Bỏ hạn mức tín dụng, tăng chủ động cho ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng lộ trình tiến tới bỏ hạn mức tín dụng vào năm 2026, hướng đến điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.

Năm 2010, tăng trưởng tín dụng ước khoảng 27,65 %. Bước sang năm 2011, khi lạm phát tăng lên 18,13%, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng và nhờ công cụ này, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được kéo về mức 12%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, room (hạn mức) tín dụng bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là khi thị trường cần cơ chế điều hành linh hoạt, phù hợp với năng lực từng ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: "Về mặt bản chất thì đó là một công cụ quản lý mang tính hành chính. Cơ quan quản lý nhà nước cũng khó biết được nhu cầu và năng lực cụ thể của từng tổ chức tín dụng ra sao. Và khi áp đặt room tín dụng thì nó tạo tác động bóp méo thị trường tín dụng".

Sau 12 năm tái cơ cấu, sức khỏe hệ thống ngân hàng đã ổn định. Thống kê cho thấy, 90% ngân hàng hiện có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 10%, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lớn đạt tới 15%. Điều này cho thấy chất lượng hoạt động và khả năng chịu rủi ro tín dụng đã cải thiện rõ rệt. Các chuyên gia tài chính nhận định, thị trường hiện đã có đủ công cụ để kiểm soát an toàn hoạt động ngân hàng, thay thế dần các biện pháp hành chính trước đây.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cho rằng: "Mỗi thời kỳ sẽ có một phương thức quản trị phù hợp. Ngân hàng nhà nước khi đưa ra quy định về hạn mức tín dụng trong nhiều năm vừa qua nhằm mong muốn duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tạo sự an toàn cho toàn bộ hệ thống".

Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt cho hay: "Tôi thấy các ngân hàng đã hoạt động minh bạch hơn, các khoản vay đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Do đó, các ngân hàng tự chịu trách nhiệm với các khoản vay và tự đánh giá các chỉ số an toàn trong khuôn khổ cho phép của Basel, các chỉ tiêu tín dụng, các tỉ lệ an toàn vốn".

Hai năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng linh hoạt hơn, từng bước nới hạn mức, đặc biệt đã gỡ bỏ room tín dụng với ngân hàng nước ngoài trong năm nay. Đây được xem là bước chuẩn bị cho lộ trình bỏ hạn mức tín dụng.

Theo giới chuyên gia, khi công cụ thị trường đã đầy đủ, điều quan trọng là tăng cường giám sát và đảm bảo ngân hàng tuân thủ quy định chặt chẽ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời