Bản sắc văn hóa Lào được nâng niu giữa lòng Thủ đô
Giữa lòng Thủ đô Hà Nội phồn hoa, vẫn có những khoảng không gian bình dị và thân thương - nơi sắc màu, âm thanh và hương vị tưởng như rất đỗi riêng tư lại kể nên câu chuyện chung về tình hữu nghị lâu bền giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Trong dòng chảy hội nhập, Hà Nội không chỉ là nơi các du học sinh Lào học tập và trưởng thành, mà còn là nơi họ chắt chiu, lưu giữ và lan tỏa những nét văn hóa đặc trưng của quê hương mình. Tất cả đã làm nên một bản sắc Lào sống động giữa lòng Thủ đô - nơi văn hóa được sẻ chia bằng trái tim và kết nối bằng tình bạn.
Chợ Nghĩa Tân - một ngôi chợ bình dân giữa lòng Thủ đô, từ lâu đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhóm sinh viên Lào đang theo học tại lớp Chính trị phát triển K43 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cùng với Thongkhuem Keonolin và nhóm bạn Lào, còn có các sinh viên Việt Nam đang cùng nhau đi chợ để tổ chức một chương trình giao lưu trong lớp. Đó sẽ là nơi những món ăn Lào và Việt cùng khoe bản sắc, cùng chia sẻ niềm vui trong cuộc sống giữa những người bạn trẻ.
Sinh viên Thongkhuem Keonolin - Học viên Lào, lớp Chính trị phát triển K43 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Đi chợ ở Việt Nam rất là vui, giá cả thì hợp lý, người bán hàng rất thân thiện và tốt bụng. Chúng tôi đã đi mua thịt bò, hoa quả, các loại rau và gia vị. Còn chiều nay đã đi mua gà và thịt lợn, nộm đu đủ và lá chuối, các nguyên liệu để sáng mai sẽ nấu cơm, làm xôi và món lạp, gà nướng cho chương trình trong ngày mai".
Không khí chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn hóa “Sắc màu Việt - Lào” trở nên rộn ràng và ấm áp. Các bạn sinh viên Lào tự tay nấu món ăn truyền thống như lạp, xôi, gà nướng, nộm đu đủ… với sự giúp sức, sẻ chia từ bạn bè Việt Nam. Những món ăn ấy không chỉ chứa đựng hương vị quê hương, mà còn là sự kết tinh của tình bạn, của sự thấu hiểu giữa những người trẻ đến từ hai quốc gia.
Sinh viên Kiengkham Vondachan - Học viên Lào, lớp Chính trị phát triển K43 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: “Em đang làm lá chuối để làm đĩa. Cho món ăn vào đây sẽ đẹp hơn. Ở Lào thường dùng lá chuối vì vừa để bảo vệ môi trường và ở vùng nông thôn không có đĩa, bát. Khi em làm như thế này em rất là nhớ quê hương".
Không chỉ dừng lại ở những bữa ăn hay buổi trình diễn, tinh thần giao lưu văn hóa còn là cách thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống hữu nghị hai nước. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, sinh viên Việt - Lào đã biến lý thuyết thành thực tiễn, biến lớp học thành sân khấu văn hóa sinh động. Tại đây, họ không chỉ học hỏi lẫn nhau, mà còn chung tay lan tỏa những giá trị truyền thống. Những điệu múa, tiếng cười, những chia sẻ giản dị từ trái tim đã xóa nhòa mọi khoảng cách, khẳng định rằng bản sắc văn hóa không hề bị mai một giữa đô thị hiện đại, trái lại, nó được gìn giữ bởi chính sự kết nối chân thành từ những người trẻ.
Tiến sĩ Vũ Hoài Phương, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Các sinh viên của chúng tôi không chỉ có học lý thuyết ở trên lớp mà còn biết tổ chức các sự kiện hoạt động văn hóa và đưa các hoạt động truyền thông. Các em đã chạy truyền thông trong suốt cả một tháng nay với rất nhiều bài đăng trên fanpage, với những video được sản xuất và hôm nay thì các em đã tổ chức cả nghệ thuật, cả trình diễn thời trang, cả văn nghệ và cuối cùng đó là ẩm thực cùng một điệu múa điệu nhảy sạp hiện nay. Đó là một bằng chứng, một biểu hiện cho sự kết nối và giao lưu và thắt chặt tình đoàn kết giữa hai hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Lào".
Những sinh viên Lào nơi đây, bằng tình yêu quê hương và sự gắn bó với Hà Nội, đã và đang góp phần làm nên một Hà Nội đa dạng, nhân văn, đầy ắp yêu thương và nghĩa tình. Và từ những căn bếp nhỏ, những khu chợ bình dị, những hội trường giao lưu giản đơn - bản sắc Lào vẫn đang sống động, lan tỏa và hòa quyện trong lòng Thủ đô.


Hoàng thành Thăng Long là một trong những điển hình của việc Việt nam rất bám sát quy trình bảo vệ giá trị di sản thế giới.
Phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm) tập trung nhiều công trình kiến trúc đẹp, gắn liền với lịch sử phát triển của Hà Nội, do đó còn được gọi là phố Tây giữa lòng Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mong muốn UNESCO tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Hà Nội trong việc tái hiện lại Điện Kính Thiên và các di tích trong Hoàng thành Thăng Long.
Chương trình nghệ thuật "Người là niềm tin tất thắng" do Đài Hà Nội thực hiện đã khép lại với nhiều cảm xúc, được ví như một cuốn phim sống động kể về cuộc đời, con người và di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bến hoa Phúc Xá dần thay đổi với sắc màu rực rỡ, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều người dân và du khách.
Những căn biệt thự Pháp cổ trên phố phường Hà Nội rợp bóng cây vẫn đứng đó, lặng lẽ kể lại câu chuyện của một thời kỳ đã qua.
0