Áp lực đổi mới bủa vây các 'ông lớn' công nghệ toàn cầu

Ngành công nghệ thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, cho thấy rõ áp lực không ngừng mà các "ông lớn" đang phải đối mặt trong hành trình đổi mới và thích nghi.

Microsoft khai tử Skype

Trước sức ép đổi mới không ngừng, nhiều tập đoàn công nghệ lớn buộc phải đưa ra những quyết định chiến lược quan trọng. Microsoft đã quyết định khai tử Skype, dịch vụ gọi điện qua Internet giúp con người kết nối xuyên biên giới trong suốt hai thập kỷ qua để tập trung vào dịch vụ Microsoft Teams, nhằm đơn giản hóa các sản phẩm giao tiếp của hãng.

Ra đời năm 2003, các cuộc gọi âm thanh và video của Skype nhanh chóng làm gián đoạn ngành điện thoại cố định nhờ khả năng cung cấp các cuộc gọi âm thanh và video miễn phí hoặc chi phí thấp qua Internet. Ở thời kỳ đỉnh cao, công ty này trở thành cái tên quen thuộc với hàng trăm triệu người dùng.

Năm 2011, Microsoft vượt qua các đối thủ như Google và Facebook, mua lại Skype với giá 8,5 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất của hãng vào thời điểm đó. Khi ấy, Skype có khoảng 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Tuy nhiên, sự phát triển của các đối thủ như Zoom và Slack, vốn dễ sử dụng và đáng tin cậy hơn, cùng với việc Skype không thích nghi tốt với kỷ nguyên điện thoại thông minh, đã khiến nền tảng này dần mất đi vị thế. Đến năm 2020, số người dùng hàng tháng của Skype chỉ còn khoảng 23 triệu, dù có một đợt phục hồi ngắn trong đại dịch Covid-19. Sự suy giảm của Skype là do công nghệ lạc hậu, không còn phù hợp với kỷ nguyên điện thoại thông minh.

Skype đã có thời. Nó thực sự mang tính cách mạng vào năm 2003. Nó cho phép mọi người thực hiện cuộc gọi video, những người không phải là thành viên của một tập đoàn lớn và không có thiết bị đắt tiền. Vì vậy, tôi nghĩ, nó là một phần quan trọng của lịch sử.

Giáo sư Barbara Larson - Trường Đại học Northeastern, Mỹ.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu về các cuộc gọi trực tuyến cho công việc, Microsoft đã ưu tiên phát triển Teams, tích hợp chặt chẽ nền tảng này với các ứng dụng Office để nhắm đến người dùng doanh nghiệp – một phân khúc từng là thế mạnh của Skype. Teams hiện có khoảng 320 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, cho thấy sự thành công của chiến lược này.

Microsoft cho biết việc đóng cửa Skype sẽ giúp hãng tập trung nguồn lực vào Teams, đơn giản hóa danh mục sản phẩm giao tiếp. Để hỗ trợ người dùng chuyển đổi, Microsoft cho phép người dùng Skype đăng nhập vào Teams miễn phí trên mọi thiết bị được hỗ trợ bằng thông tin đăng nhập hiện có, với các cuộc trò chuyện và danh bạ được tự động chuyển sang.

Skype không phải là dự án đầu tiên mà Microsoft xử lý không thành công. Trình duyệt Internet Explorer và hệ điều hành Windows Phone cũng từng là những khoản đầu tư lớn nhưng cuối cùng bị bỏ rơi do không thể cạnh tranh. Tương tự, các gã khổng lồ công nghệ khác như Google cũng gặp khó khăn trong việc phát triển các công cụ giao tiếp trực tuyến, với nhiều sản phẩm như Hangouts và Duo không đạt được thành công mong đợi.

Việc khai tử Skype đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, nhưng cũng mở ra cơ hội cho các nền tảng mới. Microsoft cam kết không cắt giảm việc làm do quyết định này và nhấn mạnh rằng Teams sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của hãng. Tuy nhiên, sự kết thúc của Skype để lại nỗi tiếc nuối cho những người dùng đã từng coi đây là cầu nối với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp trên toàn thế giới.

OpenAI rút lại kế hoạch tái cấu trúc

Một trong những sự kiện đáng chú ý trong ngành công nghệ đó là việc OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, thông báo rút lại kế hoạch tái cấu trúc quy mô lớn, hủy bỏ việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo đuổi lợi nhuận. Động thái này được cho là sẽ hạn chế quyền lực của Giám đốc điều hành Sam Altman đối với công ty OpenAI.

OpenAI, được thành lập với sứ mệnh phát triển AI vì lợi ích của nhân loại, bao gồm công ty mẹ là tổ chức phi lợi nhuận và công ty con hoạt động vì lợi nhuận. Vào tháng 12/2024, công ty dự kiến chuyển đổi tổ chức lợi nhuận thành một Công ty Lợi ích Công cộng (PBC), một mô hình cân bằng giữa lợi nhuận và mục tiêu xã hội. Trong cấu trúc mới này, tổ chức vì lợi nhuận của OpenAI sẽ đảm nhiệm việc vận hành và kiểm soát hoạt động kinh doanh. Còn tổ chức phi lợi nhuận vẫn giữ cổ phần nhưng không còn vai trò giám sát mà sẽ hoạt động độc lập với đội ngũ lãnh đạo và nhân viên riêng, tập trung vào các sáng kiến từ thiện như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và khoa học.

OpenAI kỳ vọng kế hoạch này sẽ giúp công ty huy động thêm vốn để cạnh tranh trong cuộc đua AI với các đối thủ như DeepSeek của Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch tái cấu trúc cũng sẽ khiến tổ chức phi lợi nhuận mất quyền kiểm soát, chỉ trở thành cổ đông lớn trong Công ty Lợi ích Công cộng. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc OpenAI đi chệch khỏi sứ mệnh ban đầu.

Kế hoạch tái cấu trúc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, bao gồm tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập OpenAI, các nhà quản lý tại Delaware và California, cũng như các nhóm vận động an toàn AI. Ông Musk, người đã rời khỏi OpenAI vào năm 2019, đã cáo buộc công ty này ưu tiên lợi nhuận và lợi ích của các nhà đầu tư lớn như Microsoft, thay vì mục tiêu công ích. Theo Bloomberg, ông Musk cho rằng việc chuyển giao tài sản phi lợi nhuận cho các cá nhân và nhà đầu tư, bao gồm CEO Sam Altman và Microsoft, là không minh bạch.

Trước áp lực từ các nhà quản lý và những chỉ trích công khai, OpenAI đã điều chỉnh lại kế hoạch. Theo tờ New York Times, công ty quyết định giữ nguyên quyền kiểm soát của tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời chuyển nhánh lợi nhuận thành công ty PBC nhưng vẫn dưới sự quản lý của tổ chức phi lợi nhuận. Tổ chức phi lợi nhuận sẽ là cổ đông lớn, với tỷ lệ cổ phần được xác định bởi các cố vấn độc lập, và một phần lớn lợi nhuận từ PBC sẽ hỗ trợ các dự án AI vì lợi ích công cộng.

Quyết định này được xem là một chiến thắng đối với tỷ phú Elon Musk và các nhóm vận động. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức mới, đặc biệt trong việc huy động vốn. OpenAI đang đàm phán vòng gọi vốn 40 tỷ USD do SoftBank dẫn đầu, định giá công ty ở mức 300 tỷ USD. Theo Fortune, việc duy trì quyền kiểm soát phi lợi nhuận có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng kiểm soát cổ phần và lợi nhuận trong tương lai.

Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI với 13,75 tỷ USD, là một trở ngại chính trong quá trình tái cấu trúc của OpenAI. Theo Bloomberg, Microsoft chưa chấp thuận kế hoạch mới, yêu cầu đảm bảo rằng các thay đổi sẽ bảo vệ khoản đầu tư của họ. Hiện tại, Microsoft nhận 20% doanh thu của OpenAI đến năm 2030, nhưng OpenAI dự kiến giảm tỷ lệ này xuống còn 10% vào cuối thập kỷ, gây căng thẳng trong quan hệ đối tác.

Theo The Information, Microsoft cũng muốn tiếp tục truy cập công nghệ của OpenAI sau năm 2030. Ngoài Microsoft, các nhà đầu tư khác như SoftBank cũng đặt kỳ vọng cao vào việc tái cấu trúc để đảm bảo lợi nhuận. Kế hoạch mới của OpenAI cần đáp ứng cả yêu cầu của nhà đầu tư và các nhà quản lý. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng khi mà OpenAI phải cân bằng giữa sứ mệnh phi lợi nhuận và nhu cầu tài chính để phát triển AI tổng quát (AGI).

Vi phạm dữ liệu người dùng, TikTok bị phạt 530 triệu euro

Mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance đã bị Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland, cơ quan quản lý quyền riêng tư hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) phạt 530 triệu euro (tương đương khoảng 600 triệu đô la Mỹ) do vi phạm Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung của EU. Ngoài khoản phạt, TikTok còn bị yêu cầu ngừng chuyển dữ liệu sang Trung Quốc trong vòng 6 tháng nếu không khắc phục được các vi phạm.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland DPC nhấn mạnh rằng TikTok không thể chứng minh, đảm bảo hoặc xác minh rằng dữ liệu của người dùng châu Âu được bảo vệ. Trong quá trình điều tra kéo dài bốn năm bắt đầu từ tháng 9/2021, DPC phát hiện TikTok thiếu minh bạch với người dùng về việc dữ liệu của họ được gửi đi đâu. Đặc biệt, TikTok ban đầu khẳng định không lưu trữ dữ liệu người dùng EU trên máy chủ tại Trung Quốc, nhưng đến tháng 4/2025, công ty thừa nhận một lượng dữ liệu "hạn chế" đã được lưu trữ tại đây và sau đó bị xóa. 530 triệu euro là khoản tiền phạt lớn, lần thứ hai của EU đối với TikTok do vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU. Trước đó, vào năm 2023, công ty bị phạt 345 triệu euro vì vi phạm quyền riêng tư liên quan đến xử lý dữ liệu của trẻ em tại EU. TikTok phản đối mạnh mẽ quyết định này và tuyên bố sẽ kháng cáo.

Công ty cho biết, họ đã sử dụng các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn của EU để kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập từ xa và đầu tư 12 tỷ euro vào sáng kiến bảo mật dữ liệu Project Clover. Kể từ năm 2023, TikTok đã triển khai các biện pháp bảo mật như giám sát độc lập quyền truy cập từ xa và lưu trữ dữ liệu người dùng EU tại các trung tâm dữ liệu ở Ireland, Na Uy và Mỹ. TikTok nhấn mạnh rằng họ chưa từng nhận yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng EU từ chính quyền Trung Quốc và cũng chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu với họ. Với 175 triệu người dùng tại châu Âu và gần 2 tỷ người dùng toàn cầu, TikTok đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn tại EU và Mỹ về các vấn đề bảo mật dữ liệu.

Nhà máy Hyundai tại Mỹ thử nghiệm robot Boston Dynamics

Khi nói đến những biến chuyển trong ngành công nghệ, không thể không nhắc tới những tiến bộ vượt bậc trong chế tạo robot. Những robot hình người ngày càng thông minh hơn và khéo léo hơn. Vào cuối năm nay, robot hình người tân tiến Atlas của Boston Dynamics sẽ bắt đầu hoạt động thử nghiệm tại các cơ sở sản xuất của hãng Hyundai tại Mỹ. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tích hợp robot tiên tiến vào sản xuất ô tô.

Atlas chạy hoàn toàn bằng điện, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như phân loại linh kiện ô tô và xử lý các tải trọng nặng, sẽ được triển khai tại nhà máy Metaplant của Hyundai ở Georgia để thử nghiệm khả năng trong môi trường nhà máy thực tế.

Chúng tôi lên kế hoạch để đưa Atlas vào một cơ sở của Hyundai tại Mỹ vào cuối năm nay như một cách để thực sự chứng minh khả năng hiện tại của robot.

Ông Scott Kuindersma - Giám đốc nghiên cứu robot tại Boston Dynamics.

Ông Scott Kuindersma, Giám đốc nghiên cứu cấp cao về robot tại Boston Dynamics nhấn mạnh, robot có tiềm năng trong việc xử lý các nhiệm vụ quá sức với con người như lao động nặng nhọc, điều này có thể khiến nó “có giá trị hơn nhiều” cho các ứng dụng công nghiệp.

Atlas đã được ra mắt dưới dạng robot chạy bằng điện vào tháng 4/2024, thể hiện khả năng thể thao ưu tú, bao gồm chạy, bò, và nhào lộn, nhờ vào các động cơ được thiết kế tùy chỉnh. Việc triển khai robot diễn ra trong bối cảnh những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI có thể là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi” đối với trí thông minh vật lý trong robot.

“Chúng tôi có thể áp dụng một số khả năng suy luận thông minh của các mô hình ngôn ngữ lớn vào trí thông minh vật lý trên robot để thu hẹp khoảng cách đó”, ông Scott Kuindersma chia sẻ thêm.

Mặc dù Boston Dynamics đang thiết lập một tương lai nơi các robot hình người như Atlas hoạt động trong các ngôi nhà, ông Kuindersma cảnh báo rằng các ứng dụng như vậy vẫn là một chặng đường rất dài do các thách thức về an toàn và các vấn đề chung khác. Hiện tại, trọng tâm vẫn là các nhiệm vụ công nghiệp, như cách Hyundai muốn sử dụng Atlas để nâng cao hiệu quả trong các nhà máy của mình.

Công nghệ chế tạo robot vẫn còn những thách thức trong đó có vấn đề về hạn chế chuỗi cung ứng vật liệu như đất hiếm có thể ảnh hưởng đến việc lắp ráp pin cho robot. Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên tố đất hiếm vào đầu tháng 4 như một phần của phản ứng với các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm thu hẹp nguồn cung cấp các khoáng chất được sử dụng để sản xuất vũ khí, điện tử và nhiều loại hàng tiêu dùng cho phương Tây.

Khi Atlas bước vào sàn nhà máy, nó gia nhập làn sóng ngày càng tăng của các robot hình người trong sản xuất, với các đối thủ như Optimus của Tesla và Figure 02 của Figure AI cũng đang tham gia các thử nghiệm công nghiệp.

Những biến động gần đây trong ngành công nghệ cho thấy rõ áp lực không ngừng mà các "ông lớn" đang phải đối mặt trong hành trình đổi mới và thích nghi. Từ việc Microsoft chính thức khép lại một biểu tượng như Skype để tập trung cho tương lai với Microsoft Teams, đến các vấn đề pháp lý và bảo mật khiến TikTok phải nhận án phạt nặng, hay kế hoạch tái cấu trúc bị rút lại của OpenAI – tất cả đều phản ánh một giai đoạn chuyển mình đầy phức tạp và nhiều toan tính trong thế giới công nghệ hiện đại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Phong trào Hamas bất ngờ tuyên bố vào đêm 11/5 rằng sẽ sớm phóng thích Edan Alexander, con tin người Mỹ cuối cùng còn sống bị giam giữ ở Gaza.

Ngành công nghệ thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, cho thấy rõ áp lực không ngừng mà các "ông lớn" đang phải đối mặt trong hành trình đổi mới và thích nghi.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng “đích thân” gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5 tới, nhưng chỉ khi Moscow đồng ý ngừng bắn trước.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng, Đức Giáo hoàng Leo XIV đã lên tiếng kêu gọi các cường quốc thế giới cùng chung tay hướng tới hòa bình, chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra trên toàn cầu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận, Ankara sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, sau đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nối lại đối thoại tại Istanbul.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/5 tuyên bố, nước này sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Nga nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột, song nhấn mạnh điều kiện tiên quyết là một lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 30 ngày.