Tiếp xúc cử tri kết hợp linh hoạt trực tiếp, trực tuyến

Hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp là bước đi tất yếu trong xu thế chuyển đổi số.

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Một trong những nội dung nổi bật nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất bổ sung hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến và kết hợp giữa trực tuyến – trực tiếp.

Đồng tình cao với đề xuất, nhiều đại biểu cho rằng, đây là bước đi tất yếu trong xu thế chuyển đổi số, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và mở rộng khả năng tiếp cận cử tri. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cảnh báo phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kỹ thuật, an ninh mạng, xác thực và lưu trữ thông tin để bảo đảm tính minh bạch, công bằng của hoạt động vận động bầu cử.

Mở rộng tiếp xúc cử tri thông qua chuyển đổi số

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá cao đề xuất này trong dự thảo luật. Theo ông, việc mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, quá trình chuyển đổi số toàn diện trong bộ máy hành chính và hoạt động chính trị.

“Tiếp xúc trực tuyến và kết hợp trực tiếp – trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận, đặc biệt với các nhóm cử tri ở xa, người lao động, người cao tuổi, người khuyết tật…”, ông Nguyễn Tâm Hùng nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng lưu ý, để việc tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến phát huy hiệu quả, cần có quy định rõ ràng và đồng bộ về điều kiện kỹ thuật, đường truyền, bảo mật thông tin, xác thực người tham gia và lưu trữ nội dung. “Nếu không có cơ chế kiểm soát tốt, có thể dẫn đến việc lợi dụng mạng để phát tán thông tin sai lệch, không đúng bản chất buổi tiếp xúc”, ông Hùng nói thêm.

Thực tế trong một số cuộc bầu cử gần đây, việc tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp gặp khó khăn do thời tiết, thiên tai hoặc dịch bệnh. Tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương buộc phải sáng tạo các phương thức tiếp xúc cử tri thông qua các nền tảng trực tuyến.

Tuy chưa được quy định trong luật, nhưng những cách làm này đã cho thấy tính hiệu quả, nhất là về phạm vi tiếp cận và tiết kiệm nguồn lực. Vì vậy, việc thể chế hóa hình thức tiếp xúc trực tuyến, kết hợp trực tuyến – trực tiếp vào luật là bước đi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng phải lường trước những thách thức đi kèm, đặc biệt là yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng công nghệ, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh nội dung đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri, phiên thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất rút ngắn thời gian tổ chức bầu cử. Cụ thể, dự thảo đề xuất rút ngắn thời gian từ hạn cuối nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử từ 70 ngày xuống còn 42 ngày.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, việc rút ngắn là cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại việc rút ngắn quá nhanh có thể tạo áp lực lớn, đặc biệt là giai đoạn từ hội nghị hiệp thương lần hai đến lần ba – đang được đề xuất giảm từ 30 ngày còn 17 ngày.

“Giai đoạn này có rất nhiều công việc quan trọng như lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, sàng lọc ứng viên, tổ chức hiệp thương… Nếu quá gấp gáp, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và tính dân chủ", ông nhấn mạnh.

Từ góc nhìn địa phương miền núi, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) chia sẻ, không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà cần đánh giá thực tiễn từng vùng. “Thủ tục hành chính có thể rút ngắn, nhưng các bước liên quan đến dân chủ, quyền bầu cử cần được giữ ở mức hợp lý", ông đề xuất.

Một nội dung khác cũng được đề cập là việc người ứng cử sử dụng mạng xã hội để vận động. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho biết, trong các kỳ bầu cử gần đây, nhiều ứng viên đã sử dụng mạng xã hội để giới thiệu chương trình hành động, kêu gọi sự ủng hộ của cử tri.

Tuy nhiên, điều này chưa được quy định rõ trong luật, dẫn đến thực trạng vận động “nửa chính thống – nửa phi chính thống”. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề xuất, có thể đưa việc sử dụng mạng xã hội để vận động cử tri thành một hình thức chính thức trong Điều 67. Hoặc nếu chưa thể kiểm soát tốt, thì cần quy định đây là hành vi bị cấm tại Điều 68 để bảo đảm công bằng và an toàn thông tin.

Bảo đảm tiến độ, vẫn giữ vững chất lượng và dân chủ

Giải trình trước Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội – khẳng định việc rút ngắn thời gian là định hướng có cơ sở, đáp ứng yêu cầu chính trị trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu là rút ngắn khoảng cách từ sau Đại hội Đảng toàn quốc đến khi kiện toàn bộ máy nhà nước tại Quốc hội và HĐND các cấp.

“Dù có rút ngắn thời gian, các khung thời gian quan trọng khác như ngày bầu cử, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội vẫn giữ nguyên. Các bước trong quy trình sẽ được cân đối kỹ lưỡng và Hội đồng bầu cử quốc gia có thẩm quyền điều chỉnh linh hoạt tùy theo thực tiễn", bà Nguyễn Thanh Hải thông tin.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội giải trình.

Liên quan đến việc nộp hồ sơ ứng cử, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ được đề xuất là ngày 2/2/2026 – sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tuy nhiên, người ứng cử có thể nộp hồ sơ sớm hơn, không nhất thiết chờ đến hạn cuối. Điều này nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời kết quả của Đại hội, nhất là những nhân sự cấp cao hoặc thay đổi về cơ cấu Đảng, địa phương.

“Việc điều chỉnh thời gian là cần thiết, nhưng không phải để làm nhanh cho xong, mà phải đồng thời đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, dân chủ và đúng quy trình. Đó là yêu cầu xuyên suốt khi xây dựng dự thảo lần này", bà Hải nhấn mạnh.

Trả lời trực tiếp ý kiến của Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy liên quan đến vận động qua mạng xã hội, bà Nguyễn Thanh Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để xem xét đưa vào luật hoặc ban hành hướng dẫn cụ thể. “Hiện tại, luật chỉ quy định tiếp xúc cử tri dưới hai hình thức: hội nghị tiếp xúc cử tri và hội nghị do Mặt trận Tổ quốc tổ chức. Việc vận động trên mạng xã hội chưa có cơ sở pháp lý", bà nói.

Dự thảo luật vẫn đang tiếp tục được rà soát, chỉnh lý, để khi thông qua sẽ đảm bảo vừa rút ngắn được thời gian như yêu cầu, vừa giữ vững nguyên tắc dân chủ, đúng pháp luật và thực chất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

1.500 kg chân gà không rõ nguồn gốc vừa bị phát hiện và thu giữ trong quá trình vận chuyển qua tỉnh Lạng Sơn.

Nhiều khu vực tại Hà Nội có mưa, mưa rào, dông trong chiều ngày 21/5, khả năng xuất hiện ngập úng ở nhiều tuyến phố.

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” đã diễn ra vào sáng 21/5, tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động với các tổ chức chính trị - xã hội và thành viên trực thuộc.

Đối tượng Lê Minh Luân (sinh năm 1987, ngụ tại tỉnh Long An) bị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên phạt mức án 20 năm tù về tội "Tham ô tài sản".

Đối tượng này liều lĩnh xông vào cướp ngân hàng giữa trưa 21/5, sau đó bị khống chế nhanh chóng cùng tang vật.