Hà Nội cần lan tỏa tinh thần học tập tới người dân
Hà Nội đang khẳng định quyết tâm trở thành thành viên trong mạng lưới thành phố học tập của UNESCO, tạo môi trường giáo dục và học tập văn minh, hiện đại.
Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là mạng lưới quốc tế bao gồm các thành phố thúc đẩy thành công việc học tập suốt đời trong cộng đồng để chia sẻ cảm hứng, bí quyết và phương pháp tốt nhất cho nhau. Để đưa Hà Nội trở thành thành phố học tập vào năm 2025, cần phải có sự tham gia của các cấp, các trường mọi nơi, mọi lúc để tinh thần học tập luôn được lan tỏa.
Tại trường THCS Cổ Đô, kết quả học tập của các em học sinh đã chuyển biến đáng kể, kể từ khi đội ngũ thầy cô giáo thay đổi trong việc áp dụng và sử dụng kho học liệu để soạn bài, với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
Giáo viên Nguyễn Thị Na – trường THCS Cổ Đô (Ba Vì) chia sẻ: “Chúng tôi có tài nguyên để khai thác công nghệ thông tin, phục vụ cho giờ dạy của mình trở nên đa dạng hơn và nguồn tài liệu để phục vụ rất phong phú. Chúng tôi nhận thấy trong quá trình sử dụng, học sinh hứng thú hơn và đem lại giờ học hiệu quả hơn”.
Theo UNESCO, một trong những tiêu chí quan trọng để đáp ứng được mục tiêu trở thành thành viên mạng lưới thành phố học tập là đảm bảo quyền học tập cho tất cả các công dân. Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại Diện Văn Phòng UNESCO Tại Việt Nam cho hay: “Phải cam kết bảo đảm quyền học tập cho tất cả các nhóm dân cư, không phân biệt độ tuổi, điều kiện, xuất thân, đặc biệt với những nhóm yếu thế hoặc thiệt thòi trong xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cần thể hiện khả năng huy động toàn xã hội tham gia quản trị quá trình học tập, từ chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các trường học, phụ huynh, học sinh, cộng đồng dân cư, tất cả các bên liên quan đều phải đồng hành trong quá trình này”.
Hà Nội quyết tâm trở thành thành viên mạng lưới các thành phố học tập của UNESCO vào năm 2025. Do vậy, từ cấp địa phương đến cấp thành phố, nhiều hoạt động chuyên môn được triển khai, khuyến khích giáo viên tự học với nhiều hình thức phong phú, là cơ hội để các thầy cô giáo nâng cao trình độ, chuyên môn và truyền cảm hứng cho học sinh. Khuyến khích người dân lan tỏa tinh thần học tập.
Ông Jonathan Wallace Baker cho biết thêm: “Tôi cho rằng Hà Nội nên tập trung vào hai tiêu chí chính. Thứ nhất là sự tham gia đồng bộ của tất cả các bên trong hệ thống giáo dục. Thứ hai là bảo đảm khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, tức là người học ở mọi độ tuổi, mọi hoàn cảnh đều có cơ hội học tập. Đây là một phần rất quan trọng”.
Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO được Viện Học tập suốt đời của UNESCO thành lập vào năm 2012. Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới thành phố học tập toàn cầu Unesco đã có 356 thành phố thành viên trên toàn thế giới tính đến hết năm 2024, tạo cơ hội để các thành phố trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động.
Mặc dù với nhiều tiêu chí xét duyệt gắt gao bởi UNESCO, tuy nhiên với tầm nhìn chiến lược, Hà Nội đã và đang khẳng định sự quyết tâm trở thành thành viên trong mạng lưới thành phố học tập của UNESCO, tạo nên môi trường giáo dục và học tập văn minh, hiện đại - nơi các thầy cô và các học sinh được tạo điều kiện dạy và học tốt nhất, cũng như luôn lan tỏa tinh thần học tập cho mọi người dân.