Tiếng nói Hà Nội trong 12 ngày đêm 1972

“Đồng bào chú ý! Giặc Mỹ đang thua to. Chúng âm mưu đánh phá điên cuồng vào Hà Nội. Hội đồng Phòng không Nhân dân thành phố ra lệnh, khi có còi báo động, mọi người phải xuống hầm trú ẩn…”. Sau hồi còi báo động và mệnh lệnh chiến đấu dõng dạc là những tiếng nhắc nhở bình tĩnh và rắn rỏi của phát thanh viên Đài Hà Nội động viên tinh thần nhân dân Thủ đô.

Tiếng nói được truyền đi qua hệ thống loa phát thanh khắp thành phố trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Trong ký ức của nhà báo Bùi Dư, phóng viên phát thanh của Đài Hà Nội hồi đó, từ giữa tháng 12/1972, giặc Mỹ dùng B52 đánh phá ác liệt Hà Nội. Hội đồng Phòng không Nhân dân thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô báo động chiến đấu toàn thành phố. Chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, các mặt công tác kỹ thuật và biên tập của Đài được chuẩn bị chu đáo với những phương án chính và phương án dự phòng. Trước đó, hai cán bộ biên tập là Đặng Văn Thú và Đỗ Gia Bính đã được cử xuống Đài truyền thanh Hải Phòng khảo sát, học tập kinh nghiệm về tuyên truyền chiến đấu của Đài bạn.

Hơn 190 loa phát thanh lớn được đặt khắp nội thành, ngoại thành và tại các nhà ga, bến phà, các chợ, các ngã ba và những khu đông dân cư. Đài cũng tổ chức đội xung kích bảo vệ loa gồm 66 người, tăng cường lực lượng và trang bị cho các đội cứu sập, cứu hỏa, cứu thương. Hàng vạn mét dây loa cùng vật tư dự trữ được chuyển ra cho các trạm ngoại thành.

Chiều 18/12/1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đồng ý để nhóm phóng viên, phát thanh viên Đài Hà Nội thường trú ở hầm chỉ huy. 19 giờ 40 phút, được lệnh của Hội đồng Phòng không Nhân dân thành phố, từ hầm chỉ huy, Đài truyền lên mạng lưới truyền thanh toàn thành phố băng ghi âm tiếng còi báo động và hướng dẫn phòng không nhân dân:

“Đồng bào chú ý! Giặc Mỹ đang thua to. Chúng âm mưu đánh phá điên cuồng vào Hà Nội. Hội đồng Phòng không Nhân dân thành phố ra lệnh, khi có còi báo động, mọi người phải xuống hầm trú ẩn, không ai được đi lại, đứng ngồi trên mặt đất”.

Giọng nữ phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn vang lên mỗi khi B52 của địch mò đến và rút lui khỏi bầu trời Thủ đô.

“Đó là những ngày không thể nào quên. Hà Nội đau thương và anh hùng. Dưới hầm chỉ huy, nhiệm vụ của tôi và các phát thanh viên là sẵn sàng nhận lệnh của trưởng ban tác chiến. Ông hạ lệnh thì nói. Thông tin được truyền đi qua hệ thống truyền thanh tới tất cả các loa ở thành phố”, nhà báo Bùi Dư nhớ lại.

Ngày 19/12, bài ghi nhanh thu thanh về các trận chiến đấu đánh trả máy bay địch hôm 18/12 được phát kịp thời, cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào, chiến sĩ Thủ đô.

Phóng viên Bùi Dư (trái) và phóng viên Đặng Văn Thú (phải) tác nghiệp trong những ngày máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội.

Liên tiếp những ngày sau, nhóm phóng viên thời sự - văn xã của Đài đã viết bài tố cáo tội ác của giặc Mỹ đánh vào khu dân cư, vào bệnh viện, trường học... Khi còi báo yên vừa kết thúc, các công nhân kỹ thuật truyền thanh lại lao ngay vào sửa chữa đường dây và mắc loa cho Bệnh viện Bạch Mai, các khu dân cư trong thành phố. Vì thế, các khu vực quan trọng vẫn duy trì được thông tin ngay cả khi máy bay địch bắn phá ác liệt nhất.

Không ai có thể quên được hình ảnh của anh Đức phụ trách đường dây loa từ Đài Hà Nội qua cầu Long Biên và sang đến bên kia Gia Lâm. Đường dây bị đứt, anh Đức đã dùng tay để nối lại, đảm bảo âm thanh được giữ. Đây là hình ảnh vô cùng đẹp, vì chỉ có một mình anh Đức nối dây phát thanh bằng cả sinh mệnh của mình.

Ông Nguyễn Hy Trung - nguyên cán bộ của Đài Truyền thanh Hà Nội xúc động kể lại.

Đêm 26/12, ngay sau khi máy bay Mỹ ném bom tàn phá khu Khâm Thiên, nhóm phóng viên và công nhân kỹ thuật truyền thanh đã có mặt tại hiện trường. Đó là một đêm Hà Nội không ngủ. Từ các khu vực bị địch đánh phá trở về, các phóng viên đã khẩn trương viết tin bài, biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các lực lượng.

1 giờ sáng ngày 27/12, Đài mở chương trình phát thanh đặc biệt giữa đêm khuya, trong đó có bài bình luận “Khâm Thiên chiến đấu và căm thù”, để phản ánh tình hình Khâm Thiên bị tàn phá, dân thường bị giết hại, và củng cố niềm tin chiến thắng cho đông đảo nhân dân.

Với người dân Thủ đô, tiếng loa phát thanh đã trở thành thân thiết. Nó không chỉ xua tan sự lạnh lẽo, chết chóc do kẻ thù gây ra, mà còn làm ấm lòng người ở những nơi bom đạn hủy diệt. Vì thế, người Hà Nội bình tĩnh, không hề nao núng, run sợ trước bom đạn kẻ thù.

Trong mưa bom bão đạn, các cán bộ Đài Hà Nội ngày đêm bám địa bàn, bám máy, ăn ngủ thâu đêm với máy. Họ là những chiến sĩ thực thụ chiến đấu trên mặt trận thông tin liên lạc. Những ngày ấy, Đài đã góp phần xứng đáng vào chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Hà Nội. Một hãng thông tấn phương Tây đã đưa tin: “Hà Nội có hệ thống báo động phòng không rất hoàn hảo”.

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Hy Trung, Nhà báo Bùi Dư, Nhà báo Đỗ Gia Bính.

Trong 8 năm không quân Mỹ đánh phá miền Bắc và Hà Nội, tiếng loa phát thanh đã ăn vào máu thịt người Hà Nội. Mọi thông tin từ thương nghiệp, mua bán, tem phiếu, báo động, báo an... tới các bản tin cập nhật tố cáo tội ác tội ác đã trở thành một phần ký ức lịch sử không thể nào quên.

“Lúc chúng ta không có Internet, không có điện thoại di động, chúng ta có hai tay để viết, đôi chân để chạy. Dù là ban đêm hay giữa ban ngày, sau trận chiến đó, trước mắt mình là độc lập tự do. Đấy là động lực quan trọng nhất để mà tất cả chúng tôi không kể hy sinh gian khổ”, ông Đỗ Gia Bính, một trong những phóng viên phát thanh Đài Hà Nội năm ấy, nói.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.

Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.