Bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo
Người xưa có câu "Không thầy đố mày làm nên" hay "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" để tỏ lòng tôn kính với những người thầy giáo - không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cả những bài học làm người. Chân lý này luôn đúng và khi xã hội càng phát triển, vai trò của những người thầy càng được khẳng định rõ.
Biển học là mênh mông. Muốn mở rộng, nâng cao kiến thức là mong muốn của mỗi người. Học thêm là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của một bộ phận học sinh. Tinh thần của Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn hướng đến nền giáo dục chính khóa, nền giáo dục không phụ thuộc vào học thêm để đạt được năng lực.
Giữa quy định và thực tế, làm sao để không ảnh hưởng tới nhu cầu, nguyện vọng chính đáng về học thêm, dạy thêm và giữ được sự tôn trọng với nghề dạy học cao quý là điều quan trọng nhất.
"Điều quan trọng nhất với chúng tôi là sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh, tôi luôn xem đó là động lực duy trì chất lượng giảng dạy, học hỏi và phát triển bản thân" - đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thu Phương, một giáo viên chủ nhiệm lớp 9.
Thực hiện thông tư 29, nhà trường dừng tổ chức dạy thêm nhưng cô Phương vẫn tình nguyện đăng ký dạy miễn phí để các em học sinh cuối cấp vững tâm trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Cô giáo thông báo lịch học, các em có thể đến trường hoặc ở nhà học trực tuyến, lớp học diễn ra một tuần một buổi. Cô giáo cũng sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho học sinh, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể.
Từ đầu năm học, các nhà trường đều đặt mục tiêu về giáo dục. Vì vậy, không thể vì không được dạy thêm có thu tiền mà ảnh hưởng đến chất lượng. Nhiều nhà trường, thầy cô vẫn giữ vững tâm huyết với học sinh, dù quyền lợi có ảnh hưởng. Không phủ nhận, việc dạy thêm từ lâu đã mang lại thu nhập cho một bộ phận giáo viên. Tuy nhiên, thống kê số giáo viên dạy thêm có thu phí trong nhà trường chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các giáo viên không tham gia dạy thêm.
Rất nhiều giáo viên đã dùng sự thấu hiểu của mình để tạo động lực, giúp học sinh tiến bộ qua từng tiết học. Họ tìm tòi, học hỏi để có thể dạy học hiệu quả ngay trên lớp và hướng dẫn học sinh biết cách tự học ở nhà.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, chia sẻ từ năm 2018, nhà trường không thu tiền học sinh lớp 12 ôn luyện thi tốt nghiệp THPT. Trường chi trả công cho giáo viên theo kế hoạch chi tiêu nội bộ. Các thầy cô vẫn tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh có bài kiểm tra chưa đạt và các em có nhu cầu nâng cao kiến thức. Lớp học được gọi vui với cái tên "lớp học tình thương".
"Tôn sư trọng đạo" từ lâu đã trở thành một truyền thống, một nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Thời gian qua, đâu đó những câu chuyện như giáo viên chủ nhiệm, bộ môn ép học sinh "tự nguyện" học thêm giáo viên chính khóa. Điều này không chỉ làm tổn hại đến uy tín cá nhân của giáo viên mà còn làm xói mòn hình ảnh người thầy trong mắt xã hội.
Tuy nhiên, tiêu cực trong dạy thêm chỉ là một phần nhỏ, là thiểu số, chẳng thể nào làm lu mờ đi bức tranh đa sắc của giáo dục, với những người thầy vẫn ngày ngày dạy học sinh bằng nhiệt tâm, bằng chính khát khao mở mang kiến thức cho trò.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: "Những năm qua, khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới còn hướng tới bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo. Cần nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói không với dạy thêm không đúng với quy định".
Đặc thù công việc của giáo viên là dạy học và giáo dục, với những nhiệm vụ không tính giờ, không tính tiết với vô vàn việc không tên.
Trong bức thư của thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi, thành phố Hải Phòng, gửi tới giáo viên và học sinh khi thực hiện Thông tư 29, thầy đã nhắn gửi những lời chân thành và sâu sắc:
“Các thầy giáo, cô giáo thân yêu! Sẽ không dễ dàng khi không dạy thêm. Cuộc sống và công việc chắc chắn sẽ khó nhọc và khó khăn. Khó nhọc vì nhiều học trò chưa có thói quen tự học, cần nhiều thời gian để hình thành. Mà những khi ấy, việc dạy học sẽ trở nên nhọc mệt hơn bao giờ hết. Khó khăn vì thu nhập giáo viên có sự sụt giảm đáng kể. Trước đây, nhiều thầy cô đã tận dụng cả giờ nghỉ, giờ ăn để dạy kèm học sinh, vừa giúp trò tiến bộ, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân. Nay, sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn với mỗi thầy cô. Dạy học chưa bao giờ là dễ dàng và dạy thêm càng không đơn giản. Mỗi thầy cô đã thực sự lao động và nhận về những gì xứng đáng - trong đó có sự nhẫn nại, kiên trì, động viên, chăm chút cho học trò mà bản thân từ 'dạy thêm' chưa bao giờ nói đủ. Dù không còn dạy thêm, các thầy cô vẫn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể. Các thầy cô cũng cần thêm thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và cơ hội luyện nghề hơn”.


Chung kết cuộc thi hùng biện Tiếng Anh "Kella in Life 2025" đã được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của 26 đội thi tới từ các trường THPT trên địa bàn Thủ đô.
Chủ đề: Chữa đề tham khảo theo mẫu minh họa của Bộ GD-ĐT (Tiết 2). Giáo viên Lê Phương Lan - Trường THPT chuyên Sơn Tây - Hà Nội.
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 18/5 đã ra mắt ngành học mới “Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam” cùng chương trình đào tạo giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Gần 18.000 thí sinh trong cả nước đã tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Chủ đề: Hàm số mũ và Hàm số logarit. Giáo viên Nguyễn Thị Tuyết Minh - Trường THPT Vạn Xuân - Hoài Đức.
Kỳ thi Đánh giá năng lực SPT năm 2025 của Trường đại học Sư phạm Hà Nội được tổ chức tại các điểm thi: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn.
0