Nước Mỹ bước vào nhiệm kỳ 2 của ông Donald Trump
Lễ nhậm chức đặc biệt
Khoảng 12h đêm 20/1 (theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ lần thứ hai, trở thành vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông sau thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 2020.
Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức sẽ diễn ra tại Đồi Capitol, trước sự chứng kiến của đông đảo các nhà lãnh đạo nước ngoài, quan chức chính phủ và người dân Mỹ. Đây là dịp đặc biệt không chỉ đối với cá nhân ông Trump mà còn đối với toàn bộ nền chính trị Mỹ, khi ông sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước theo những chính sách đặc trưng của mình, từ “Nước Mỹ trước tiên” cho đến “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Lễ nhậm chức không chỉ là một nghi thức trang trọng mà còn là cơ hội để ông Trump khẳng định lại tầm ảnh hưởng và dấu ấn chính trị của mình trong nhiệm kỳ mới.
Lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra vào giữa trưa ngày 20/1 (theo giờ miền Đông nước Mỹ), tức khoảng 12h đêm 20/1 (theo giờ Việt Nam). Dự kiến, Chánh án Tòa án tối cao John Roberts là người làm lễ tuyên thệ cho tổng thống mới.
Ông Donald Trump sẽ giơ tay phải lên và đặt tay trái lên cuốn Kinh thánh, đọc lời tuyên thệ nhậm chức gồm 35 từ: “Tôi long trọng thề rằng tôi sẽ trung thành thực hiện nhiệm vụ tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo vệ, duy trì và giữ gìn hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”. Sau lễ tuyên thệ, ông Trump sẽ có bài phát biểu vạch ra những kế hoạch cho nhiệm kỳ sắp tới.
Năm nay, buổi lễ sẽ diễn ra trong Điện Capitol, thay vì Bãi cỏ phía Tây của tòa nhà, do điều kiện thời tiết giá rét. Đây là lần đầu tiên trong vòng 40 năm sự kiện này được tổ chức trong nhà kể từ lễ nhậm chức của cố Tổng thống Ronald Reagan năm 1985.
Buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump sẽ có sự tham gia của nhiều cựu tổng thống và phu nhân, cũng như đông đảo các tỷ phú và giám đốc điều hành công nghệ. Đặc biệt, ông Trump đã mời các lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính, thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Argentina Javier Milei. Điều này đi ngược lại truyền thống khi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ thường không mời nguyên thủ nước ngoài, phản ánh mối quan hệ ngoại giao rộng mở của ông Trump.
Về quy mô đám đông, cảnh sát Mỹ dự kiến có khoảng 250.000 khách mời có vé tham dự sự kiện, trong khi khoảng 250.000 người khác sẽ theo dõi lễ nhậm chức qua màn hình tại Công viên National Mall. Lễ diễu hành được tổ chức tại sân vận động Capital One Arena, nơi ông Trump dự định gặp người ủng hộ sau lễ tuyên thệ.
Tôi đến đây để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Donald Trump. Nếu được cho phép, chúng tôi rất vui mừng tham dự lễ nhậm chức.
Bà Karen Valentine, người dân Mỹ.
Để chuẩn bị cho lễ nhậm chức lần này, hàng chục nghìn nhân viên an ninh và cảnh sát đã được huy động, biến Washington thành một “pháo đài” bảo vệ sự kiện. Theo các nhà phân tích, môi trường chính trị hiện tại khiến ông Trump đối mặt với nhiều nguy cơ hơn so với các nhiệm kỳ trước, nhất là sau các vụ tấn công tại Đồi Capitol và các vụ ám sát bất thành thời gian gần đấy. Các cơ quan an ninh Mỹ cảnh báo lễ nhậm chức có thể trở thành “mục tiêu tiềm năng” cho những kẻ cực đoan bất bình với kết quả bầu cử.
Những đối tượng này có thể gây rối, tấn công khủng bố, phá hoại hoặc thậm chí là ám sát. Lực lượng thực thi pháp luật đã triển khai khoảng 25.000 nhân viên và binh sĩ để bảo vệ lễ nhậm chức, với các biện pháp đặc biệt như rào chắn kiên cố và một phi đội máy bay không người lái.
Cảnh sát Đồi Capitol cũng lên phương án bản vệ từ cách đây nhiều tháng, phối hợp với các cơ quan an ninh khác như cấm người tham dự mang máy tính xách tay, chai nước, gậy chụp ảnh và biểu ngữ vào khu vực diễn ra buổi lễ. Chính phủ Mỹ cũng áp đặt lệnh cấm bay tạm thời trên bầu trời Washington trong ngày 20/1.
Để đảm bảo giao thông và an ninh vòng ngoài, khoảng 7.800 vệ binh quốc gia từ hơn 40 tiểu bang và vùng lãnh thổ đã được huy động để bảo vệ khu vực xung quanh Điện Capitol, bao gồm quản lý đám đông, kiểm soát giao thông, giám sát và ứng phó với các mối đe dọa an ninh như hóa học, sinh học và chất nổ, đồng thời hỗ trợ 100 điểm kiểm soát giao thông và 5 trạm dừng tàu điện ngầm ở thủ đô.
Dự báo chính sách trong nhiệm kỳ mới
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ tiếp nối những chính sách đã làm nên tên tuổi của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên. Các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông như giảm thuế, kiểm soát nhập cư và củng cố nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục được triển khai, trong khi chính sách đối ngoại sẽ tập trung vào việc duy trì sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế. Những quyết định này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà còn tác động lớn đến quan hệ quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.
Chính sách đối nội
Trong nhiệm kỳ này, ông Trump sẽ tiếp tục các chính sách mạnh mẽ về nhập cư và kinh tế. Chính quyền mới sẽ đẩy mạnh chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là những người không có giấy tờ hợp lệ, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn tại biên giới.
Chúng ta sẽ bắt đầu chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chúng ta sẽ đóng cửa biên giới. Chúng ta sẽ bảo vệ lãnh thổ và lấy lại chủ quyền của mình.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tờ Wall Street Journal dẫn một số nguồn thạo tin cho biết chiến dịch truy quét người nhập cư sẽ được ông Trump tiến hành ngay sau khi nhậm chức, với sự tham gia của 100 - 200 nhân sự từ Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE).
Về kinh tế, một trong những mục tiêu quan trọng của ông là gia hạn các đợt cắt giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp, với kế hoạch giảm thuế suất doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng sẽ tiếp tục giảm bớt các quy định tài chính và thúc đẩy các chính sách khuyến khích đầu tư trong nước. Chính quyền Trump cũng sẽ hạn chế chi tiêu vào an sinh xã hội, bao gồm việc giảm ngân sách dành cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ cấp cho người nghỉ hưu và các phúc lợi xã hội khác, để giành ưu tiên cho việc bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe dọa bên ngoài.
Chính sách đối ngoại
Trên bình diện quốc tế, ông Trump sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, coi quốc gia này là đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ. Washington có thể áp dụng các biện pháp như tăng cường cạnh tranh kinh tế, thương mại, áp đặt thuế quan, thậm chí rút lại Quy chế thương mại bình thường (PNTR) để buộc Trung Quốc nhượng bộ và ký kết các thỏa thuận có lợi cho Mỹ.
Về thương mại, chính quyền mới sẽ áp dụng chính sách quyết liệt hơn, đặc biệt là với những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn.
Ông Trump đang tìm cách áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác của Mỹ mà không cần sự phê duyệt của Quốc hội. Ông ấy muốn thiết lập một cơ chế sao cho khi thuế quan được áp dụng, chúng không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Để làm được điều này, ông Trump có thể tuyên bố rằng các biện pháp thuế quan được áp dụng vì lo ngại an ninh quốc gia. Theo quy định của WTO, mức thuế này sẽ không bị cấm, trong khi thuế quan áp dụng vì mục đích kinh tế lại bị hạn chế.
Ông Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại, Đại học Cornel, Mỹ.
Về vấn đề Ukraine, ông Trump có thể rút dần sự hỗ trợ đối với Ukraine, gây sức ép để Kiev nhượng bộ Nga, nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn chóng vánh.
Xung đột ở Trung Đông cũng là một ưu tiên đối ngoại hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ mới. Với việc Israel và lực lượng Hamas thực thi lệnh ngừng bắn ở Gaza ngay trước thềm lễ nhậm chức, ông Trump được cho là đứng trước nhiều cơ hội xử lý các mối quan hệ ở Trung Đông. Theo các nhà phân tích, chính quyền mới ở Mỹ sẽ định hướng chiến lược khu vực quanh hai trụ cột là đảm bảo an ninh cho Israel và kiềm chế Iran.
Chúng ta đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn quan trọng, đánh dấu bước tiến đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Thỏa thuận này chỉ có thể xảy ra do chiến thắng lịch sử của chúng ta vào tháng 11.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Với các đồng minh, chính sách của Mỹ sẽ có những thay đổi đáng kể. Ông Trump yêu cầu các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng ngân sách quốc phòng lên 5% GDP để chia sẻ gánh nặng bảo vệ liên minh và áp dụng chính sách can dự có chọn lọc ở các điểm nóng. Điển hình là ông Trump có kế hoạch nối lại đàm phán với Triều Tiên và ưu tiên xây dựng mối quan hệ mang tính “thực dụng” hơn là sự hợp tác lâu dài.
Chính sách năng lượng và môi trường
Về năng lượng, ông Trump có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà chính quyền tiền nhiệm đã áp dụng, đồng thời đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng truyền thống như dầu và khí đốt.
Chính quyền của ông cũng sẽ giảm đầu tư vào năng lượng sạch và có thể rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các ưu đãi thuế để mở rộng các chương trình kinh tế trong nước. Theo hãng tin CNN, các ưu tiên chính sách của chính quyền mới sẽ được bộc lộ rõ trong khoảng 100 sắc lệnh hành pháp mà ông Trump dự định ký ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Thử thách quyền lực tổng thống
Quay trở lại Nhà Trắng với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Donald Trump khiến nhiều người lo ngại về khả năng những mối liên kết này có thể ảnh hưởng đến quyết định chính trị của ông. Mặc dù đội ngũ của ông Trump khẳng định ông đã tách biệt hoàn toàn công việc kinh doanh khỏi chính trị, nhưng các câu hỏi về xung đột lợi ích vẫn liên tiếp xuất hiện. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump bắt đầu từ ngày 20/1 sẽ là một phép thử lớn không chỉ về phong cách lãnh đạo của ông, mà còn về khả năng quản lý những mối quan hệ tài chính trong bối cảnh quyền lực tổng thống tiếp tục phải đối mặt với sự kiểm soát từ các nhánh lập pháp và tư pháp.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến thẩm quyền của tổng thống, với những tuyên bố mạnh mẽ về quyền lực này khiến các chuyên gia lo ngại về những gì có thể xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai.
Giáo sư Marjorie Cohn từ Trường Luật Thomas Jefferson cảnh báo rằng ông Trump có thể thay đổi căn bản cách các cơ quan liên bang giám sát những lĩnh vực quan trọng như y tế, an toàn, môi trường và lao động. Bà Cohn cũng lo ngại rằng những quyết định của ông Trump, đôi khi bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, có thể làm mờ ranh giới giữa quyền hạn của các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo liên bang.
Trong khi đó, theo Giáo sư Mitchel Sollenberger từ Đại học Michigan - Dearborn, quyền lực tổng thống đã dần mở rộng qua các nhiệm kỳ trước, một phần do Quốc hội không can thiệp mạnh mẽ để hạn chế quyền hạn của tổng thống. Điều này phản ánh xu hướng “chủ nghĩa tổng thống”, trong đó tổng thống trở thành trung tâm quyền lực hành pháp.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã gia tăng quyền lực tổng thống thông qua các sắc lệnh hành pháp và quyết định chính trị quan trọng, giống như những người tiền nhiệm trong suốt 100 năm qua. Với sự ủng hộ từ lưỡng viện Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Tòa án tối cao bảo thủ, ông Trump có thể tiếp tục củng cố quyền lực tổng thống trong nhiệm kỳ mới. Một chiến lược quan trọng của ông là mở rộng đội ngũ “người đứng đầu chính sách” mà không cần sự xác nhận của Thượng viện.
Những nhân vật này đều tham gia dự án 2025, một kế hoạch theo đường lối bảo thủ do Tổ chức nghiên cứu chính sách Heritage Foundation xây dựng, có thể làm suy yếu hệ thống kiểm tra và cân bằng, tái cấu trúc quyền lực hành pháp.
Phán quyết của Tòa án tối cao vào tháng 7/2024 về quyền miễn trừ của tổng thống có thể là động lực giúp ông Trump tránh các hậu quả pháp lý khi trở lại vai trò tổng thống. Do đó, các nhà phân tích cho rằng ông Trump sẽ tiếp tục thử thách giới hạn quyền lực tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai, tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống pháp lý và chính trị của Mỹ.
Thế giới đang dõi theo sự trở lại của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Năm 2025 được dự đoán sẽ chứng kiến nhiều biến động, khi chính quyền Trump 2.0 không chỉ tiếp tục thực hiện những kế hoạch còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu, mà còn đặt mục tiêu để lại dấu ấn ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ mới. Với tính cách khó lường, bản lĩnh và mạnh mẽ, ông Trump chắc chắn sẽ định hình lại cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu theo hướng đầy quyết liệt và táo bạo.


Bên cạnh chiến công cứu nạn, tìm kiếm người bị mắc kẹt tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Quân đội Nhân dân Việt Nam thì không thể không nhắc đến đóng góp quan trọng của lực lượng quân y và hậu cần.
Những hạt cà phê được thu hoạch từ phân của loài chim Jacu - một loài chim lớn, màu đen giống như gà lôi, tại một trang trại ở Brazil, hiện là loại cà phê đắt đỏ và được săn lùng nhiều nhất trên thế giới.
Các công đoạn chuẩn bị cuối cùng cho Triển lãm Thế giới 2025 tại Osaka, Nhật Bản đang được gấp rút hoàn thành trước lễ khai mạc diễn ra vào ngày 12/4.
Chiều 5/4, Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã trao tặng lều dã chiến, thuốc và một số thiết bị y tế cho Bệnh viện 1.000 giường tại Thủ đô Naypyidaw, Myanmar.
Chủ đề: Kiến thức thể loại Truyện - Tiểu thuyết. Giáo viên Nguyễn Thị Hương Thủy, Trường THPT Chuyên Chu Văn An.
Một tỷ USD là số tiền ước tính quân đội Mỹ phải bỏ ra cho chiến dịch tấn công lực lượng Houthi ở Yemen trong chưa đầy 3 tuần qua.
0