Chiến sự ngày 11/1: Nga vô hiệu hóa 85 UAV của Ukraine
Nga bắn hạ 85 máy bay không người lái của Ukraine
Bộ quốc phòng Nga cho biết họ đã chặn và phá hủy 85 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm tại một số khu vực, bao gồm 31 máy bay không người lái trên Biển Đen, 16 máy bay ở mỗi khu vực Voronezh và Krasnodar và 14 máy bay trên Biển Azov.
Ở chiều ngược lại, không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 74 máy bay không người lái trong đêm. Kiev đã bắn hạ 47 máy bay trong số đó, trong khi 27 máy bay khác biến mất khỏi radar mà không đến được mục tiêu.

Một nguồn tin từ cơ quan an ninh Ukraine cho biết một kho đạn dược và cơ sở lưu trữ máy bay không người lái của Nga đã bị tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine.
Cùng ngày, các quan chức Nga báo cáo rằng một cơ sở công nghiệp gần làng Chaltyr ở vùng Rostov của Nga giáp biên giới Ukraine đã bốc cháy sau một loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái, mà không giải thích thêm.
Ukraine tuyên bố bắt được 2 lính Triều Tiên ở Kursk
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng hoạt động tại khu vực Kursk của Nga đã bắt giữ hai binh sĩ Triều Tiên. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, ông Zelensky nhấn mạnh: “Quân đội của chúng tôi đã bắt giữ quân nhân Triều Tiên tại khu vực Kursk. Hai binh sĩ, mặc dù bị thương, đã sống sót và được đưa đến Kiev, nơi họ hiện đang liên lạc với Cơ quan An ninh Ukraine. Kèm theo tuyên bố trên là một số hình ảnh được cho là về những người lính bị thương trên.
Theo đánh giá của Ukraine và phương Tây, khoảng 11.000 quân nhân Triều Tiên được triển khai tại khu vực Kursk, nơi quân đội Ukraine chiếm đóng hàng trăm km2 sau khi tiến hành một cuộc xâm nhập xuyên biên giới vào tháng 8 năm ngoái. Vào thời điểm cao trào của cuộc tấn công, Ukraine được cho là đã kiểm soát tới 1.376 km vuông. Các nguồn tin trong quân đội Kiev cho biết hiện con số này đã giảm xuống còn 800 km vuông. Tuy nhiên mới đây, báo Euronews dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine cho biết hơn 40% diện tích đất bị lực lượng Kiev chiếm giữ tại tỉnh Kursk đã bị quân đội Nga giành lại.
Những trận chiến đầu tiên giữa các đơn vị Ukraine và Triều Tiên được Ukraine và phương Tây xác nhận diễn ra vào ngày 5/11/2024. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hơn 1.000 quân nhân Triều Tiên đã thiệt mạng hoặc bị thương tại Kursk trong tuần cuối cùng của tháng 12. Tuy nhiên, cả Moscow và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác thông tin Bình Nhưỡng đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Tháng 6 năm 2024, Nga đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với Triều Tiên. Theo Hiệp ước, nếu một trong 2 bên bị một hoặc nhiều nước khác tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để cung cấp hỗ trợ về quân sự hoặc các lĩnh vực khác.
Tổng thống Zelensky cam kết làm mọi thứ để chiến sự chấm dứt năm 2025
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với đài truyền hình RaiNews24 của Italy, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết “giấc mơ” của Ukraine là chấm dứt chiến sự vào năm 2025, trong bối cảnh nước này đang tìm cách đạt được các đảm bảo an ninh. Ông Zelensky nhấn mạnh: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là phải có hòa bình. Ukraine mong hòa bình hơn bất kỳ ai, và điều đó là hiển nhiên vì chúng tôi phải gánh chịu nhiều nhất, đặc biệt tổn thất về sinh mạng. Giấc mơ của chúng tôi là đạt được những đảm bảo an ninh này và chấm dứt chiến tranh trong năm nay. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đạt được điều đó”.

Những cuộc thảo luận về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine ngày càng gia tăng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Hôm 8/1, ông Keith Kellogg, người được ông Trump lựa chọn làm đặc phái viên về vấn đề Ukraine, cho biết chính quyền mới đặt mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong vòng 100 ngày sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, ông Kellogg không hé lộ chi tiết của bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào đang được chính quyền mới cân nhắc.
Theo xác nhận của cả Nhà Trắng và Điện Kremlin, hai bên đang xúc tiến kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tuy nhiên, cuộc gặp được cho là sẽ chỉ diễn ra sau ngày 20/1, thời điểm ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Mỹ, Anh siết chặt trừng phạt với dầu mỏ của Nga, thị trường thế giới chao đảo
Mỹ và Vương quốc Anh đã áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga nhằm hạn chế hơn nữa nguồn tài trợ cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt 183 tàu chở dầu và 2 tập đoàn dầu khí lớn - gồm Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng hơn 20 chi nhánh của các tập đoàn này. Hai công ty này đã vận chuyển khoảng 970.000 thùng dầu mỗi ngày bằng đường biển trong năm 2024, một con số đáng kể hơn cả lượng cung thặng dư toàn cầu dự kiến cho năm 2025.
Các lệnh trừng phạt cũng được áp dụng đối với hai công ty bảo hiểm hàng hải của Nga: Ingosstrakh và Alfastrakhovanie. Điều này có thể buộc nhiều tàu chở dầu, bao gồm cả đội tàu của Nga, phải rời khỏi thị trường bảo hiểm chính thống, làm tăng thêm các rủi ro về an toàn hàng hải.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các lệnh trừng phạt mới áp dụng đối với dầu mỏ của Nga sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên khi được hỏi liệu ông có lo ngại rằng các lệnh trừng phạt có thể khiến giá xăng tăng hay không, Tổng thống Biden cho biết không thể loại trừ khả năng này. Ông nói: “Có khả năng giá xăng có thể tăng tới ba hoặc bốn xu một gallon”, nhưng “những biện pháp này sẽ có tác động sâu sắc đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga”,
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga. Trên mạng xã hội X, nhà lãnh đạo Ukraine viết: “Những biện pháp này giáng một đòn nặng nề vào nền tảng tài chính của cỗ máy chiến tranh Nga bằng cách phá vỡ toàn bộ chuỗi cung ứng của họ”. Ông Zelensky cũng tỏ lời cảm ơn các biện pháp trừng phạt của Anh đối với các công ty dầu khí của Nga: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của Vương quốc Anh nhằm cản trở các hoạt động của hạm đội bóng tối Nga, vốn vẫn là một phần trọng yếu trong các hoạt động thương mại dầu mỏ của nước này”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo rằng các biện pháp trừng phạt mới này có thể làm giảm thặng dư nguồn cung gần 1 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2025. Thị trường dầu mỏ thế giới đã có phản ứng ngay lập tức trước những diễn biến trên khi khi giá dầu Brent tương lai cho năm 2024 đã tăng từ mức dưới 75 USD/thùng lên tới 80,75 USD/thùng vào phiên giao dịch cuối tuần.


Người dân tại nhiều thành phố trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Bồ Đào Nha... ngày 5/4 đã tham gia phong trào biểu tình có tên "Hands Off" nhằm phản đối các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Người dân cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ; Phim “Địa đạo” thu hơn 30 tỷ đồng ngày đầu công chiếu; Kế hoạch quốc phòng mới của EU đối diện nhiều thách thức;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
Một tuần sau trận động đất 7,7 độ richter hôm 28/3, nhiều thành phố của Myanmar vẫn trong khung cảnh đổ nát, tang thương. Hậu quả của cơn đại địa chấn đang khiến đất nước này lâm vào khủng hoảng nhân đạo chưa từng có trong lịch sử.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các đơn vị tác chiến của nước này đã gây thêm tổn thất về nhân lực và trang thiết bị cho quân đội Ukraine tại các mặt trận như Kursk, Belgorod, Donetsk.
Nga cáo buộc trong ngày 5/4 Ukraine đã tiến hành 6 cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, trong khi Ukraine cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra ở khu vực Kursk.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã tăng cường tìm kiếm nguồn cung đậu tương từ các thị trường khác để thay thế, trong đó có Brazil.
0