Vì sao ông Donald Trump thất bại vào năm 2020?
Năm 2016, sau một mùa bầu cử lạ thường, ứng cử viên với nhiều phát ngôn gây tranh cãi của đảng Cộng hòa Donald Trump đã gây chấn động toàn cầu với chiến thắng lịch sử trước ứng cử viên dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân chủ Hillary Clinton, để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Khi đó, ông Donald Trump, một tỷ phú trong ngành địa ốc, là ứng cử viên cao tuổi nhất trong lịch sử trúng cử Tổng thống Mỹ, cũng là trường hợp vô cùng hiếm hoi khi một doanh nhân trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Tuy nhiên, kỳ tích này đã không lặp lại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khi ông Trump thất bại trước ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden, trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên kể từ thời George H.W. Bush năm 1992 thất bại trong nỗ lực tái đắc cử.
Có thể có nhiều lời giải thích cho thất bại của ông Trump, nhưng có một số nguyên nhân đã trở nên rõ ràng.
1. Đại dịch COVID-19
Cuộc bầu cử năm 2020 không giống như cuộc bầu cử 2016. Ông Donald Trump tái tranh cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước Mỹ. Cách ứng phó của ông Donald Trump với COVID-19 - đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 240.000 người Mỹ và khiến kinh tế nước này rơi vào suy giảm - là một điểm trừ đối với Tổng thống.
Nhưng thật sai lầm khi nói rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump chắc chắn bị huỷ hoại bởi COVID-19, bởi trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng từng mang lại sự vĩ đại. Điều đó đúng với Franklin Delano Roosevelt, người đã giải cứu nước Mỹ khỏi cuộc Đại suy thoái. Phản ứng ban đầu của ông George W. Bush đối với vụ khủng bố 11/9 cũng giúp ông giành được nhiệm kỳ thứ hai. Vì vậy, hoàn toàn không có nghĩa là COVID-19 đã tước đi nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, mà chính việc xử lý không thành công cuộc khủng hoảng này là một trong những nguyên nhân khiến ông thất cử.
Cây bút David Axelrod của CNN, người từng là cựu cố vấn cấp cao dưới thời Tổng thống Barack Obama, trong bài bình luận có tiêu đề “Vì sao Donald Trump thua cuộc?” đã cho rằng, nếu ông Trump có cách ứng phó với đại dịch khác đi ngay từ giai đoạn đầu, thực hiện theo những hướng dẫn của giới khoa học và các chuyên gia y tế, nâng cao mức độ cảnh báo trên toàn quốc, có thái độ thận trọng và khiêm tốn hơn khi nói về đại dịch, thể hiện sự đồng cảm với những mất mát của người dân, thì có lẽ ông đã vượt qua được cơn khủng hoảng.
Thế nhưng ông Trump lại muốn đánh lạc hướng dư luận ra khỏi cuộc khủng hoảng và sử dụng nó làm cơ hội để chỉ trích Trung Quốc, gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, công kích đảng Dân chủ - những người ủng hộ “đóng cửa đất nước” và cho rằng điều đó không cần thiết. Tổng thống Trump thậm chí còn dẫn đầu cuộc chiến chống lại các chuyên gia y tế tại Nhà Trắng.
Theo cây bút David Axelrod, Tổng thống Trump không muốn các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 gây tổn hại đến nền kinh tế mà ông đã nỗ lực vực dậy. Hơn nữa, những biện pháp đó có nguy cơ khiến những người ủng hộ ông tức giận. Vì thế ngay sau khi miễn cưỡng chấp nhận một số biện pháp ngắn như đóng cửa một phần và giãn cách xã hội vào mùa xuân, ông nhanh chóng tuyên bố nhiệm vụ đã hoàn thành, đồng thời kêu gọi người dân mau trở lại công việc thường ngày.
Tổng thống Trump đã khiến việc đeo khẩu trang trở thành một cuộc tranh cãi giữa các đảng phái. Ông phản đối việc các thống đốc đảng Dân chủ áp đặt những biện pháp cứng rắn để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Dù kinh tế Mỹ phục hồi, nhưng cái giá phải trả của việc nới lỏng các hạn chế chống Covid-19 quá đắt. Tính đến ngày 8/11, đã có hơn 10 triệu người Mỹ mắc Covid-19 và hơn 243.000 người tử vong vì đại dịch này.
Theo Gallup, đại dịch là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ ủng hộ đối với ông Trump giảm xuống mức kỷ lục 38% trong mùa hè và điểm yếu này đã được đội ngũ tranh cử của ông Biden tận dụng khai thác triệt để.
2. Ông Trump đã phung phí lợi thế của mình về kinh tế
Việc cắt giảm thuế và cách tiếp cận phi quy định của ông Trump đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trong ba năm đầu nhiệm kỳ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục. Trong suốt cả năm, kinh tế là vấn đề mà nhiều cử tri ủng hộ ông Trump hơn ông Biden.
Nhưng ông Trump đã không sử dụng các công cụ trong tầm tay khi đất nước đột nhiên rơi vào suy thoái. Các dự luật cứu trợ khẩn cấp khác nhau mà Quốc hội thông qua vào tháng 3/2020 đã thành công trong việc duy trì một số doanh nghiệp và tăng thu nhập hộ gia đình, nhưng không có gì thay đổi kể từ đó đến ngày bầu cử.
Ngay cả khi nền kinh tế mạnh, đây vẫn là chiến thuật lâu đời của các chính trị gia để kích thích trước thềm bầu cử. Trong trường hợp này, mọi nhà kinh tế từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell trở xuống đều muốn có thêm các biện pháp kích thích tài chính nhưng ông Trump đôi khi thờ ơ đã không thúc đẩy các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện thực hiện điều đó.
3. Ông Trump thiếu một thông điệp mới
Trong lần đầu tranh cử, ông Donald Trump đã đưa ra các đề xuất táo bạo — xây dựng bức tường, cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào đất nước, và các thỏa thuận thương mại tốt hơn. Ông đã nói rõ với những người phản đối quyền phá thai và kiểm soát súng rằng ông sẽ là một nhà vô địch vĩ đại, chủ yếu thông qua các cuộc bổ nhiệm tư pháp. Ông cũng báo hiệu với những cử tri đang dao động rằng ông là người ôn hòa về một số vấn đề, cam kết ủng hộ an sinh xã hội và các quyền lợi khác và nói rằng ông sẽ ủng hộ quyền của người LGBTQ.
Ông Trump đã thực hiện tốt hơn nhiều nếu không muốn nói là tất cả những lời cam kết đó, nhưng trong cuộc bầu cử năm 2020, ông không đưa ra điều gì mới. Đảng Cộng hòa không xây dựng được nền tảng nào và ông Trump liên tục bỏ cuộc khi được hỏi ông muốn làm gì trong nhiệm kỳ thứ hai. Ông đã bỏ cuộc khi cho rằng ông là người có thể dọn dẹp mớ hỗn độn đã xảy ra dưới thời ông.
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” là một khẩu hiệu mạnh mẽ, nhưng “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại” ít được chú ý hơn vào thời điểm mà hầu hết người dân cả nước vẫn lo lắng về sức khỏe và nền kinh tế.
4. Ông Trump không mở rộng được sự ủng hộ
Một vấn đề chính trị đối với ông Trump là ông đã không mở rộng được sự ủng hộ của mình ra ngoài khối cử tri cốt lõi. Và ông cũng không cố gắng để làm như vậy.
Vào năm 2016, ông đã giành được 30 bang và thường điều hành như thể ông chỉ là Tổng thống của những người bảo thủ, nước Mỹ đỏ. Vị tổng thống Mỹ khác biệt nhất trong 100 năm qua hầu như không nỗ lực lôi kéo nước Mỹ xanh - 20 bang đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton năm 2016.
5. Thất bại vì là “người ngoài cuộc”
Cuộc bầu cử năm 2020 có thể coi là một cuộc trưng cầu dân ý đối với ông Trump. BBC đánh giá, ông Donald Trump đắc cử tổng thống vào năm 2016 một phần vì ông là một “người ngoài cuộc” theo những gì được coi là chính trị chuẩn mực, người sẵn sàng nói ra những gì trước đây chưa ai nói. Nhưng ông Donald Trump cũng mất chức tổng thống vào năm 2020 một phần vì ông là “người ngoài cuộc”.
Mặc dù phần lớn cử tri cốt lõi của ông Trump có thể đã bỏ phiếu cho ông, nhưng những người khác ủng hộ ông 4 năm trước đã chán ngán vì những hành động gay gắt của ông. Điều này đặc biệt đúng ở các vùng ngoại ô. Ông Joe Biden đã cải thiện thành tích của bà Hillary Clinton tại 373 quận ngoại ô, giúp ông giành lại các bang “vành đai rỉ sét” gồm Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, cũng như Georgia và Arizona, trong khi ông Donald Trump đặc biệt gặp vấn đề với phụ nữ ngoại ô.
Một lần nữa, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 lặp lại những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 - các cử tri Cộng hòa có trình độ học vấn cao hơn - trong đó nhiều người bầu cho ông Trump bốn năm trước - nghĩ rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy quá “phi tổng thống”.
Mặc dù họ hiểu ông Donald Trump sẽ là người khác thường, nhưng nhiều người nhận thấy cách ông bất chấp quá nhiều phong tục và chuẩn mực hành vi của chính trị gia khiến họ khó chịu. Họ không hài lòng với những tweet ác ý của ông Trump với người da màu, những bình luận coi thường của nhà lãnh đạo Mỹ với các đồng minh truyền thống, cũng như cách sử dụng ngôn ngữ đôi khi xúc phạm của ông.
Theo cây bút David Axelrod của CNN, thất bại của ông Trump không phải do dịch Covid-19 mà do những “khiếm khuyết cơ bản và quen thuộc trong tính cách cũng như năng lực lãnh đạo của ông”. Nói cách khác: “Chính Donald Trump đã đánh bại Donald Trump”.
“Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người Mỹ đã mệt mỏi với những hành động của ông Trump: những dòng Twitter dài vô tận, những cơn giận dữ và thuyết âm mưu, các cuộc chiến, những lời cáo buộc. Trong nhiệm kỳ của ông Trump, sự hỗn loạn vây quanh Nhà Trắng, sự thiếu đồng cảm khiến người ta lúng túng. Tổng thống Trump cũng đưa ra những tuyên bố thiếu tính thực tế và điều này khiến người ta phải kiểm chứng sự thật. Ông phá vỡ các quy tắc, chuẩn mực. Dưới thời ông, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng phát mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ, sự chia rẽ dân tộc, chia rẽ quốc gia lên một nấc thang mới”, nhà bình luận David Axelrod viết.
Ông Trump là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử có tỷ lệ ủng hộ dưới 50% trong những ngày đầu nhậm chức - tỷ lệ này là chỉ dấu đáng tin cậy nhất để quyết định cơ hội tái đắc cử của một tổng thống. Đến ngày bầu cử (3/11/2020), các cuộc thăm dò cho thấy, chỉ có 47% người dân Mỹ ủng hộ ông.
Về phía ông Biden, ông nói rằng, cuộc bầu cử là cơ hội để cử tri Mỹ đánh giá về cái mà ông gọi là sự chia rẽ và hỗn loạn trong 4 năm ông Trump lãnh đạo. Đảng Dân chủ dường như đã thành công khi hướng cuộc bầu cử thành một cuộc trưng cầu ý dân với ông Trump, mà không phải sự lựa chọn giữa hai ứng viên.
Thông điệp của ông Biden rất đơn giản “Tôi không phải ông Trump”. “Ông Biden đã đặt cược vào vận may chính trị của mình dựa trên quan điểm cho rằng Tổng thống Trump quá phân cực, dễ bị kích động trong khi điều mà người Mỹ cần là một lãnh đạo điềm tĩnh và ổn định hơn”, phóng viên Anthony Zurcher của BBC bình luận.
6. Joe Biden được ví như “liều thuốc giải”
Ứng cử viên Joe Biden ngay từ đầu đã xây dựng hình ảnh như là “liều thuốc giải” cho đường lối chính trị cứng rắn của ông Trump, trở thành một người hàn gắn nước Mỹ chứ không phải thổi bùng lên sự chia rẽ. Cuối cùng, ông đã giành được nhiều phiếu bầu hơn bất cứ ứng viên tổng thống nào trong lịch sử. Ông Biden đã tập hợp một liên minh rộng rãi các thành phần ủng hộ, trong đó có phụ nữ, nhóm người thiểu số và thanh niên, “nhuộm xanh” những vùng ngoại ô vốn là “pháo đài” của đảng Cộng hòa.
Joe Biden, một nhân vật ôn hòa cũng giành được phiếu bầu từ các cử tri nam giới, người cao tuổi, tầng lớp lao động và các cử tri da trắng nhiều hơn bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016.
Đây là điều rất khó tưởng tượng ở giai đoạn cuối năm 2019 - đầu năm 2020, khi ông Trump gần như chắc chắn nắm trong tay cơ hội tái đắc cử. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ là một thuận lợi lớn cho ông Trump để tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. Chưa hết, ông đã vượt qua được những thách thức, trong đó có nỗ lực luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện. Ông tự tin nắm trong tay đề cử ứng viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ thời điểm đó vẫn đang lựa chọn ứng viên thích hợp nhất của đảng này.
Tuy nhiên, sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng. Bất lợi của ông Trump khi đó lại trở thành lợi thế cho chiến dịch của ông Biden. Vài tháng trước bầu cử, chiến dịch tranh cử của ông Biden cũng như truyền thông Mỹ ra sức xoáy vào công kích cách ứng phó đại dịch của chính quyền Tổng thống Trump. Nếu như ông Trump liên tục khẳng định đại dịch sẽ “tự biến mất”, thì ông Biden đã đưa ra những đề xuất cụ thể dựa trên căn cứ khoa học để ứng phó với đại dịch, bao gồm quy định yêu cầu đeo khẩu trang toàn quốc, tăng cường xét nghiệm và đưa ra các đề xuất chương trình chăm sóc y tế, phục hồi kinh tế.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, nước Mỹ còn gánh thêm cuộc khủng hoảng sắc tộc sau vụ một sĩ quan cảnh sát tại Minneapolis ghì chết công dân da màu George Floyd. Biểu tình, bạo loạn đã bùng phát trên khắp các thành phố của đất nước. Thay vì xoa dịu những người biểu tình, ông Trump tự khắc họa bản thân là tổng thống của “trật tự và luật pháp”, cảnh báo sẽ triển khai quân đội đến các bang để dập tắt những cuộc biểu tình bạo lực. Trái lại, ông Biden đã truyền tải thông điệp đoàn kết và hòa giải, đi thăm và chia sẻ với những con người yếu thế.
Kinh nghiệm chính trị gần nửa thế kỷ cùng những trải nghiệm thăng trầm trong cuộc đời ông đã giúp ông Joe Biden có thêm sức mạnh và sự ủng hộ của người dân. Sau hai lần tranh cử tổng thống thất bại, cuối cùng ông Biden đã chinh phục được đỉnh vinh quang.
Còn ông Donald Trump sau một nhiệm kỳ với nhiều tranh cãi đã dừng bước. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí tranh cãi, nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, vẫn đã ghi tên mình vào lịch sử./.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.
Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.
Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
0