Người lưu giữ khoảnh khắc Hồ Gươm
Hơn hai nghìn bước chân là tròn một vòng hồ. Nhưng có lẽ không ai chỉ dừng lại chừng ấy bước khi đã một lần gặp gỡ. Hồ Gươm ngàn năm lịch sử vẫn đầy quyến rũ bởi nhan sắc thanh tân, bởi lộc non cổ thụ, bởi những yêu thương của người Hà Nội. Và trong mênh mang sóng nước, Hồ Gươm lặng lẽ lưu giữ biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử Thăng Long - Hà Nội, của đất nước, cả biết bao câu chuyện buồn vui đời người.
Trải bao tháng năm kinh thành bị giặc dã, thực dân, đế quốc xâm lược, khiến không ít lần hồ bị tổn thương. Song, chính vẻ đẹp tĩnh tại, trong lành của hồ, của cỏ cây hoa lá, sự kiên cường trung dũng của người Hà Nội đã mau chóng làm lành vết thương chiến tranh và khiến hồ càng thêm quyến rũ.
Sự quyến rũ của Hồ Gươm chính là niềm cảm hứng của nhà báo Hà Hồng. Ông dành tình yêu lớn với Hà Nội, đặc biệt là với hồ Hoàn Kiếm. Bố mẹ lại làm việc ở Báo Nhân dân, ngay bên hồ, nên từ nhỏ ông đã thường xuyên đến đây chơi, nhất là mỗi dịp hè. Từ năm 1983 đến nay, ông công tác tại Báo Nhân dân, tự hào được sống trong không gian văn hóa bên hồ, tình cảm của ông dành cho Hồ Gươm ngày một lớn dần lên.
Trên tường nhà, nhiều bức ảnh chụp Hồ Gươm trong các mùa được nhà báo Hà Hồng phóng to ra để trưng bày. Mỗi bức ảnh nhà báo Hà Hồng giới thiệu không chỉ là một khoảnh khắc đẹp, mà còn ẩn chứa trong đó cảm xúc của một người đã yêu và gắn bó với Hồ Gươm qua năm tháng. Với ông, những bức ảnh ông chụp đi theo trường phái là ảnh như hội họa. Đến giờ, ông đã có hơn 100.000 bức ảnh chụp liên quan tới Hồ Gươm.
Đằng sau mỗi tác phẩm ảnh của Hà Hồng còn là biết bao câu chuyện về lòng kiên trì, đam mê sáng tạo nghệ thuật; là biết bao lần ông mang máy ra để rồi lại trở về không vì ông thấy xuân chưa đến độ, thu chưa chín. Hay có khi, ông lại như một gã lang thang đi kiếm tìm cả cái đã mất và những điều chưa đến. Có lẽ vì thế, có những tác phẩm đôi khi chỉ là một khoảnh khắc nho nhỏ để chớp lấy, nhưng lại có những bức ảnh phải mất hàng tháng để có thể thu hết được cái hồn vào chiếc ống kính. Trong số đó phải kể đến tác phẩm Chữ Xuân trong tiết xuân Hồ Gươm.
Như bất cứ một người Hà Nội nào luôn dành cho Hồ Gươm một tình yêu sâu nặng. Bao nhiêu năm chụp ảnh về Hồ Gươm, ông không chỉ biết mặt, thuộc tên mà còn hiểu cả những khoảng phía sau nhân vật mà ông thu vào ống kính của mình. Ông thuộc từng gốc cây bị mối ăn, từng nhánh cây bị cưa gãy, thuộc từng thân phận người bên hồ. Ông cũng sẵn sàng bỏ cả một buổi chiều ngồi trò chuyện với một chị bán hàng rong hay với ông cụ râu tóc bạc phơ nhà ở đầu phố Bà Triệu... để hiểu hơn về cảnh đời của họ, về chuyện người Hà Nội xưa.
Với một người làm báo như ông, Hồ Gươm luôn là một đề tài không bao giờ hết chuyện để khai thác. Cũng như vậy, hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội, lắng nghe từng hơi thở cuộc sống ở đây, có thể thấy được tinh hoa của Hà Nội, một Hà Nội rất đỗi giản dị, đời thường và gắn bó.
Chia sẻ về hành trình gom nhặt từng khoảnh khắc của Hồ Gươm, nhà báo Hà Hồng chỉ bật cười vì có lẽ hành trình ấy sẽ chẳng có hồi kết. Với người cầm máy thì sẽ chẳng khi nào có khái niệm bức ảnh cuối đời cả.
Hồ Gươm đẹp và ngày càng đẹp hơn bởi những con người bình dị giữ hồn cho nó. Còn với nhà báo Hà Hồng, ông bảo, chừng nào đôi chân còn chưa mỏi, chừng đó ông còn cống hiến cho công việc mà ông đắm đuối, mê say.
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
0