Thương nhớ hương vị tào phớ xưa
Những lát tào phớ mỏng manh, trắng ngần được chan với nước đường thơm ngát hương hoa bưởi hoặc hoa nhài tùy theo mùa. Hương thơm ấy quyện hòa cùng không khí trong lành của buổi sớm đầu đông như tiếp thêm năng lượng cho thực khách để bắt đầu một ngày mới.
Trong khi đó, nhiều người khác lại đặc biệt thích thưởng thức tào phớ truyền thống vào buổi chiều. Vẫn là vị ngọt thanh thanh, vẫn là hương thơm dịu mát, nhưng món ăn "cũ" ấy lại như xua tan những nhọc nhằn sau một ngày làm việc, đặc biệt, xua tan cái nóng oi bức của ngày hè.
Và nếu ai đó nói ăn tào phớ vào buổi tối "chẳng có gì vui" thì đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Với nhiều người, thưởng thức tào phớ trong ánh đèn vàng lung linh rất đỗi thi vị, một trải nghiệm không nên bỏ qua với những ai yêu mảnh đất kinh kỳ.
Bây giờ ta ít được nghe tiếng rao văng vẳng, ít được thấy gánh hàng của bác bán tào phớ - những âm thanh, những hình ảnh trong kí ức tuổi thơ của người con Hà Nội thuở trước. Nhiều người ở lứa tuổi trung niên chắc còn nhớ ngày bé cứ tầm 2h30 chiều, tiếng rao "Ai tào phớ" lại vang lên đánh thức lũ trẻ con sau giấc ngủ trưa. Đứa bát, đứa thìa, vây quanh bác tào phớ ở sân khu tập thể, ánh mắt trong veo, háo hức chờ tới lượt. Lũ trẻ đứa nào cũng bị đôi tay bác cuốn hút, đôi tay thoăn thoắt hớt từng lớp tào phớ mỏng tang mà không hề bị vỡ. Trong ánh nắng chiều, bát nước đường của bác càng trong veo, lấp lánh đẹp khó tả.
Thực ra, tào phớ không phải món riêng có của Hà Nội, nhưng Hà Nội lại tạo cho món ăn dân dã này những nét riêng có bởi chính sự tinh tế trong cốt cách của người Hà Thành bởi chính đặc trưng văn hóa nơi đây. Tào phớ của người Hà Nội là sự kết hợp của phần cái được làm từ đậu tương và phần nước làm từ đường hoa mai, chứ không có gừng, không có nước cốt dừa như người miền Trung, miền Nam.
Phần cái - tào phớ - có màu trắng ngà, sánh mịn, thơm ngậy mùi của đậu tương và lá nếp do được nấu từ những hạt đậu tương ngon, đãi sạch vỏ, ngâm qua đêm. Điều đặc biệt của phần nước ở chỗ, nước được chưng từ đường hoa mai chưa tinh luyện. Đường hoa mai đun lên cho sôi rồi để nguội, ăn đến đâu lấy đến đó chứ không pha bằng cách dùng thìa khuấy. Chính vì thế, khi thưởng thức ta vẫn còn cảm nhận được dư vị thơm ngon của mật mía.
Một điều quan trọng nữa để tạo nên hương vị không thể nào quên của tào phớ, đó chính là hoa nhài. Người bán thường ủ hoa nhài với nước đường, ủ càng lâu thì nước càng thơm và đến khi mở ra, thực khách được đắm mình trong mùi hương thanh mát và màu trắng tinh khiết của những cánh hoa mỏng manh.
Quả thật, món ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng để có một bát tào phớ say lòng thực khách thì cũng đòi hỏi sự cầu kỳ và cả khéo léo của người bán. Tào phớ đựng trong thùng và luôn được giữ nóng, khách ăn đến đâu hớt ra đến đó. Đặc biệt, để lấy tào phớ, không bao giờ người ta dùng thìa để xúc ra mà phải gạt từng lớp mỏng bằng vỏ trai hoặc tấm tôn mảnh, to bản.
Thông thường, người bán tào phớ hay sử dụng vỏ trai hơn, và vỏ trai khi được lựa chọn để gạt tào phớ phải đảm bảo không phồng quá, không bé quá, cũng không được cong quá. Thường thì mảnh trai ấy có kích thước tương đương bàn tay nhỏ, bằng phẳng và có thể cầm nắm ngay chính ở phần khum của vỏ trai. Phần rìa của mảnh trai cũng phải được mài cho thật sắc để gạt đến đâu, tào phớ được hớt mịn màng đến đó. Dưới bàn tay điệu nghệ của người bán, từng lát phớ mỏng mịn, trắng ngần lần lượt theo mảnh vỏ trai trôi vào bát.
Hiện nay, nhiều quán hàng tào phớ cải biến vỏ lon bia, lon nước ngọt thành dụng cụ hớt tào phớ, tuy nhiên, lớp tào phớ không thể nào mỏng mịn như chiếc vỏ trai kia. Không những thế, nhiều hàng tào phớ bây giờ cũng xuất hiện với hàng loạt sự thay đổi như thay nước đường bằng nước đậu, rồi thêm vào tào phớ đủ loại "nhân" phụ, nào là thạch, nào là trân châu, nào là hoa quả, hạt sen, dừa sợi... thậm chí có cả si-rô đủ vị thêm vào.
Nhưng sau tất cả, để tận hưởng trọn vẹn hương vị Hà Nội thì thực khách chỉ có thể tìm được ở tào phớ xưa, món ăn mát lịm ngày hè, ấm áp ngày đông và càng đúng chất hơn khi được ngồi ăn trên một vỉa hè góc phố, bên gánh hàng lỉnh kỉnh đủ loại đồ nghề của bác "Phớ".
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
0