Thủ tướng Israel 'bắn' tín hiệu sắp đưa người Palestine rời Gaza

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông đang thực hiện đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc di dời người Palestine ra khỏi Dải Gaza. Ông Netanyahu gọi đây là "kế hoạch khả thi duy nhất để tạo ra một tương lai khác" cho khu vực này.

Israel, Mỹ có “chiến lược chung” cho Gaza

Thủ tướng Israel cho biết đã thảo luận về kế hoạch này với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, nhân chuyến thăm Trung Đông của ông Rubio để thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với các mục tiêu chiến tranh của Israel tại Gaza. Điều này càng làm tăng thêm nghi ngờ về lệnh ngừng bắn mong manh khi các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn vẫn chưa bắt đầu.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái). (Ảnh: Reuters).

Trong các điểm dừng chân sắp tới tại Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ngoại trưởng Mỹ Rubio có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều sự phản đối hơn từ các nhà lãnh đạo Ả rập về đề xuất của Tổng thống Trump, bao gồm cả việc tái phát triển Gaza dưới quyền sở hữu của Mỹ. Thủ tướng Israel Netanyahu đã nói rằng, mọi cuộc di cư khỏi Gaza phải là "tự nguyện", nhưng các nhóm nhân quyền và những người phản đối cho rằng, kế hoạch này chẳng khác gì sự ép buộc do vùng lãnh thổ này bị tàn phá nghiêm trọng.

Ông Netanyahu cho biết, ông và Tổng thống Trump có một chiến lược chung cho Gaza. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Israel cũng nói rằng, "cánh cổng địa ngục sẽ mở" nếu Hamas không thả hàng chục con tin còn lại bị bắt cóc trong cuộc tấn công của lực lượng này vào miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023.

Giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn dự kiến sẽ kết thúc sau hai tuần nữa. Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tối 16/2 đã chỉ thị phái đoàn đàm phán nước này tới Cairo, Ai Cập để thảo luận về việc tiếp tục triển khai thỏa thuận ngừng bắn đang có hiệu lực tại Dải Gaza. Các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai nhằm mục tiêu yêu cầu Hamas thả hàng chục con tin còn lại để đổi lấy thêm tù nhân Palestine, một lệnh ngừng bắn lâu dài và quân đội Israel rút lui khỏi dải Gaza.

Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Steve Witkoff khẳng định rằng, "giai đoạn hai chắc chắn sẽ bắt đầu" và ông đã có các cuộc gọi "rất hiệu quả" với Thủ tướng Israel, cũng như các quan chức từ Ai Cập và Qatar, những người đóng vai trò trung gian về việc tiếp tục các cuộc đàm phán trong tuần này. Ông cũng cho biết, những con tin sẽ được thả bao gồm 19 binh sĩ Israel được tin là vẫn còn sống.

Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cũng cho biết, Nội các an ninh của Israel sẽ họp vào ngày 17/2 để thảo luận và ra chỉ thị về việc đàm phán giai đoạn thứ hai.

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Israel cho biết, họ đã nhận được một lô bom hạng nặng MK-84 từ Mỹ. MK-84 là loại bom không điều khiển, nặng khoảng 900kg, có khả năng xuyên thủng bê tông và kim loại dày, với bán kính nổ rộng và sức công phá lớn. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm dừng một lô hàng bom như vậy vào năm ngoái vì lo ngại về thương vong của dân thường ở Gaza.

Tiếp tục chiến tranh có thể khiến các con tin phải chịu số phận bi thảm

Tuần này đánh dấu 500 ngày cuộc chiến ở Gaza bùng nổ. Thủ tướng Israel Netanyahu đã ra hiệu sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến sau giai đoạn ngừng bắn hiện tại, mặc dù đó có thể là bản án tử hình đối với những con tin còn lại.

Hàng nghìn người Israel tập trung ở thủ đô Tel Aviv kêu gọi thả toàn bộ con tin. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, hòa bình sẽ không thể đến chừng nào Hamas "vẫn là một lực lượng có thể cai trị hoặc là một lực lượng có thể quản lý hoặc là một lực lượng có thể đe dọa bằng bạo lực". Ông Rubio đồng thời nhấn mạnh: "Hamas phải bị xóa bỏ".

Mặc dù phải chịu tổn thất nặng nề, nhưng Hamas đã khẳng định lại quyền kiểm soát Gaza khi lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày 19/1.

Ông Netanyahu đã đề xuất với Hamas một cơ hội đầu hàng và đưa các nhà lãnh đạo cấp cao của tổ chức đi lưu vong. Tuy nhiên, Hamas đã bác bỏ kịch bản đó. Người phát ngôn Hamas Abdul Latif al-Qanou tuyên bố rằng, nhóm này chấp nhận một chính phủ đoàn kết của người Palestine hoặc một ủy ban kỹ trị để điều hành Gaza.

"Nếu ai đó có kế hoạch tốt hơn... thì thật tuyệt"

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho rằng, đề xuất của Tổng thống Trump về Gaza là một phần trong kế hoạch nhằm gây sức ép buộc các quốc gia Ả rập phải đưa ra kế hoạch hậu chiến của riêng họ mà Israel có thể chấp nhận được. Ông Rubio dường như cũng đề xuất rằng, các quốc gia Ả rập nên gửi quân tới Gaza để chống lại Hamas. Theo ông Rubio: “Nếu các quốc gia Ả rập có kế hoạch tốt hơn, thì điều đó thật tuyệt”. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng: "Ai đó phải đối đầu với Hamas. Sẽ không phải là lính Mỹ. Và nếu các quốc gia trong khu vực không thể tìm ra cách giải quyết, thì Israel sẽ phải làm điều đó".

Người Ả rập có ít lựa chọn

Đối với các nhà lãnh đạo Ả rập, việc tạo điều kiện trục xuất hàng loạt người Palestine khỏi Gaza hoặc trở thành một lực lượng ủy nhiệm của Israel để chiến đấu với lực lượng Hamas là những viễn cảnh ác mộng, chắc chắn sẽ gây ra sự chỉ trích dữ dội trong nước và có khả năng làm mất ổn định ở một khu vực vốn đã bất ổn.

Ai Cập sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Ả rập vào ngày 27/2 và đang làm việc với các quốc gia khác về một đề xuất cho phép tái thiết Gaza mà không phải di dời người Palestine. Ai Cập đã cảnh báo rằng, bất kỳ dòng người Palestine nào ồ ạt di chuyển từ Gaza sẽ làm suy yếu hiệp ước hòa bình đã ký kết gần nửa thế kỷ giữa nước này với Israel, vốn là nền tảng cho ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ không đến thăm Ai Cập hoặc Jordan, những đồng minh thân cận của Mỹ đã từ chối tiếp nhận bất kỳ dòng người tị nạn Palestine nào. Tổng thống Trump đã ám chỉ rằng ông có thể cắt giảm viện trợ của Washington nếu các nước trên không tuân thủ. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế của các nước trên có thể gánh chịu hậu quả tàn khốc. Ông Rubio cũng bỏ qua Qatar.

Các quốc gia Ả rập và Hồi giáo đã đặt điều kiện cho bất kỳ sự hỗ trợ nào cho Gaza sau chiến tranh là phải trả lại quyền quản lý của người Palestine, trên cơ sở hướng tới mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967, với Đông Jerusalem là thủ đô. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Những biện pháp này không chỉ châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống thương mại tự do mà Mỹ từng dẫn dắt.

Các cơ quan liên quan của Myanmar đã có buổi làm việc với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar về kết quả tìm kiếm cứu nạn và giai đoạn tiếp theo trong chiều tối muộn ngày 3/4, tại Thủ đô Naypyidaw.

Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.

Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.

Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.

Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.