Dự án chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực đất đai
Ngay trong nội thành Hà Nội hiện vẫn đang tồn tại khá nhiều dự án, để đất hoang gây lãng phí tài nguyên và làm xấu cảnh quan đô thị.
Để hoang hơn 10 năm, cây cối mọc um tùm, là thực trạng khu đất tại địa chỉ số 220 Trần Duy Hưng, phường Yên Hòa. Từ năm 2005, Tập đoàn Bảo Việt đã được thành phố giao 1,3 ha đất tại đây để thực hiện dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã cấp giấy phép xây dựng vào năm 2013 với quy mô cao 34 tầng, gồm văn phòng cao cấp và trung tâm thương mại.
Còn khu đất gần 4.000m² tại 161 Yên Phụ, phường Tây Hồ vào năm 2007, UBND Thành phố đã giao cho Công ty TNHH Ngọc Linh làm chủ đầu tư dự án khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh. Nhưng đến nay dự án đang bị sử dụng sai mục đích khi trở thành điểm rửa xe và bãi trông giữ phương tiện.
Đó chỉ là hai trong hàng chục dự án chậm triển khai ở nội thành Hà Nội. Điểm chung của các dự án này là đều nằm ở vị trí đắc địa, nhưng vẫn để đất hoang hàng chục năm.
Chị Hà Thị Phương Lan (phường Ba Đình) cho biết: “Trong khi Thành phố còn thiếu nhiều diện tích để làm trường học, nhà ở xã hội, công viên cây xanh thì những dự án để đất hoang rất lãng phí. Tôi mong Thành phố sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này”.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Trước hết là lãng phí về đất đai. Đất đai là vàng, đưa vào sử dụng ngày nào thì có lợi ngày đó. Thứ hai là lãng phí nguồn lực và môi trường đô thị xấu xí. Tiếp đó là ảnh hưởng đến uy tín của người quản lý”.
Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai, để hoang kéo dài có khá nhiều như: thay đổi về quy hoạch; vướng mắc về thủ tục hành chính và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng cũng có khá nhiều dự án chậm triển khai do sự yếu kém về năng lực và tài chính của chủ đầu tư, đây là những trường hợp cần kiên quyết xử lý.
“Luật Đất đai đã quy định, đối với các dự án sử dụng đất, chủ đầu tư phải đưa đất vào sử dụng, nếu quá 24 tháng mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ đầu tư thì sẽ bị thu hồi”, ông Phạm Thanh Tuấn, Chuyên gia pháp lý bất động sản cho hay.
Dù quy định của Luật Đất đai đã rõ, nhưng để xử lý còn liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý khác. Quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cần tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện và kiên quyết thu hồi đất khi thủ tục đã thông mà dự án vẫn không được triển khai, bởi những khu đất bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng lớn đến phát triển đô thị.