Đề xuất xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm cho KHCN

Các nhà khoa học đề xuất, Hà Nội có thể là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm của Thành phố để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhất là hoạt động khởi nghiệp. Đây chính là cơ sở tháo gỡ về cơ chế tài chính.

Sáng 26/2, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị thành phố làm việc với các nhà khoa học để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 57 chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Tham dự Hội nghị có Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Minh Hải cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, đại diện các sở, ngành Thành phố.

Chia sẻ về các giải pháp, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách. Trong khi đó, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học cũng là một trong những chính sách mới vượt trội của Nghị quyết 57, trong đó đề cập là phải có quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây chính là cơ sở tháo gỡ về cơ chế tài chính.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất: "Hà Nội có thể là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm của Thành phố để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhất là hoạt động khởi nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất thiếu vốn nhưng lại không thể gọi được vốn. Nếu chúng ta có quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư cho họ thì họ sẽ có cơ hội để phát triển".

TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cho biết: "Hiện nay, Luật Ngân sách chưa sửa đổi thì việc xây dựng Quỹ cũng gặp một số khó khăn. Chúng ta có thể xem xét tạo điều kiện cho các Quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài, của tư nhân đầu tư và hoạt động thuận lợi trên địa bàn Thủ đô. Vì các quỹ đầu tư họ đầu tư để lấy lợi nhuận, nên chúng ta có thể tạo cho họ một môi trường pháp lý thuận lợi để họ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố có cơ hội phát triển. Như vậy, điều mà thành phố chúng ta được là nền kinh tế và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mà không nhất thiết phải sử dụng ngân sách".

Dưới góc độ là doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn FPT cho rằng, khoảng 20 năm trước đã có một số công ty về công nghệ tại Việt Nam thành công khi sử dụng nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và những năm gần đây cũng đó nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các doanh nghiệp startup về công nghệ. Chính vì thế, đơn vị này đề xuất, cần một quỹ đầu tư mạo hiểm khoảng 1 tỷ USD sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp và Nhà nước để cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận. 

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đề xuất một số giải pháp như cần khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ mới phục vụ quá trình chuyển đổi số; có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài lĩnh vực khoa học và công nghệ…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã mở ra những định hướng cho Thủ đô trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ đô có một “tài sản” đặc biệt, là điều kiện để phát triển khoa học, công nghệ - đó là đội ngũ các nhà khoa học của các cơ sở đào tạo. Đây cũng chính là cơ hội để Hà Nội xây dựng “mạng lưới tri thức sáng kiến Thủ đô” đã được đề cập trong Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XVII của Thành phố.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh về mục tiêu của Thủ đô để hiện thực hoá nội dung Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ bằng các mốc thời gian với các giải pháp cụ thể:

Giai đoạn đến năm 2030: Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2045: Đưa Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu châu Á, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo trong khu vực; Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo của Thành phố đạt trình độ quốc tế, trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, giai đoạn trước mắt là từ nay đến năm 2030 sẽ chọn các công việc cụ thể, lấy khoa học, công nghệ phục vụ cho cuộc sống người dân.

Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 03 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, UBND Thành phố đã nêu rõ 7 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ chủ động phối hợp hoàn thiện thể chế tạo lợi thế cạnh tranh.

Cụ thể, Thành phố kiến nghị sửa đổi Luật Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời triển khai thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 4/4/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 29/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành quyết định về việc cho thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X đối với Phạm Quang Linh.

Một sự cố vật nuôi "lái xe" đã xảy ra tại Trung Quốc, cảnh báo các tài xế về sự an toàn khi để chó, mèo trên ô tô.

Mạng xã hội ngày 3/4 xuất hiện clip một chiếc xe trộn bê tông ngang nhiên đi ngược chiều trên đường phố Hải Phòng, gây ra không ít lo ngại và bức xúc trong dư luận.

AI là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải đánh giá, nhận biết được rõ những ưu, khuyết điểm còn tồn tại của công nghệ AI để tận dụng “cơ hội vàng” mà AI đem lại.