Xây dựng văn hóa xe buýt Thủ đô | Hà Nội tin mỗi chiều
Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, nhất là những nơi tập trung đông dân cư như tại Hà Nội. Và giao thông đô thị luôn là một chủ đề nóng của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Sống trong những đô thị lớn, hầu như chúng ta, đều quen thuộc với những chiếc xe buýt trên đường phố. Xe buýt là lực lượng chủ công của vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội hiện nay.
Theo thông tin của Sở GT-VT TP Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2023, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội gồm 154 tuyến. Trong đó, có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hành khách công cộng đạt gần 229 triệu lượt, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó xe buýt đạt gần 224 triệu lượt khách).
Có thể thấy rằng, xe buýt là loại hình phương tiện đi lại chính của nhiều người dân Hà Nội, nhất là học sinh, sinh viên, người cao tuổi và nhân viên văn phòng. Không chỉ có độ phủ sóng cao, xe buýt còn thu hút hành khách bởi giá vé rẻ. Hệ thống xe buýt trên địa bàn Hà Nội đã và đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân, làm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên bên cạnh những tiện lợi mà xe buýt mang lại thì cũng còn khá nhiều bất cập, nổi bật trong đó là văn hoá ứng xử trên xe buýt.
“Văn hóa xe buýt” là câu chuyện đụng chạm đến nhiều người, cần được quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của thủ đô. Thời gian qua, đánh giá khách quan, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước thay thế các xe cũ, gây ô nhiễm môi trường, tạo hình ảnh xe buýt an toàn, thân thiện, hấp dẫn hành khách. Hệ thống xe buýt đã có những thay đổi tích cực cả về hạ tầng, chất lượng phương tiện tới chất lượng dịch vụ.
Các giải pháp bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, lượng hành khách tăng dần qua các năm. Đặc biệt hơn cả, sau thời gian dài thành phố triển khai các biện pháp tuyên truyền xây dựng văn hoá ứng xử, đến nay hình ảnh những chuyến xe buýt văn minh, lịch sự, những nụ cười thân thiện của nhân viên, hành khách không còn là chuyện hiếm hoi, khó gặp trên mỗi chuyến xe buýt.
Phần lớn các lái xe đều tuân thủ đúng luật lệ giao thông, đón và trả khách đúng bến, đúng lịch trình quy định, lái xe điềm đạm, bình tĩnh tạo tâm lý an tâm cho hành khách. Nhân viên bán vé hoàn thành tốt trách nhiệm của mình là bán vé và kiểm soát vé. Không chỉ có vậy, họ còn nhiệt tình với khách đi xe, như phục vụ tận tình niềm nở, giúp đỡ người già và phụ nữ có thai. Trước khi xuống bến họ thường nhắc trước địa danh điểm đến, ai vi pham nội quy họ cũng nhăc nhở một cách lịch sự và điềm đạm, thậm chí đôi khi họ còn xách hộ đồ lên và xuống xe cho khách.
Ngoài ra với hệ thống máy lạnh trên xe tạo cho hành khách cảm giác mát mẻ trong những ngày hè nóng bức và hệ thống đài phát thanh mang lại cho hành khách nhiều thông tin bổ ích và tâm lí thoải mái khi đi xe.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu trên đường phố, gây ra không ít nỗi lo sợ cho người đi đường. Nhiều xe buýt lấn làn, bất thình lình tấp vào lề đường. Không chỉ có vậy, trên xe khi khách chưa lên hoặc xuống hết lái xe đã đóng cửa. Vẫn còn một số nhân viên có thái độ chưa tôn trọng và lịch sự với hành khách trên xe.
Về phía hành khách, thì nhiều người không nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, chen lấn xô đẩy mỗi lần tới trạm dừng đón và trả khách, một số người đứng chắn ngay cửa lên, xuống mặc dù còn rất nhiều vị trí trống khác. Bên cạnh đó, nhiều hành khách nói chuyện, trao đổi ồn ào hay nghe điện thoại lớn tiếng, xả rác trên sàn xe…, gây bức xúc, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đáng nói đã có không ít trường hợp gây ồn ào trên xe buýt, khi được lái xe, phụ xe hoặc hành khách đi cùng nhắc nhở, nhưng họ không mấy quan tâm, thậm chí còn chửi bới, hành hung lái, phụ xe.
Muốn phát triển hệ thống xe buýt ngày một tốt hơn, thì chắc chắn chúng ta phải quan tâm tới nhiều vấn đề. Đặc biệt quan tâm tới văn hoá ứng xử trên xe buýt, đây chính là một trong những điều kiện cần thiết và quan trọng để cho mọi người sử dụng xe buýt nhiều hơn nữa.
Ngày hôm qua (16/10), Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã triển khai “Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt”, nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức về hành vi, xây dựng nếp ứng xử trên xe buýt ngày càng phù hợp và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống văn minh ở đô thị. Bộ quy tắc ứng xử được tuyên truyền rộng rãi trên 84 tuyến của 7 xí nghiệp hoạt động vận tải hành khách công cộng trực thuộc Transerco, 23 nhà chờ của tuyến buýt nhanh BRT (Kim Mã - Yên Nghĩa) và các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Đan Phượng.
Bộ quy tắc ứng xử này, nhằm chung tay xây dựng văn hóa xe buýt Transerco; công nhân lái xe, nhân viên phục vụ có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ; sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn và giúp đỡ hành khách lên, xuống xe, sắp xếp vị trí cho hành khách; đeo thẻ, mặc đồng phục đúng quy định; có thái độ, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện với hành khách, xin lỗi hành khách khi gặp sự cố về dịch vụ; có thái độ ứng xử đúng mực khi có va chạm trên đường.
Để chung tay xây dựng văn hóa xe buýt, Transerco mong hành khách giữ gìn trật tự, an ninh, tôn trọng nội quy trên xe; mua vé và giữ vé để kiểm tra; nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai; xếp hàng khi lên, xuống xe tại các điểm dừng, đỗ; chấp hành sự sắp xếp và điều hành của nhân viên phục vụ trên xe. Hành khách không nói to, nói tục, chửi bậy, gây ồn ào, mất trật tự trên xe; không mang hàng hóa, hành lý cồng kềnh lên xe.
Cá nhân tôi đánh giá cao nỗ lực của Transerco trong việc triển khai bộ quy tắc ứng xử. Mạng lưới xe buýt Thủ đô sẽ ngày càng phát triển và mở rộng, thuận lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, xe buýt sẽ khó hấp dẫn hành khách nếu như bản thân đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé không thân thiện, giúp đỡ hành khách. Do đó, việc đơn vị xe buýt ban hành tiêu chí, quy định cụ thể như vậy sẽ giúp hình ảnh xe buýt Thủ đô nói chung và của Transerco nói riêng ngày càng thân thiện, tin cậy hơn.
Chắc chắn khi có bộ quy tắc này thì toàn thể công nhân lái xe và nhân viên bán vé, mỗi người đều phải ý thức hơn nhằm xây dựng và giữ gìn hình ảnh của đơn vị và xe buýt Thủ đô. Và càng vui hơn nữa khi có sự chung tay xây dựng văn hóa xe buýt từ chính những hành khách, những người luôn đồng hành cùng xe bus thủ đô trên các cung đường quen thuộc của Hà Nội./.


“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Lời thơ, lời ca ấy đã phần nào nói lên tình cảm kính yêu và niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong số rất nhiều ca khúc sẽ được vang lên trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Người là niềm tin tất thắng” do Đài Hà Nội thực hiện vào đúng ngày 19/5.
Covid-19 hiện đã được coi là bệnh lưu hành tại Việt Nam, bởi vậy chúng ta cần tiếp cận Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường, không chủ quan nhưng cũng không cần hoang mang.
Thành phố Hà Nội đang nỗ lực để mùa tuyển sinh năm nay diễn ra suôn sẻ, công bằng và minh bạch hơn, với điểm đáng chú ý nhất là bám sát tiêu chí “học gần nhà”.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa phát động một đợt cao điểm toàn quốc để truy quét hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại.
Một nguyên Cục trưởng và bốn cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa bị khởi tố vì hành vi nhận hối lộ vào ngày 13/5. Những người từng được trao quyền bảo vệ sự an toàn cho bữa ăn của hàng triệu người, nay lại bị cáo buộc “bán rẻ” chính điều đó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có một đề xuất thu hút sự quan tâm của dư luận: Bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS - hay quen gọi là bằng tốt nghiệp lớp 9. Vậy, không cấp bằng, liệu học sinh có được học tiếp không? Có bị thiệt thòi gì không?
0