Liệu danh tiếng có đủ để đảm bảo sự thật? | Hà Nội tin mỗi chiều

Thời gian qua, nhiều người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng tham gia quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội. Họ được người dùng xem như "chứng nhận sống" cho sản phẩm. Nhưng liệu danh tiếng của họ có đủ để đảm bảo sự thật?

'Một viên kẹo có thể thay thế một đĩa rau xanh'; 'một khoá học có thể biến bạn thành triệu phú chỉ sau một tuần'; hay 'một loại mỹ phẩm có thể giúp bạn "cải lão hoàn đồng" chỉ sau vài lần sử dụng?'... Những lời quảng cáo hoa mỹ này tràn ngập trên mạng xã hội - nơi những người có sức ảnh hưởng được xem như "chứng nhận sống" cho mọi sản phẩm. Nhưng liệu danh tiếng có đủ để đảm bảo sự thật? 

Những năm gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội đã đưa KOLs - những người có ảnh hưởng - trở thành nhân tố quan trọng trong truyền thông và quảng cáo. Họ không chỉ là những gương mặt đại diện cho thương hiệu mà còn được coi là người dẫn dắt xu hướng, có thể tác động đến quyết định mua hàng của hàng triệu người. Thế nhưng, trong thời gian qua, hàng loạt KOLs nổi tiếng đã vướng vào những vụ bê bối quảng cáo sai sự thật, khiến công chúng đặt dấu hỏi lớn về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của họ.

Đêm hay ngày, các nền tảng mạng xã hội cũng trở nên đầy sôi động với các phiên live tiền tỷ, thậm chí chục tỷ. Một con số mà những người bán hàng truyền thống chẳng bao giờ dám mơ. Thế nhưng trong tay của các KOLs và ekip của họ, bằng chiêu trò quảng cáo hấp dẫn, hàng triệu người đã bỏ tiền túi để mua sản phẩm. Cái mà người tiêu dùng mua không chỉ dừng lại là hàng hoá mà đó còn là niềm tin: tin vào KOLs, tin vào giá trị của sự nổi tiếng của một người nào đó trên mạng ảo. Đáng tiếc thay, niềm tin lại không phải lúc nào cũng đổi lại là niềm tin. Niềm tin mà người mua nhận về, đôi khi toàn là dối lừa. 

Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm được các KOLs có tiếng quảng bá nhưng hoàn toàn không rõ nguồn gốc, chất lượng không được kiểm chứng và khi mọi sự vỡ lỡ thì cũng là lúc niềm tin biến mất. Thay vào đó là sự hụt hẫng, thất vọng!

Vụ việc gần đây nhất liên quan đến viên kẹo Kera - một sản phẩm được quảng cáo với thông điệp: "chỉ cần ăn 2-3 viên là đủ chất xơ như một đĩa rau xanh". Nhưng khi kiểm nghiệm thực tế, cả hộp 30 viên kẹo chỉ chứa lượng chất xơ chưa bằng 1/6 quả chuối?! Rõ ràng, đây không chỉ là sự phóng đại mà là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Và ai đã góp phần lan truyền thông tin này? Chính là các KOLs - những người đã nhận tiền để PR cho sản phẩm mà không kiểm chứng.

Trong vụ việc này, thật tiếc cho Quang Linh Vlogs, chàng trai đã từng được rất nhiều người yêu mến và trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ. Chàng trai gốc xứ Nghệ này ngày đó với khuôn mặt hồn nhiên, giọng nói đặc sệt âm sắc Nghi Lộc (Nghệ An), phong cách giản dị, tính tình chất phác, đã làm được bao nhiêu việc ý nghĩa giúp người dân nghèo Angola. Nhưng từ ngày Quang Linh trở thành KOLs, về Việt Nam thường xuyên hơn để livestream bán hàng, quay quảng cáo và đầu tư kinh doanh thì Quang Linh thật khác. 

Vụ quảng cáo sai sự thật về công dụng của kẹo Kera và lừa dối khách hàng về một dây chuyền sản xuất khép kín mà giờ các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra lại không đúng như thế đã khiến hình ảnh của Quang Linh trượt dốc. Mấy ngày nay, dân mạng đào xới lại câu nói mà Quang Linh Vlogs từng nói: “Tiền mất thì có thể kiếm lại nhưng mà mất lòng tin với nhau thì không bao giờ kiếm lại được đâu, tại vì một khi mà đã mất lòng tin rồi thì khó kiếm lại lắm, nói cái gì cũng không tin”. 

Việt Nam không thiếu quy định điều chỉnh các hành vi quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, như Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Luật Quảng cáo (2024), Luật An ninh mạng (2015), Luật Hình sự 2015.

Theo Nghị định 38/2021, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn sẽ bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng và có thể bị cấm quảng cáo từ 1 - 3 năm. Tuy nhiên, mức phạt này còn quá nhẹ so với khoản tiền mà các KOLs nhận được. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã áp dụng mức phạt đủ sức răn đe. Ví dụ, Trung Quốc đã phạt diễn viên Cảnh Điềm hơn 1 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật, hay Kim Kardashian (Mỹ) bị phạt 1,26 triệu USD khi quảng cáo tiền số crypto.

Một tín hiệu tích cực gần đây là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã siết chặt tiêu chí đối với các KOLs, đồng thời tăng trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý. Đặc biệt, vai trò giám sát của cộng đồng đang phát huy tác dụng mạnh mẽ. Trong vụ việc kẹo Kera, chính người tiêu dùng đã tự kiểm nghiệm, công khai kết quả, buộc nhãn hàng và các KOLs liên quan phải minh bạch hóa thông tin. Đây là bước tiến quan trọng, cho thấy khi cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ, sự thật sẽ không bị che giấu.

Không thể phủ nhận rằng, bán hàng trực tuyến qua KOLs và KOCs là một xu hướng tất yếu trong thời đại số, nhưng nếu không có quy định kiểm soát chặt chẽ, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo trước những lời quảng cáo hoa mỹ và quan trọng hơn, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt để xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, bởi nếu không giữ gìn uy tín, không có trách nhiệm với cộng đồng, KOLs có thể mất đi tất cả chỉ sau một đêm. Người tiêu dùng ngày nay không còn dễ bị thao túng như trước và các thương hiệu cũng đang dần tìm kiếm những tiếng nói chân thực hơn, thay vì chạy theo những gương mặt nổi tiếng nhưng thiếu trách nhiệm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

HANOITV News | 04/04/2025

Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra một cú sốc lớn đối với thương mại toàn cầu. Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa, bù đắp khoản thâm hụt nợ công của Mỹ. Sâu xa hơn, Mỹ muốn dùng công cụ thuế để gây sức ép, buộc các đối tác thương mại phải đàm phán lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Chiến thuật cứu hộ của Công an Việt Nam được đánh giá cao; Công tác cứu nạn ở Myanmar bước sang giai đoạn mới; Bắt tạm giam Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Ngoài phở, những món sợi nước như bún, miến vẫn luôn được nhiều người Hà Nội tìm đến cho bữa sáng hàng ngày. Với vị ngọt thanh, chua dịu nhẹ đặc trưng của dấm bỗng, bún riêu chính là một lựa chọn phù hợp để bắt đầu một ngày mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Bộ Quốc phòng thưởng từ 16 lần lương cơ sở khi cá nhân lập thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc; Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga; Tòa án Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Lãnh đạo cấp cao Đảng Nhà nước viếng đồng chí Khamtay Siphandone; Người Việt Nam tại Mandalay chung tay cứu trợ người dân Myanmar; Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với mức thuế cao của Mỹ; Tổng thống Mỹ công bố điều kiện giảm thuế đối ứng;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.