Góc nhìn khác về chữ 'Tình' trong thơ Xuân Quỳnh
Nhắc đến nhà thơ Xuân Quỳnh, độc giả thường nghĩ ngay đến một nhà thơ tình lãng mạn của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, gia tài thơ ca bà để lại không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa mà còn rất phong phú về nội dung và cảm xúc.
Trong không gian ấm cúng của một buổi trò chuyện tại Hà Nội, độc giả yêu thơ đã cùng các nhà văn, nhà báo tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và di sản thi ca của Xuân Quỳnh. Đặc biệt, những chia sẻ đầy cảm xúc của anh Lưu Tuấn Anh - con trai của nữ thi sĩ với người chồng đầu tiên, nghệ sĩ violin Lưu Tuấn - đã khiến nhiều người xúc động.
Anh Lưu Tuấn Anh chia sẻ: "Mẹ tôi là người chan chứa chữ tình. Nhưng chữ tình ấy không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình thương rộng lớn. Như trong bài thơ 'Con chuồn chuồn báo bão', khi thấy cánh chuồn bay trong giông bão, bà đã xót xa: ‘Mỏng manh thế chịu làm sao nổi/Chuồn ơi báo làm chi bão tới/Trời bão lên rồi, mày ở đâu?’. Tình thương của mẹ rất rộng, thương hoa cỏ, cảnh vật, con người và những thân phận nhỏ bé".
Tại buổi trò chuyện, những tác phẩm của Xuân Quỳnh hiện lên qua giọng đọc của nghệ sĩ Bá Anh, nhà văn Tuyết Minh, nhà văn Trung Sỹ, cùng phần biểu diễn ca khúc "Thuyền và Biển" do ca sĩ Tiến Hưng thể hiện. Qua đó, những vần thơ trở nên sống động và đầy cảm xúc.
Nhà báo Vĩnh Quyên cho biết: "Lâu nay, mọi người thường nghĩ đến Xuân Quỳnh như một nữ hoàng thơ tình, nhưng thực ra tình yêu đôi lứa chỉ là một phần nhỏ trong thơ ca của chị. Chữ tình của Xuân Quỳnh rộng lớn hơn nhiều. Vì vậy, tôi muốn tổ chức buổi trò chuyện này để những người từng quen biết chị và những độc giả yêu thích thơ Xuân Quỳnh có cơ hội hiểu hơn về một khía cạnh khác trong thơ của nữ thi sĩ".
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) là tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như: "Thuyền và Biển", "Sóng", "Thơ tình cuối mùa thu", "Tiếng gà trưa"... Các tác phẩm của bà không chỉ được yêu thích mà còn được đưa vào chương trình học phổ thông. Với những đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam, bà đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Xuân Quỳnh không chỉ là một nhà thơ tài năng mà còn là một người truyền cảm hứng mạnh mẽ. Cảm hứng ấy đến từ chính cuộc đời, cách sống nhân hậu, giàu tình cảm của bà. Buổi trò chuyện đã giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về chữ "Tình" trong thơ Xuân Quỳnh, cảm nhận được chất thơ chân thành, hồn hậu, tha thiết với cuộc đời mà nữ thi sĩ để lại.


Những căn biệt thự Pháp cổ trên phố phường Hà Nội rợp bóng cây vẫn đứng đó, lặng lẽ kể lại câu chuyện của một thời kỳ đã qua.
Câu chuyện về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tình cảm của người dân Việt Nam gửi tới Bác Hồ kính yêu đã được thể hiện đầy cảm xúc trong chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” diễn ra tối 19/5.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Lời ví giặm theo bước chân Người” đã diễn ra vào tối 19/5, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).
Nhiều bảo tàng tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trưng bày, triển lãm những hiện vật quý giá, tái hiện sống động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương trình nghệ thuật "Người là niềm tin tất thắng" là một bản hòa ca đầy xúc cảm, chạm đến trái tim của đông đảo khán giả, gợi nhớ một cách chân thực và xúc động về những cống hiến vĩ đại mà Người đã dành trọn cho độc lập, tự do của dân tộc.
Chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” đã chạm vào trái tim khán giả bằng những giai điệu mộc mạc, những hình ảnh giản dị như chính con người Bác, chân thành và cảm xúc như tình cảm người dân Việt Nam và thế giới yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
0