Chính phủ Pháp sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Chính phủ Pháp đã chính thức sụp đổ sau khi các đảng cánh tả và cực hữu tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier. Diễn biến này được dự báo có thể đẩy cường quốc kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hơn, đe dọa khả năng lập pháp và kiểm soát thâm hụt ngân sách khổng lồ của Pháp.

Các nghị sĩ cực hữu và cánh tả đã liên minh ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier và chính phủ của ông, với 331 phiếu thuận, vượt qua đa số cần thiết là 288 phiếu.

Đây là chính phủ Pháp đầu tiên bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962 và ông Barnier trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Pháp.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier quan sát kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm mình ngày 4/12. Ảnh: Reuters.

Nội các của ông Barnier dự kiến ​​sẽ phục vụ với tư cách tạm quyền cho đến khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm lãnh đạo mới. Tuy nhiên, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, khi ông Macron sẽ buộc phải xoa dịu các nhà lập pháp ở cả hai thái cực của nền chính trị Pháp.

Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Barnier lãnh đạo một chính phủ thiểu số sau cuộc bầu cử bất ngờ do chính ông kêu gọi vào mùa hè, khiến Quốc hội Pháp bị chia rẽ thành ba phe phái, mỗi phe đều không có được ưu thế đa số.

Việc ông Barnier mất ghế xuất phát từ nỗ lực vượt mặt Quốc hội trong việc thông qua dự luật ngân sách chính phủ năm 2025. Đề xuất ngân sách do chính phủ của ông Barnier đề xuất không được Quốc hội ủng hộ. Trong bối cảnh chính trường bị chia rẽ sâu sắc, chính phủ Pháp đã cố tình sử dụng quyền lực hiến định cho thủ tướng để ép thông qua dự luật này mà không cần Quốc hội. Điều này dẫn đến sự phẫn nộ của không ít nghị sĩ.

Các nhà lập pháp cánh tả đối lập, những người từ lâu đã thề sẽ hạ bệ ông Barnie, đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để lật đổ chính phủ, và đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu đã ủng hộ động thái này. Phe cực hữu cũng đã kêu gọi một động thái tương tự.

Trong cuộc tranh luận tại Quốc hội vào ngày 4/12, ông Barnier đã nói với các nhà lập pháp rằng ông “không sợ hãi”, nhưng cảnh báo rằng việc loại bỏ ông sẽ khiến “mọi thứ trở nên khó khăn hơn”.

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, đã phát biểu trong cuộc tranh luận rằng sự ngoan cố của ông Barnier đã ngăn cản ông ấy đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào để tránh được kết quả này.

Vào ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông Barnier đã cáo buộc phe cực hữu tống tiền chính trị, nói rằng họ đã đồng ý với các nhượng bộ của ông về việc tăng thuế điện và viện trợ y tế cho những người không có giấy tờ trước khi đưa ra nhiều yêu cầu hơn.

Lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen từng là đối thủ chính trị của Tổng thống Macron trong hai cuộc bầu cử tổng thống. Bà cho rằng việc chính phủ của ông Barnier sụp đổ hoàn toàn là do Tổng thống Macron. “Ông ấy là người chịu trách nhiệm nhiều nhất cho tình hình hiện tại”, bà nói sau cuộc bỏ phiếu. Ông Macron “sẽ đảm nhận trách nhiệm của mình, ông ấy sẽ làm những gì lý trí và lương tâm mách bảo”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Pháp TF1.

Trong bối cảnh hiện nay, Pháp đang đối mặt nguy cơ kết thúc năm mà không có một chính phủ ổn định hay ngân sách cho năm 2025, mặc dù hiến pháp cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng chính phủ đóng cửa như ở Mỹ.

Tình trạng bất ổn chính trị của Pháp sẽ càng làm suy yếu Liên minh châu Âu, vốn đã lao đao bởi sự tan rã của chính phủ liên minh ở Đức, trong bối cảnh chỉ còn vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã ký sắc lệnh áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, khiến các hãng sản xuất ô tô “đứng ngồi không yên”.

Một máy bay phản lực Eurofighter Typhoon của Anh đã thực hiện thành công chiến thuật quan trọng tiếp nhiên liệu trên không trong khuôn khổ cuộc tập trận Ramstein Flag của NATO.

Nga xác nhận đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một mục tiêu quân sự tại thành phố Krivoy Rog, miền Đông Ukraine vào tối ngày 4/4.

Ông Kirill Dmitriev, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về kinh tế tuyên bố rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn chặn được chiến tranh thế giới thứ ba.

Các mức thuế mới của Tổng thống Donald Trump lớn hơn dự kiến, hậu quả kinh tế bao gồm lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm hơn có thể xảy ra, theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Số người thiệt mạng trong trận động đất tại Myanmar là 3.301 người, trong khi 4.792 người bị thương và 221 người vẫn mất tích.