ Liên. Đặc biệt hơn là lại đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tứ Liên có thể coi một trong những cây cầu được mong chờ nhất, không chỉ bởi quy mô mà còn vì vị trí chiến lược của nó trong bức tranh phát triển của Thủ đô.

Tổng mức đầu tư của dự án xây dựng cầu Tứ Liên là gần 20.000 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Với tổng chiều dài 5,15 km, công trình có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ)và điểm cuối giao với đường Trường Sa (huyện Đông Anh); trong đó, đường dẫn phía Nghi Tàm rộng 48m, phía Đông Anh rộng 60m; cầu chính rộng 43m. Ngoài ra, dự án còn xây dựng hai nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, chiếu sáng kiến trúc, cây xanh. Cầu Tứ Liên được quy hoạch là cửa ngõ giao thông phía Bắc, nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài, qua trục Nhật Tân - Nội Bài.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, ở những con số thì chúng ta sẽ bỏ lỡ điều quan trọng nhất: ý nghĩa biểu tượng của cây cầu này.

Ngày khởi công là 19/5 - Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội chọn ngày này. Việc khởi công xây dựng cầu Tứ Liên không chỉ mang ý nghĩa về hạ tầng mà còn là một dấu mốc phát triển, thể hiện tầm nhìn mới của Thủ đô trong hành trình mở rộng không gian đô thị. Hà Nội đang chuyển động và cây cầu này là minh chứng cho sự chuyển động đó.

Cầu Tứ Liên là một trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng đã được quy hoạch. Thực tế, suốt nhiều năm qua, chúng ta vẫn nói về quy hoạch nhiều hơn là thi công. Trong khi dân số tăng nhanh, giao thông đô thị quá tải, quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm thì bờ Bắc sông Hồng vẫn là “kho báu ngủ quên”, chưa được đánh thức.

Nếu nhìn từ trên cao, có thể thấy: khu vực Long Biên - Đông Anh như một “túi đất” lớn, nằm ngay sát trung tâm Hà Nội, nhưng phát triển lại chưa tương xứng. Lý do: giao thông hạn chế; người dân và nhà đầu tư ngần ngại vì đi lại không thuận tiện, hạ tầng yếu, kết nối kém. Và đây là lúc cầu Tứ Liên xuất hiện, nó không chỉ là một cây cầu để “giảm tải giao thông” mà còn là cây cầu mở lối cho tương lai.

Theo quy hoạch, sau khi cầu hoàn thành, khu vực Đông Anh sẽ là một cực phát triển mới. Nơi đây đã được định hướng xây dựng thành "Thành phố thông minh Bắc sông Hồng", với vốn đầu tư hàng tỷ USD từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Và để thành phố thông minh có thể vận hành, thì cần một "mạch máu giao thông" xứng tầm.

Cầu Tứ Liên khi hình thành sẽ góp phần hoàn thiện bức tranh giao thông Thủ đô, đặc biệt là mạng lưới cầu bắc qua sông Hồng, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển đô thị Hà Nội sang phía Đông Bắc, góp phần thu hút và đẩy nhanh quá trình đầu tư, xây dựng các dự án lớn tại khu vực nhiều tiềm năng này.

Đáng chú ý, kiến trúc độc đáo của cây cầu hứa hẹn sẽ đưa nơi đây trở thành một trong những biểu tượng mới của Thủ đô năng động. Cụ thể, cầu được thiết kế là cầu dây văng, hai hệ cột trụ được tạo dựng như hình ảnh của bốn con rồng đang từ mặt nước bay vút lên trời cao, kết hợp với hệ thống dây văng như những tia nước bám trên thân rồng đang bắn tung ra. Ý tưởng này gắn chặt với tên gọi Thăng Long - Hà Nội, với ý nghĩa mảnh đất rồng bay lên.

Ở một góc nhìn khác, hai trụ cầu chính của cầu Tứ Liên hiện lên mềm mại như hai chú chim bồ cầu nhỏ đang chao liệng trên dòng sông Hồng - dòng sông Mẹ gắn liền với lịch sử thăng trầm của Thủ đô.

Một cây cầu không thể thay đổi tất cả. Nhưng một cây cầu mang đủ khát vọng, bản sắc và sự kết nối thì hoàn toàn có thể mở ra một chương mới cho thành phố. Ví như cầu Cổng Vàng ở San Francisco, không phải vì độ dài, độ cao hay cấu trúc kỹ thuật phức tạp của nó, mà bởi cảm giác rất rõ ràng rằng: đây là thứ định hình bản sắc của cả một thành phố. Golden Gate không chỉ nối hai bờ vịnh, mà là biểu tượng mà cả thế giới nhắc đến khi nói về San Francisco. Nó hiện diện trên bưu thiếp, trong phim ảnh, trong tiềm thức du khách. Một cây cầu mang theo hình ảnh, tâm thế và cả khát vọng của đô thị.

Cầu Tứ Liên, với thiết kế trụ dây văng mô phỏng hình ảnh rồng bay - linh vật gắn liền với tên gọi Thăng Long - có thể làm được điều tương tự cho Hà Nội. Không chỉ giải tỏa giao thông, không chỉ là một phần trong kết nối hạ tầng phía Bắc sông Hồng, cây cầu này mang khát vọng trở thành biểu tượng đô thị mới của Thủ đô nghìn năm tuổi. Một biểu tượng mang dáng dấp Á Đông nhưng tư duy hiện đại - hội nhập mà không hòa tan.

Hay cây cầu Bosphorus ở Istanbul (Thồ Nhĩ Kỳ) - nơi nối liền hai châu lục Á - Âu. Cây cầu đó không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, nó còn thể hiện một bản lĩnh: dám bắc một nhịp kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại.

Hà Nội cũng đang đứng trước một thời điểm như vậy khi cầu Tứ Liên chính thức khởi công, không gian đô thị sẽ không còn bị giới hạn bởi ranh giới địa lý sông Hồng nữa. Từ đây, những vùng đất như Đông Anh, Gia Lâm - vốn từng được xem là “ngoại vi” có thể trở thành trung tâm mới.

Nếu cầu Nhật Tân từng là cánh tay nối tới sân bay Nội Bài, mở đường cho đô thị phía Tây Bắc, thì Tứ Liên có thể là cú hích tạo đà cho chiến lược phát triển “thành phố hai bên sông Hồng” - điều Hà Nội đã ấp ủ suốt hàng chục năm qua. Tứ Liên rồi đây sẽ là cây cầu của tầm nhìn.

Cầu Tứ Liên nếu được thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng sẽ không chỉ giải tỏa áp lực giao thông từ cầu Chương Dương, Long Biên hay Nhật Tân, mà còn là cú hích thúc đẩy cả một vùng chuyển mình. Đây không còn là câu chuyện của riêng một quận, một phường, mà là chuyện của cả Hà Nội khi thành phố cần những cú đột phá thực sự để thoát khỏi vòng xoáy giật gấu vá vai, đối phó với từng điểm nghẽn một.

Hà Nội đã có những cây cầu lịch sử: Long Biên là một chứng tích thời chiến, Chương Dương là biểu tượng của sức dân, Nhật Tân là kết nối quốc tế. Và giờ, Tứ Liên cần trở thành biểu tượng của một Hà Nội thời kỳ mới: bản lĩnh hơn, hiện đại hơn và dám bước qua sông Hồng để lớn mạnh.

Trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ tiếp tục có thêm những cây cầu mới được xây dựng. Trong hình ảnh lãng mạn của Hà Nội hiện đại, văn hiến, văn minh trong thế kỷ XXI, mỗi cây cầu sẽ không chỉ có chức năng giao thông, mà còn là cổng chào trên sông, là những tác phẩm kiến trúc mang tính văn hóa, tính biểu tượng và phản ánh sự phát triển của thành phố được mệnh danh là "Thành phố vì hòa bình".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Phố phường sạch đẹp, tưng bừng trong dịp sinh nhật Bác; Hoa phượng nở đỏ rực bên hồ Gươm... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Hàng nghìn đầu máy, toa xe cần thay thế đến năm 2045; 203.000 tỷ đồng làm đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Mở rộng cao tốc Nội Bài – Lào Cai;... là một số nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Cầu Tứ Liên mở rộng không gian phát triển đô thị; Luật Thủ đô tạo động lực phát triển đô thị vệ tinh; Lo lắng mất tiền tại dự án Jake Lake Tây Thăng Long;... là một số nội dung đáng chú ý trong Bản tin Nhà đất và Đầu tư hôm nay.

Thị trường vàng trong nước đang trong giai đoạn biến động; Cổ phiếu Vingroup tăng hơn 110% về giá trị sau 3 tháng; Thuế có thể về mức cao nếu đàm phán không tiến triển... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Ở ấp Bà Chăng, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu có một ngôi đền thờ Bác. Chẳng nhà sàn, hồ cá, tre ngà, ngôi đền ấy rợp mát cây lá phương Nam, thật sự linh thiêng.

Hà Nội - cái tên gợi về một thành phố bên sông, thành phố phía trong sông. Cũng như bao thủ đô của mọi quốc gia nằm bên dòng sông, Hà Nội khát khao có nhiều cây cầu bắc qua sông Mẹ, kết nối giao thương, mở rộng không gian phát triển…