Tự hào 95 năm Đảng bộ Thành phố Hà Nội

Trải qua 95 xây dựng và trưởng thành, với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của Thủ đô.

 

Ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, đánh dấu sự ra đời của tổ chức Đảng và mở ra thời kỳ phát triển mới trong phong trào cách mạng của thành phố Hà Nội. Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của cả nước nói chung và và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Phố Hàng Thiếc nơi Thành ủy Lâm thời Hà Nội thành lập.

 

Trải qua 95 xây dựng và trưởng thành, với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của Thủ đô; đồng thời, linh hoạt trong chỉ đạo thực tiễn để khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ý nghĩa của việc thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội đối với phong trào cách mạng Thủ đô và cả nước  

Theo PGS, TS Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sự ra đời của Đảng bộ thành phố Hà Nội là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trước sự khủng bố ác liệt của kẻ thù đối với những chiến sĩ cách mạng và phong trào cách mạng Thủ đô. Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội là sự gắn bó chặt chẽ và là kết quả trực tiếp của phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở Hà Nội trong những năm vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Thủ đô, đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội - thời kỳ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng bộ Hà Nội được thành lập đã góp phần khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc tập hợp, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, tạo cơ sở, tiền đề để đưa phong trào cách mạng của Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ chiến lược cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Phụ nữ Hà Nội tham gia mít tinh mừng ngày Quốc tế Lao động (tháng 5/1938). Ảnh: TTXVN

 

PGS. TS Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Là Thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Vì thế, sự thành lập Đảng bộ Hà Nội, không chỉ có ý nghĩa với phong trào cách mạng của Thủ đô mà còn tạo nền tảng vững chắc, tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trên toàn quốc. Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội đã góp phần củng cố và mở rộng lực lượng cách mạng. Từ đây, tổ chức Đảng làm nòng cốt trong việc xây dựng và tổ chức các phong trào quần chúng tại Hà Nội. 

Nhìn lại chặng đường 95 năm Đảng bộ Hà Nội, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: Với vị trí quan trọng của Thủ đô Hà Nội, những sự kiện chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá diễn ra ở Thủ đô luôn luôn có ý nghĩa to lớn và rất đặc biệt. Sức ảnh hưởng và sức lan toả của những sự kiện ấy luôn vượt qua không gian địa lý của thành phố Hà Nội và trở thành những sự kiện đại diện cho quốc gia, đất nước. Sự kiện Đảng bộ Hà Nội ra đời chỉ sau hơn một tháng Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập có ý nghĩa rất đặc biệt, vừa là một bộ phận hợp thành của Đảng Cộng sản Việt Nam rất non trẻ, nhưng lại ra đời ở trung tâm chính trị, nơi đầu não của đất nước khi đó đang bị thực dân, đế quốc đô hộ và thống trị, cho nên sức mạnh tiềm ẩn và sức mạnh lan toả của sự tập hợp quần chúng đứng lên giành chính quyền khi đó có ý nghĩa đặc biệt to lớn. Và điều đó thể hiện xuyên suốt từ năm 1930 đến hôm nay và còn tiếp tục sau này. 

“Vị thế, vị trí của Đảng bộ thành phố Hà Nội, chính quyền và nhân dân Hà Nội gắn liền với đặc điểm, vị trí, vai trò của thủ đô. Và trên thực tế, vị trí ấy một phần có sự nỗ lực cực kỳ to lớn và rất chủ động của những người cộng sản hoạt động trên địa bàn thành phố. Mặt khác do tính chất quan trọng như vậy và lại ở chính địa bàn Trung ương cho nên Đảng bộ Hà Nội cũng có một vinh dự rất lớn, đó là Trung ương Đảng trong mọi thời kỳ đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, toàn diện. Hai nhân tố ấy kết hợp với nhau tạo thành một nguồn sức mạnh to lớn cả về chính trị và lực lượng vật chất của thủ đô. Chính vì vậy, Đảng bộ Thủ đô Hà Nội vừa có trách nhiệm to lớn vừa có điều kiện rất đặc biệt để đóng góp cho sự nghiệp cách mạng chung của toàn Đảng và cho cả nước” - Đồng chí Phạm Quang Nghị - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh. 

 

Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ

95 năm đã trôi qua, sự kiện thành lập Đảng bộ Hà Nội 17/03/1930 vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt đối với cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Quá trình cách mạng của Đảng bộ Hà Nội đạt được những thành công to lớn có sự đóng góp, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ cách mạng, trong đó có các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Quý Kiên, Văn Tiến Dũng và nhiều đồng chí lãnh đạo khác.

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo quân và dân Hà Nội, thế hệ tiếp bước thế hệ, lập nên những chiến công vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”; sau đó là 12 ngày đêm chiến đấu thông minh, quả cảm của quân và dân Thủ đô, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước năm 1975. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân Hà Nội năm 1972.

 

Trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội trở thành niềm tin yêu của nhân dân cả nước, được thế giới tôn vinh “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; Năm 1999 được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hoà bình”; Năm 2000, được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; 3 lần được đón nhận Huân chương Sao Vàng; Năm 2014, Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là những phần thưởng cao quý, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân Thủ đô tiếp tục vươn lên, hoàn thành trọng trách trước đất nước và dân tộc. 

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, những bài học từ thực tiễn sâu sắc của 95 năm xây dựng và phát triển, những năm gần đây, Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại. Bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị Thủ đô luôn ổn định, trật tự an toàn được giữ vững; giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ được củng cố; vị thế của Hà Nội ngày càng được nâng cao. 

Năm 2021, trong bối cảnh rất khó khăn, nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng 2,91%. Năm 2022, kinh tế Hà Nội phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 8,89%; năm 2023, tăng 6,27%; năm 2024 tăng 6,52%. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, hơn 8% về dân số, nhưng hằng năm Hà Nội đóng góp khoảng 1/4 số thu ngân sách nhà nước và hơn 16% GDP cả nước. Quy mô nền kinh tế Thủ đô đến nay đạt khoảng 59 tỷ USD, chiếm hơn 1/10 quy mô kinh tế cả nước.

Qua 95 năm, Thủ đô Hà Nội thế và lực đã đổi thay, lớn mạnh hơn trước nhiều; đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có tiềm năng phát triển mới: Rộng lớn về đất đai và nguồn nhân lực; đa dạng về khả năng qui hoạch hạ tầng và phát triển kinh tế; vững vàng về quốc phòng, an ninh; phong phú về bản sắc, truyền thống văn hóa…

 

Bên cạnh các cơ hội lớn, Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thách thức đặt ra. Tình hình mới đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng và lợi thế, không ngừng nâng cao vị thế Thủ đô như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”.

Bài học kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ Hà Nội 

Tại cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử" (17/3/1930 - 17/3/2025)  do Thành uỷ Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  tổ chức, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội đã phân tích, làm rõ những bài học kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ Hà Nội - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Hà Nội 95 năm qua. Theo GS Lê Xuân Tùng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, những kinh nghiệm quý cần được phát huy là việc đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống; vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ. 

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.

 

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng và phát triển của Đảng bộ Thủ đô. Đó là kiên định, vững vàng, quán triệt và chủ động vận dụng sáng tạo các đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội để hoạch định thực hiện thắng lợi các quyết sách phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng; Đảng bộ Hà Nội đã nhận thức đúng vị trí, vai trò đặc biệt, đặc điểm nổi trội của Thủ đô, xác định đúng thế mạnh, những vấn đề chủ yếu, trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo hiệu quả. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ Hà Nội luôn chú trọng phát huy lợi thế và những đặc điểm riêng có của Hà Nội để xác định, thực hiện hiệu quả chủ trương giải phóng, bảo vệ, phát triển Thủ đô. Đảng bộ Hà Nội luôn tự lực, tự cường, phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ, đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các cấp, ngành, các địa phương. 

GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: “Đảng bộ Thủ đô thường xuyên coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện; vững về chính trị, thống nhất về tư tưởng và hành động; đẹp về văn hóa và đạo đức; khoa học về tổ chức; tiêu biểu về cán bộ, hoàn thành trọng trách trước toàn Đảng và nhân dân cả nước”.

Đảng bộ Hà Nội phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu

Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, theo các nhà nghiên cứu và nhà quản lý, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội - từ cực tăng trưởng đến động lực phát triển của đất nước; kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô. 

Xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô: Văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, xác định 4 khâu đột phá chiến lược: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan. 

Thực hiện tốt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn cũng như các quy hoạch đặc thù khác. Quá trình phát triển hệ thống đô thị của Thủ đô Hà Nội không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô, mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để thành phố hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm thủ đô của các nước phát triển trong khu vực. Triển khai Luật Thủ đô trên thực tế, với những thuận lợi căn bản trong phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.

Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”. Xây dựng đội ngũ cán bộ Thủ đô Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

95 năm đã đi qua với bao năm tháng hào hùng, Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người khi đương đầu và đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất để bảo vệ thành phố; cần mẫn, sáng tạo trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Với bao niềm tự hào, nhân dân Thủ đô cùng nhân dân cả nước luôn gửi trọn vẹn niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin ấy được cụ thể hoá thành những hành động cụ thể khi ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2025, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội thành phố đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hiện thực hoá những định hướng lớn mà Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra, vững vàng cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

 

Thực hiện: Thanh Hồng 
Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 4/4/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 29/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành quyết định về việc cho thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X đối với Phạm Quang Linh.

Một sự cố vật nuôi "lái xe" đã xảy ra tại Trung Quốc, cảnh báo các tài xế về sự an toàn khi để chó, mèo trên ô tô.

Mạng xã hội ngày 3/4 xuất hiện clip một chiếc xe trộn bê tông ngang nhiên đi ngược chiều trên đường phố Hải Phòng, gây ra không ít lo ngại và bức xúc trong dư luận.

AI là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải đánh giá, nhận biết được rõ những ưu, khuyết điểm còn tồn tại của công nghệ AI để tận dụng “cơ hội vàng” mà AI đem lại.