Nhật, Hàn 'giải bài toán' chính sách thuế từ Mỹ
Đe doạ tăng trưởng kinh tế
Theo hãng tin Kyodo, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế quan mạnh tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là thuế đánh vào ô tô nhập khẩu, đang đe dọa nghiêm trọng đến mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nhật Bản có thể giảm tới 2% trong những năm tới.
Nhà kinh tế trưởng Takahide Kiuchi tại Viện Nghiên cứu Nomura ước tính rằng, thuế quan của Mỹ có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản giảm hơn 0,7% trong khoảng một năm, đồng thời cảnh báo khả năng suy thoái kinh tế. Viện Nghiên cứu Daiwa thậm chí còn đưa ra dự báo ảm đạm hơn, cho rằng các thuế quan đối ứng mà Mỹ áp đặt dự kiến sẽ kéo tụt GDP đã điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản khoảng 1,8% vào năm 2029 - năm mà ông Trump dự kiến rời Nhà Trắng.
Thuế ô tô của Mỹ được dự báo sẽ tác động rất lớn đối với Nhật Bản, vì ngành công nghiệp ô tô là một trong những trụ cột kinh tế của nước này. Mỹ là thị trường lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Nếu các mức thuế quan được áp dụng, giá xe nhập khẩu sẽ tăng ở Mỹ, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến doanh số bán xe mới sụt giảm. Kéo theo đó, sản lượng xe mà Nhật Bản sản xuất riêng cho thị trường Mỹ sẽ tự nhiên giảm, điều này sẽ trở thành yếu tố làm giảm sản lượng GDP của các ngành công nghiệp Nhật Bản. Điều này có tác động đáng kể hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn đến các ngành liên quan. Do đó, tác động của việc cắt giảm sản lượng đối với ngành công nghiệp ô tô có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn nữa.
Nhà kinh tế Kazuma Maeda - Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life.
Theo chính phủ Nhật Bản, trong năm 2024, Nhật Bản đã xuất khẩu hơn 1,3 triệu chiếc xe sang thị trường Mỹ, tương đương 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dự báo từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc trước thông báo thuế ngày 2/4 cho thấy, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 1,5% trong năm 2025 và 1,8% vào năm 2026. Tuy nhiên, các diễn biến mới đã vượt xa dự báo xấu nhất, khiến kịch bản tăng trưởng trở nên bất ổn.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận giảm thuế, kinh tế Hàn Quốc có thể rơi vào tăng trưởng gần 0% hoặc suy thoái. Trong kịch bản tốt nhất, Hàn Quốc có thể đạt thỏa thuận với Mỹ, tăng trưởng Hàn Quốc có thể phục hồi lên khoảng 1% trong năm 2025 và khởi sắc hơn trong năm 2026.
Điểm sáng duy nhất là khả năng kích thích tài khóa nếu Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sớm vào ngày 3/6. Khi đó, chính phủ mới có thể tung ra các gói kích cầu mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Các biện pháp thuế quan của Mỹ nhắm vào Hàn Quốc được xem là một trong những mức cao nhất từng áp đặt đối với một đồng minh, trong nỗ lực từ phía Washington nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại song phương trị giá 55,7 tỷ USD với quốc gia châu Á này.
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang trải qua một khoảng trống quyền lực sau nhiều tháng bất ổn chính trị. Tổng thống Yoon Suk Yeol bị phế truất tuần trước, chỉ bốn tháng sau nỗ lực bất thành nhằm ban bố thiết quân luật, khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng thiếu định hướng chính sách rõ ràng.
Khủng hoảng chính trị càng làm tăng áp lực đối với các tập đoàn Hàn Quốc trong việc mở rộng đầu tư tại Mỹ và tái bố trí sản xuất sang thị trường này.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok cảnh báo rằng, các mức thuế mới từ Mỹ sẽ giáng một “đòn giáng mạnh” vào các nhà xuất khẩu Hàn Quốc, bao gồm cả những doanh nghiệp có cơ sở sản xuất các quốc gia khác, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu đang đe dọa nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại.
Tại Hàn Quốc, sản xuất ô tô cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nhất. Xe hơi và phụ tùng linh kiện đóng góp 14% xuất khẩu nước này. Khoảng một nửa sản lượng xuất khẩu xe và phụ tùng của Hàn Quốc là sang Mỹ. Người dân và chuyên gia lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước.
Tôi nghi ngờ rằng chính sách thuế quan mạnh tay này sẽ thực sự có lợi cho Mỹ. Là một người yêu thích ô tô, tôi lo ngại rằng những chính sách thuế quan như vậy có thể gây ra tác động tiêu cực đáng kể đến các thương hiệu ô tô của Hàn Quốc.
Chị Jeong Bo Hye - Người dân Hàn Quốc.
Theo số liệu năm 2024, xuất khẩu ô tô từ Hàn Quốc sang Mỹ đạt 34,7 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của nước này.
Nhật Bản thúc đẩy đàm phán với Mỹ
Nhật Bản là một trong các quốc gia đầu tiên chính thức khởi động đàm phán với Mỹ. Đây sẽ là phép thử sớm cho sự sẵn sàng nhượng bộ của Washington trong vấn đề thuế nhập khẩu. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ nhưng hàng hóa của nước này vẫn đang bị Mỹ nhắm mức thuế đối ứng lên tới 24%. Ngoài ra, Nhật Bản chịu sức ép lớn từ các mức thuế quan mới của Mỹ đối với ô tô, phụ tùng ô tô, thép và nhôm nhập khẩu từ tháng 3, buộc nước này phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp miễn trừ thuế quan của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/4 cho biết, các cuộc thảo luận về thuế quan với Nhật Bản đã đạt được tiến bộ lớn. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Trump bất ngờ gặp trực tiếp phái đoàn Nhật Bản tại Washington để thảo luận về thuế quan.
Khi Tổng thống Donald Trump nói rằng có 70 đến 100 quốc gia đang xếp hàng để đàm phán, thì không có cách nào ông có thể tham dự tất cả các cuộc họp đó. Các cuộc đàm phán với Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu. Tôi nghĩ sự hiện diện của ông Trump là một dấu hiệu rõ ràng về điều đó.
Ông Ryosei Akazawa - Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản.
Nhật Bản và Mỹ nhất trí tiếp tục thảo luận về thuế quan trong các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng tại Washington và sẽ tổ chức một vòng đàm phán khác vào cuối tháng 4. Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên đàm phán với Mỹ. Do đó, cuộc gặp ngày 16/4 nhận được sự quan tâm lớn. Đây sẽ là hình mẫu cho các quốc gia khác muốn đàm phán thương mại với Mỹ, bởi hiện không có nhiều thông tin việc chính quyền Tổng thống Trump mong muốn điều gì để đổi lấy việc giảm thuế đối ứng.
Trong bối cảnh các chính sách thuế quan đối ứng từ Mỹ gây lo ngại tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 11/4 đã ra quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm 37 thành viên để theo dõi và điều phối đàm phán thương mại với Mỹ. Nhóm công tác này do Bộ trưởng Kinh tế Ryosei Akazawa làm trưởng đoàn.
Trong tuyên bố ngày 17/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhận định, các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ sẽ không dễ dàng, đồng thời đề cập đến khả năng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Donald Trump “vào thời điểm thích hợp nhất” nhằm mục đích củng cố quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia trong thời gian sớm nhất có thể.
Song song với các nỗ lực đối ngoại, làn sóng lo ngại về tác động kinh tế từ chính sách thuế quan của Mỹ đang dâng cao trong chính trường Nhật Bản. Một số nghị sĩ trong liên minh cầm quyền, bao gồm Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Ishiba và Đảng Komeito, đã đề xuất các biện pháp kích cầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong nước.
Tờ Yomiuri Shimbun dẫn nguồn tin từ Komeito cho biết, chính phủ đang cân nhắc cắt giảm tạm thời thuế tiêu dùng, đặc biệt đối với nhóm hàng thực phẩm - vốn đang chịu áp lực tăng giá mạnh. Hiện thuế suất tiêu dùng tại Nhật là 10%, trong đó mức 8% đang áp dụng cho thực phẩm thiết yếu.
Tuy nhiên, nhiều quan chức trong LDP vẫn dè dặt với việc giảm thuế, vì cho rằng đây là nguồn thu quan trọng để trang trải chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng do dân số già hóa nhanh chóng.
Bên cạnh các áp lực chính sách, diễn biến thị trường tài chính cũng đang tạo thêm áp lực lên Tokyo. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato hôm 11/4 cảnh báo rằng, sự biến động quá mức của thị trường ngoại hối có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, một dấu hiệu cho thấy giới chức Nhật Bản đang đặc biệt lo ngại trước đà tăng giá của đồng yên.
Hàn Quốc triển khai các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế
Bộ Tài chính Hàn Quốc cũng đã xác nhận cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Choi Sang Mok và người đồng cấp Mỹ Scott Bessent sẽ diễn ra vào tuần tới tại Mỹ. Cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Giới quan sát nhận định, đây có thể là cơ hội để Hàn Quốc đàm phán lại điều kiện thương mại và bảo vệ các ngành xuất khẩu chiến lược. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để bảo vệ nền kinh tế.
Tại một cuộc họp với các quan chức phụ trách kinh tế vào ngày 15/4, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok thông báo dự định tăng ngân sách bổ sung thêm khoảng 2 nghìn tỷ won so với đề xuất trước đó. Nếu được Quốc hội thông qua, ngân sách này sẽ chạm ngưỡng 12.000 tỷ won, tương đương 8,43 tỷ USD.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, khoản ngân sách bổ sung hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của quốc gia, bao gồm tình trạng căng thẳng thương mại liên quan tới chính sách thuế đối ứng của Mỹ và những nỗ lực phục hồi sau các vụ cháy rừng nghiêm trọng gần đây ở khu vực Đông Nam đất nước.
Theo Bộ trưởng Choi Sang Mok, ngân sách sửa đổi sẽ phân bổ hơn 3 nghìn tỷ won cho ứng phó thiên tai, hơn 4 nghìn tỷ won giải quyết những thay đổi trong môi trường thương mại toàn cầu và 4 nghìn tỷ won để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, cũng như những nhóm dễ bị tổn thương.
Thời điểm là yếu tố then chốt đối với các gói ngân sách bổ sung. Chúng tôi kêu gọi sự đồng thuận lưỡng đảng nhằm thúc đẩy quá trình phê duyệt nhanh chóng.
Ông Choi Sang Mok - Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc.
Cũng trong ngày 15/4, giới chức Hàn Quốc thông báo tăng quy mô gói hỗ trợ cho ngành bán dẫn từ 18,3 tỷ USD lên 23,25 tỷ USD.
Gói biện pháp hỗ trợ mới được đưa ra nhằm đáp ứng lời kêu gọi mở rộng quy mô hỗ trợ ngành bán dẫn, trong bối cảnh bất ổn về chính sách dưới thời của Tổng thống Donald Trump và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc.
Seoul cũng tăng quy mô chương trình hỗ trợ tài chính dành cho ngành công nghiệp chip lên khoảng 14 tỷ USD, so với mức 12 tỷ USD trước đó.
Chính phủ nước này nhấn mạnh việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn là cần thiết, nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước vượt qua áp lực chi phí ngày càng lớn khi cạnh tranh toàn cầu.
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là quê hương của các “ông lớn” trong lĩnh vực chip như Samsung Electronics và SK Hynix. Trong năm 2024, Hàn Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu bán dẫn đạt 141,9 tỷ USD, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ lần lượt chiếm 46,6 tỷ USD và 10,7 tỷ USD.
Trước đó vào ngày 9/4, Hàn Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành công nghiệp ô tô, nhằm giảm bớt tác động của mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt. Cụ thể, chính phủ nước này sẽ tăng hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất ô tô lên 15 nghìn tỷ won (tương đương 10,18 tỷ đô la Mỹ) vào năm 2025 thay vì mức 13 nghìn tỷ won (8,8 tỷ đô la Mỹ) theo kế hoạch trước đó. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ hạ thuế đối với việc mua ô tô xuống còn 3,5% từ mức 5% hiện tại cho đến tháng 6/2025 và tăng trợ cấp cho xe điện từ 30% - 80% với việc gia hạn thêm 6 tháng cho đến cuối năm nay.
Bên cạnh việc theo đuổi đàm phán với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả việc hỗ trợ về mặt tài chính để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt. Dù đối mặt với không ít thách thức, Tokyo và Seoul đều cho thấy quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Động thái này không chỉ phản ánh sự linh hoạt và nhạy bén của các chính phủ Đông Bắc Á, mà còn hứa hẹn sẽ định hình lại cục diện thương mại khu vực trong thời gian tới.


Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.
Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.
Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.
Lực lượng vũ trang Iran đã tổ chức diễu binh trên phạm vi toàn quốc để kỷ niệm Ngày Quân đội vào ngày 18/4.
0