'Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt' | Hà Nội tin mỗi chiều
Sáng 30/6, hàng triệu người dân trên cả nước đã theo dõi khoảnh khắc đặc biệt khi tất cả các tỉnh, thành đồng loạt tổ chức Lễ công bố các Nghị quyết, quyết định về thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đây là bước chuyển mình lớn của quốc gia, mở ra một kỷ nguyên quản trị mới – tinh gọn hơn, hiệu lực hơn, vì dân phục vụ.
Tại TP.HCM có sự tham gia của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Trung ương, địa phương, Bí thư 168 xã, phường, đặc khu của thành phố sau sáp nhập. Theo Nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM hiện hữu.
Trong bài phát biểu tại thành phố anh hùng mang tên Bác, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Quyết định 'sắp xếp lại giang sơn' là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược”. Đồng thời Tổng Bí thư nhận định: “Chúng ta đang đứng trước vận hội lớn. Mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân đều là một mắt xích quan trọng trong guồng quay cải cách mạnh mẽ này. Mỗi người dân Việt Nam, trong nước hay ở nước ngoài, đều có vai trò và trách nhiệm công dân trong việc đưa đất nước đi lên, vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, làm chủ tương lai của chính mình. Hãy để mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo. Hãy để mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận đổi mới. Hãy để tinh thần cách mạng tấn công mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo, thấm đẫm hồn dân tộc trong từng hành động, từng quyết sách và từng bước phát triển đi lên”.
Tại Thủ đô Hà Nội, Lễ công bố diễn ra ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, và được kết nối trực tuyến tới 126 xã, phường mới sau sáp nhập. Từ con số 526 xã, phường, giờ đây Hà Nội chỉ còn 126 đơn vị hành chính cấp xã, một con số đủ khiến chúng ta hình dung được quy mô của cuộc tái cơ cấu lần này. Và điều đáng nói là, chỉ trong vòng một tuần từ 20 đến 26/6, các xã, phường mới của Thủ đô đã vận hành thử mô hình hai cấp và đạt kết quả tích cực. Không gián đoạn, không rối ren, không để trống tổ chức hay cán bộ. Một bộ máy mới đang được vận hành một cách suôn sẻ, minh chứng rõ ràng cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần trách nhiệm cao từ Trung ương đến cơ sở.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết: "Đây là một dấu mốc rất đặc biệt của Thủ đô Hà Nội và cả nước và bắt đầu từ ngày mai, bộ máy chính quyền địa phương của nước ta chính thức bước sang giai đoạn mới - chuyển từ chính quyền địa phương ba cấp đã hoạt động trong gần 80 năm từ khi thành lập nước (2/9/1945) sang chính quyền địa phương hai cấp”.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ đô Hà Nội - nghìn năm văn hiến và anh hùng, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế. Nơi đây không chỉ là một đô thị lớn và hiện đại mà còn là nơi lưu giữ những giá trị tinh hoa của dân tộc, với hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa. Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ: “Công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính lần này đối với Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa hết sức to lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, văn hóa, lịch sử; cải cách hành chính, quản lý, phát huy hiệu quả hơn không gian và nguồn lực Thủ đô".
Những con số phía sau cuộc cải cách này đặc biệt ấn tượng: 250.000 biên chế sẽ được tinh giản, tiết kiệm gần 190.500 tỷ đồng trong 5 năm, hơn 4.200 trụ sở hành chính dôi dư sẽ được quy hoạch thành trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa phục vụ người dân. Và như Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã từng nói: sáp nhập không chỉ là điều chỉnh ranh giới. Đó là cuộc tái cấu trúc toàn diện, là sự phân quyền thực chất để địa phương được tự chủ, tự chịu trách nhiệm – một tư duy quản trị mà nhiều quốc gia tiên tiến đã đi trước.
Bức tranh đất nước chúng ta sau sáp nhập đã thay đổi rõ nét. Từ chỗ trung bình mỗi tỉnh rộng 5.000 km² (thấp hơn nhiều so với mức trung bình 33.000 km² toàn cầu), nay tăng lên gần 10.000 km² – tiệm cận nhóm quốc gia phát triển. Đặc biệt, việc tái cấu trúc hành chính còn mở ra không gian phát triển mới. Như sau sáp nhập, tỷ lệ tỉnh, thành có cảng biển tăng từ 54% lên 67%, tạo điều kiện phát triển logistics, công nghiệp ven biển. TP.HCM sau khi sáp nhập với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương, không chỉ là đô thị lớn nhất nước mà còn có hệ thống cảng biển đứng thứ 19 thế giới và quy mô kinh tế gấp 108 lần địa phương thấp nhất.
Trước thềm sự kiện quan trọng này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Sức mạnh của đoàn kết”. Bài viết đã gợi mở trong mỗi người dân những suy nghĩ và cảm xúc mạnh mẽ. Những ngày này đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mang tính cách mạng: sắp xếp đơn vị hành chính, tái thiết lập không gian phát triển quốc gia.
Tất cả người dân Việt Nam đều hiểu rất rõ rằng việc sáp nhập địa giới hành chính sẽ mở ra bước chuyển lịch sử, và cũng đặt ra những thách thức không nhỏ: tâm lý cục bộ địa phương, tình cảm gắn bó với quê hương, băn khoăn về tên gọi mới, về trụ sở, về nhân sự, về phân bổ nguồn lực...Nhưng hơn ai hết, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn trước mắt để đồng lòng hướng tới tương lai tươi sáng của dân tộc. Mỗi người một miền quê nhưng “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, sức mạnh ấy luôn là cội nguồn làm nên những chiến thắng và thành tựu vĩ đại. Từ chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa xuân 1975 – tất cả đều được hun đúc từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm viết: “Đoàn kết là chiến lược xuyên suốt của Đảng”. Và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó: khi dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Bài học lịch sử vẫn luôn còn nguyên giá trị.
Chúng ta đang trong một cuộc cách mạng – sắp xếp lại các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, hướng tới mô hình quản trị hiện đại. Mục tiêu là rõ ràng: đưa chính quyền đến gần dân hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện để mỗi địa phương chủ động, sáng tạo và phát triển bền vững. Nhưng kèm theo đó là rất nhiều vấn đề cần giải quyết: sắp xếp nhân sự, trụ sở, tài chính, cơ chế phối hợp và hơn hết là tâm lý người dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chưa bao giờ yêu cầu 'trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt' trong bộ máy của hệ thống chính trị lại quan trọng như lúc này”. Đúng như vậy, nếu không có sự đồng thuận từ Trung ương đến cơ sở, nếu đâu đó thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông, tinh thần trách nhiệm và niềm tin mạnh mẽ, công cuộc cải cách sẽ khó đạt được kết quả toàn diện như chúng ta mong muốn.
Người dân Việt Nam dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi hay đồng bằng đều có chung một tấm lòng với đất nước. Khi được giải thích thấu đáo, khi thấy rõ lợi ích lâu dài, người dân sẽ không ngần ngại hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia. Nhiều người rất ấn tượng với thông điệp trong bài viết của Tổng Bí thư rằng: “Không có vũ khí nào lợi hại và hiệu quả hơn sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân”. Đó không chỉ là chân lý, mà còn là lời nhắc nhở, lời hiệu triệu cho tất cả chúng ta trong giai đoạn này. Nếu chúng ta cùng nhìn về một hướng, cùng đồng lòng vì mục tiêu phát triển đất nước, thì không gì là không thể. Cuộc cách mạng lần này sẽ đặt nền tảng cho bước chuyển chiến lược để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.