Hôm nay 19/5, khởi công cầu Tứ Liên
Sáng 19/5, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu tại vị trí đầu cầu phía Bắc giao với đường Trường Sa trên địa bàn huyện Đông Anh.
Với tổng chiều dài 5,15km, công trình có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm quận Tây Hồ và điểm cuối giao với đường Trường Sa huyện Đông Anh. Trong đó, đường dẫn phía Nghi Tàm rộng 48m, phía Đông Anh rộng 60m. Cầu chính rộng 43m. Ngoài ra, dự án còn xây dựng 2 nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, chiếu sáng kiến trúc, cây xanh…
Tổng mức đầu tư dự án khoảng gần 20.000 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức EPC - thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp. Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2027.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu được chia thành bốn dự án thành phần. Trong đó, ngoài dự án thành phần xây lắp, ba dự án thành phần GPMB do UBND quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh thực hiện. Đến nay, các địa phương cũng đã nhận bàn giao mốc giới và hoàn tất công tác kiểm đếm, đo đạc. Sơ bộ tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 62,53ha, liên quan đến 701 trường hợp thu hồi đất, trong đó dự kiến tái định cư khoảng 257 trường hợp đất ở và chùa Long Đọi.
Việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.
Đồng thời, dự án cầu Tứ Liên khi khởi công sẽ từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.
Bên cạnh đó, cầu Tứ Liên được xác định là một dự án quan trọng, được lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần sớm triển khai, phục vụ kết nối với Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình - tỉnh Bắc Ninh về trung tâm thành phố Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 -2030.
Công trình cầu Tứ Liên sử dụng hệ dây văng hai mặt phẳng, bố trí dạng dây đan chéo một bên, với chiều dài nhịp chính lớn nhất là 500m và chiều cao trụ tháp lên đến 185m, lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam, cũng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.


Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã tới dự và phát biểu tại Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, ngày 18/5.
Huyện Phú Xuyên đã phối hợp với các đơn vị tổ chức cưỡng chế một số công trình nhà xưởng trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) ngày 15/5 để thi công đoạn tuyến cuối cùng Dự án đường trục phát triển phía Nam thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng 19/5, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2025).
Tuy chỉ được gặp Bác Hồ một lần nhưng hình ảnh của Người luôn in đậm trong tâm trí ông Trần Văn Cao. Sau lần gặp ấy, ông mong muốn sau này sẽ có một nhà lưu niệm về Bác.
Một căn nhà nhỏ ở thôn Phú Gia (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội vào cuối tháng 8/1945, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9.
Tường thuật trực tiếp tình hình giao thông Hà Nội sáng 19/5 với hình ảnh từ các camera giao thông giúp khán - thính giả lựa chọn cung đường tốt nhất. Chương trình được phát sóng trên kênh FM90, các nền tảng số của Đài Hà Nội và ứng dụng công dân Thủ đô số iHanoi.
0