1001 cách giảm nồng độ cồn của dân nhậu có hiệu quả?

Dân nhậu thường rỉ tai nhau một số “chiến thuật huyền thoại" khẳng định sẽ giúp bạn tỉnh táo, giảm nồng độ cồn trong máu để bạn có thể lái xe về nhà an toàn. Nhưng thực hư những cách đó có hiệu quả như bạn nghĩ.

Nhai kẹo cao su, ăn kẹo chua hoặc dùng xịt thơm miệng

Kẹo cao su, kẹo bạc hà hay xịt thơm miệng có mùi thơm dễ chịu, có thể lấn át được mùi của rượu bia. Các loại kẹo có vị chua kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều nước bọt, rửa trôi axit, vi khuẩn và các hạt gây mùi trong miệng.

Nhai kẹo cao su chỉ giải quyết được mùi cồn tồn tại trong khoang miệng tạm thời.

Lưu ý, kẹo cao su và nước xịt miệng không thể thay đổi được lượng cồn trong hơi thở đẩy lên từ phổi. Đây chỉ là giải pháp tạm thời làm mất đi mùi rượu và mùi cồn khi bạn giao tiếp với người khác. Không thể thay đổi được  lượng cồn trong hơi thở được đẩy lên từ phổi như một số người đã truyền tai.

Đánh răng và ngậm nước súc miệng 

Một số bác tài cho rằng, sau khi nhậu xong thì chỉ cần đánh răng thật kỹ và ngậm nước xúc miệng là có thể giảm thiểu được nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm bởi lượng cồn bị loại bỏ sau khi đánh răng rất ít.

Trên thực tế, nồng độ cồn xuất phát từ phổi chứ không phải ở khoang miệng, do đó phương pháp đánh răng là không hiệu quả. Thậm chí, một số loại kem đánh răng còn chứa cồn có thể gây tác dụng ngược lại. 

Uống bia 0 độ

Với bia có nồng độ cồn bằng 0 hay còn gọi là bia chay, là sản phẩm đã được tách chiết hết cồn hoặc được ủ để chứa lượng cồn thấp hơn mức cho phép. Vì thế , nhiều người cho rằng uống bia 0 độ thì chắc chắn không lo về nồng độ cồn.

Trên thực tế, nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5%. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, hiện nay có nhiều loại bia với nồng độ cồn khác nhau. Đa số bia chứa 5-8% nồng độ cồn, có loại cao hơn từ 8-15%. Nếu bạn sử dụng các loại bia trên nhãn ghi là 0 cồn, hơi thở bạn vẫn có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp. Khi tham gia giao thông, bị yêu cầu dừng lại thổi nồng độ cồn bằng máy đo chuyên dụng vẫn có thể dương tính và vi phạm.

Nín thở hoặc thở mạnh trước khi thổi

Theo nghiên cứu của trường Đại học Linkoping (Thụy Điển), nếu bạn vận động cường độ mạnh hoặc thở gấp khoảng 20 giây trước khi kiểm tra nồng độ cồn có thể làm giảm chỉ số đo được khoảng 10%. Vậy nhưng, phương pháp hao tổn nhiều sức lực này có thể khiến bạn bị chóng mặt do thiếu oxy, đồng thời không thể có đủ hơi để thổi vào máy đo.

Nín thở không giảm nồng độ cồn trong hơi thở. Ảnh minh họa

Thổi nhẹ vào máy đo hoặc hít ngược vào phổi

Một số bác tài chia sẻ, nếu thổi nhẹ vào máy đo hoặc hít ngược vào phổi thì sẽ tránh bị phát hiện  nồng độ cồn trong máu. Tuy nhiên, cách làm này không thể qua mắt được cảnh sát giao thông bởi máy đo nồng độ cồn được trang bị cảm biến áp suất, do đó có thể phát hiện chuyển động của luồng khí.

Hơn nữa, khi không có đủ luồng hơi thở, máy sẽ không thông báo kết quả. Vì vậy, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục yêu cầu tài xế thổi lại. Trường hợp bạn liên tục không chấp hành làm theo hướng dẫn của cảnh sát, việc lập biên bản áp dụng mức cao nhất đối với hành vi vi phạm là điều đương nhiên.

Uống cà phê

Nhiều người tin rằng uống cà phê đậm đặc giúp giảm nồng độ cồn vì chất caffeine sẽ làm mất tác dụng của rượu. Tuy nhiên, caffeine có thể xua tan cơn buồn ngủ, có thể khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, nhưng nó không làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể bạn.

Đồ uống có cafein chỉ giúp tỉnh táo hơn chứ không giảm được nồng độ cồn trong hơi thở.

Cà phê sẽ không thay đổi cách rượu làm giảm khả năng phối hợp, làm chậm thời gian phản ứng và ảnh hưởng tiêu cực đến việc ra quyết định của bạn. Uống cà phê sau khi uống rượu thực sự có thể đánh lừa người lái xe nghĩ rằng họ lái xe an toàn trong khi trên thực tế, họ vẫn còn quá say.

Hút thuốc lá 

Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm bởi thuốc lá khi đốt sẽ sinh ra khí acetal dehyde, đây là chất mà máy đo xác định nồng độ rượu trong máu. Bên cạnh đó, việc hút thuốc không chỉ gây tổn hại cho sức khoẻ, mà còn khiến nồng độ cồn trong hơi thở càng thêm gia tăng. Chính vì vậy, các bác tài tuyệt đối không sử dụng biện pháp này. 

Ngậm đồng xu bạc

Các bác tài còn mách nhau rằng, ngậm đồng xu trong miệng sẽ giúp khử được mùi rượu, bia bởi thành phần bạc có khả năng vô hiệu hóa lượng cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, nồng độ cồn nằm sâu trong phổi không thể dễ dàng biến mất như vậy.

Tắm gội

Mặc dù tắm vòi sen có thể giúp bạn tỉnh táo hơn, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc này giúp loại bỏ rượu khỏi cơ thể để giúp bạn tỉnh táo. Theo TS.BS Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết khi mới vừa uống bia rượu, cơ thể chúng ta ấm lên và cảm thấy nóng. Do cồn kích thích làm mạch máu giãn nở, tuần hoàn máu tăng khiến da mẩn đỏ, thân nhiệt tăng. Lúc này, tuyệt đối không nên tắm ngay khi kết thúc bữa rượu, kể cả tắm bằng nước nóng. Hành động này có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất. Bên cạnh đó, việc này cũng khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió.

Pha rượu với nước tăng lực

Một số người cho rằng lượng caffeine cao trong nước tăng lực sẽ ngăn rượu phát huy tác dụng. Mặc dù những loại nước tăng lực này là chất kích thích và sẽ khiến bạn bớt buồn ngủ, nhưng chúng không ngăn ngừa hoặc giảm mức độ say khi pha với rượu. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy uống quá nhiều loại cocktail này có thể dẫn đến hành vi nguy hiểm hơn, tim đập nhanh và mất ngủ.

ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng đưa ra lời khuyên: Khi uống rượu, tuyệt đối không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hay uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây tỉnh táo giả, lúc này đã say xỉn rồi mà vẫn tỉnh sẽ gây hại nhiều hơn. Lời khuyên là không nên pha trộn đồ uống của bạn. Kết hợp các loại rượu mạnh, rượu vang hoặc bia khác nhau có thể tăng tốc độ nồng độ cồn trong máu (BAC) của bạn, vì vậy hãy cố gắng chọn cùng một loại.

Uống mắm tôm

Theo chia sẻ của vài cá nhân trên mạng xã hội, uống 1-2 cốc mắm tôm là có thể phá được mùi rượu bia. Tuy nhiên, hiệu quả thì chưa được chứng minh, nhưng việc rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy… ảnh hưởng đến sức khoẻ là điều thấy rõ. Đặc biệt, mắm tôm có mùi rất khó chịu nên không phải lúc nào các bác tài cũng có thể mang theo bên người. Cách khử mùi cồn hiệu quả nhất đó chính là nói không với rượu, bia khi lái xe.

Uống thuốc giải rượu

Một số bác tài lại thích  cách giảm nồng độ cồn trong hơi thở nhanh nhất là uống thuốc giải rượu kết hợp uống thật nhiều nước. Nhưng nó không thể có tác dụng tức thì, mà sau khi uống thuốc bạn cần ngồi nghỉ ít nhất 2 tiếng hoặc ngủ 1 giấc ngắn. Việc uống nhiều nước cũng sẽ giúp giảm nồng độ cồn trong máu, thúc đẩy hoạt động bài tiết, đào thải rượu bia ra ngoài. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc giải rượu cũng không phải là cách tốt. Do đó, dù là lý do gì cần uống rượu bia, bạn cũng đừng quên ưu tiên sức khỏe lên hàng đầu.

Tốt nhất không nên uống bia rượu khi lái xe.

Hầu hết các cách trên đều chỉ có tác dụng giảm mùi rượu bia trong khoang miệng. Không có hiệu quả cao trong việc giảm nồng độ cồn trong cơ thể. Nồng độ cồn không thể hết ngay, mà nó cần thời gian để đào thải ra khỏi cơ thể. Do vậy, các bác tài chỉ nên áp dụng các cách trên với mục đích giảm mùi bia rượu trong khoang miệng tạm thời. Không thể sử dụng với mục đích giảm nồng độ cồn trong hơi thở để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông.

Theo Bộ Y tế, bạn nên hạn chế rượu, bia và các thức uống có cồn nói chung. Tốt nhất, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới và 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới, đồng thời không uống quá 5 ngày/tuần.

Đặc biệt, khi tham gia giao thông, bạn tuyệt đối không nên tiêu thụ rượu bia để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nếu bạn đã uống rượu, thì việc nhờ một người bạn tỉnh táo chở đi nhờ xe, sử dụng dịch vụ đi chung xe hoặc gọi taxi luôn là lựa chọn an toàn và thông minh nhất.

(Tổng hợp)

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu phân bổ vitamin A cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi nhằm tăng hệ miễn dịch ở trẻ.

Sau mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau một thời gian, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Sau mưa lũ, do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém nên sẽ làm bùng phát một số bệnh ngoài da. Dưới đây là một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng, chống.

Kết hôn và sinh con vốn được coi là chuyện quan trọng của đời người. Nhưng với nhiều người trẻ hiện nay, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của họ cởi mở hơn rất nhiều.

Mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nữ 55 tuổi bị tái phát nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.