Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông
Quy định về việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông đã có và khá đầy đủ, tuy nhiên, trong rất nhiều tình huống, tai nạn đều đến từ sự chủ quan, bất cẩn của người lớn.
Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, chiếm khoảng 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.
Chỉ trong tích tắc, một bé trai 5 tuổi (Hà Nội) đã tự mở cửa xe taxi và lao thẳng ra đường đúng lúc chiếc xe tải chạy tới và cháu bé đã không qua khỏi.
Trước đó, một trường hợp khác tại Nam Định, hình ảnh từ camera nhà dân ghi lại một vụ TNGT hết sức đau lòng. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, bé trai ba tuổi đã một mình băng qua đường. Khi cháu đến gần giữa đường thì chiếc xe tải đang vượt một phương tiện khác không kịp xử lý, lao tới và đâm trúng cháu bé.
Nếu hai vụ TNGT đau lòng vừa xảy ra tại Hà Nội và Nam Định là do lỗi chủ quan, bất cẩn của người lớn thì trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh lại có hành vi coi thường sự an toàn của trẻ em. Camera hành trình của một ô tô đã ghi lại hình ảnh một chiếc xe bán tải chở nhiều trẻ nhỏ trên thùng sau, vô tư chạy trên quốc lộ. Sau khi đoạn clip được lan truyền, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích gay gắt hành vi này.
Anh Đặng Văn Diệp (phường Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết: “Tôi cho rằng việc chở con nhỏ như vậy là quá nguy hiểm, vì nếu chiếc xe phanh gấp thì trẻ trong thùng sau đó sẽ như thế nào vì không hề có dây bảo hộ".
Phổ biến hơn, chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh trẻ em không được đội mũ bảo hiểm trên đường, chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi phía trước xe máy hay cho trẻ em cầm vô lăng điều khiển xe ô tô. Chỉ đến khi tai nạn xảy ra, các bậc phụ huynh mới hối tiếc thì đã quá muộn.
Ông Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông cho biết: “Trẻ em là đối tượng hiếu động, do đó cần tăng cường tuyên truyền và thông qua các vụ việc này mỗi người lớn cần tự rút ra bài học để bảo đảm an toàn cho con em mình".
Chị Dương Ngọc Oanh (phường Nghĩa Đô, TP. Hà Nội) có hai con nhỏ đang độ tuổi học sinh. Theo chị, sự giáo dục con trẻ về vấn đề an toàn giao thông và sự cẩn trọng, sát sao của phụ huynh chính là yếu tố quyết định đến sự an toàn khi tham gia giao thông với đối tượng là trẻ em.
Chị Dương Ngọc Oanh cho biết: “Tôi thường xuyên giáo dục, chỉ bảo các con về an toàn giao thông, dừng đèn đỏ như nào, qua đường thế nào cho an toàn,... Tôi nghĩ không chỉ các bậc phụ huynh mà trẻ nhỏ cũng cần được chỉ bảo đúng cách về cách giữ an toàn cho bản thân".
Những quy định được bổ sung về việc chở trẻ em tham gia giao thông trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 là một bước tiến quan trọng. Điều này giúp tăng cường hơn nữa việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ra đường. Tuy nhiên, những sự việc xảy ra vừa qua cho thấy, mỗi người lớn, mỗi bậc phụ huynh cần có tinh thần cảnh giác cao hơn và chủ động các biện pháp bảo vệ con em mình để không phải chứng kiến những hình ảnh TNGT đau lòng mà nạn nhân là trẻ em.