Đài PTTH Hà Nội

***

Gần đây, trong một cuộc trò chuyện với bạn bè, bỗng dưng một doanh nhân nổi đóa: “Nói chuyện gì thì nói, đừng nói chuyện tiền!”. Thấy mọi người chưng hửng, ông bỗng tuôn ra một tràng dài: nào là phải đóng cửa ba công ty, nào là sa thải người lao động, rồi chuyện làm ăn giờ khó khăn ra sao...

Ông ấy là một doanh nhân, một đại gia có tiếng mà còn than vãn như vậy, thì những người khác có lẽ còn khó khăn hơn.

Sự vắng vẻ ở nhiều con phố, trung tâm thương mại và chợ hàng hóa có thể nói nên nhiều điều.

Đài PTTH Hà Nội
Nhiều cửa hàng ở trên các mặt phố lớn ở Hà Nội đóng cửa do kinh doanh ế ẩm.

Ngay cả trong nửa đầu năm nay, đã có 127 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, nâng tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lên đến 862.376 trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay - một giai đoạn mà nền kinh tế đã trải qua biết bao khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan.

Đó là chưa kể đến các cuộc xung đột và nhất là chính sách thuế đối ứng của Mỹ đang phủ bóng mây lên nền kinh tế toàn cầu.

Đài PTTH Hà Nội

Nhưng tình trạng “khan tiền” đang diễn ra lại mâu thuẫn với chính sách tiền tệ mở rộng.

Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực giảm lãi suất và đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, đồng thời cam kết có thể điều chỉnh linh hoạt nếu lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,9 triệu tỷ đồng.

Với dư nợ vào cuối năm 2024 ở mức 15,6 triệu tỷ đồng, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm thêm gần 1,3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế chỉ trong chưa đầy sáu tháng đầu năm nay.

Tăng trưởng tín dụng đã vọt lên 8,3% so với cuối năm 2024 - cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 - hoặc tăng tới gần 18,87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với định hướng tăng trưởng tín dụng 16%, người ta ước tính sẽ có khoảng 2,5-3 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong năm nay.

Đài PTTH Hà Nội

Là người chịu trách nhiệm giữ giá trị của đồng tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tỏ vẻ sốt ruột. Bà nói trước Quốc hội ngày 19/6 rằng: vốn trong nước, kể cả vốn trung và dài hạn, vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng và tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã đạt mức 134% - cao so với nhiều nước.

“Nếu tiếp tục dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, sẽ tiềm ẩn rủi ro hệ thống cho nền kinh tế, khó đạt được mục tiêu vừa tăng trưởng cao vừa đảm bảo bền vững”, bà nói.

Đài PTTH Hà Nội

Cảnh báo của Thống đốc, tuy vậy, dường như đến sau thị trường. Trước làn sóng bơm tiền đó, tỷ giá VND so với các đồng tiền khác như USD, EUR,... đã biến động mạnh trong nửa đầu năm nay, cho dù USD đã giảm giá trên toàn cầu. Nói cách khác, VND đã yếu đi đáng kể.

Một chuyên gia ngân hàng khẳng định: cảnh báo của Thống đốc là rất đáng giá trong điều hành vĩ mô, rút ra từ những bài học trong quá khứ. Trong giai đoạn 2007-2011, tín dụng từng tăng trung bình hơn 33%/năm, đỉnh điểm là 53% vào năm 2007, dẫn đến lạm phát và bất ổn vĩ mô - những hệ quả mà đến nay vẫn còn.

Đài PTTH Hà Nội

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ mở rộng, tiền được bơm ra nhiều nhưng ai ai cũng than thiếu tiền - xuất hiện một câu hỏi: vậy tiền đi đâu?

Đài PTTH Hà Nội
Đài PTTH Hà Nội

Bức tranh đó còn thiếu một mảng lớn và quan trọng: bất động sản - khu vực đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết: tính đến 28/02/2025, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.488.332 tỷ đồng - tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2% so với Quý IV/2024 (1.460.914 tỷ đồng).

“Trong quý I năm 2025, tín dụng bất động sản đã có những chuyển biến tích cực”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Trong bốn tháng đầu năm 2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Đài PTTH Hà Nội

Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản thường chiếm 21,5% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Nói cách khác, tín dụng bất động sản đã hút khoảng 3,6 triệu tỷ đồng.

Nhưng đó vẫn chưa phải toàn cảnh, khi còn hàng loạt các chương trình tín dụng khác:

Chương trình cho vay nhà ở xã hội: Theo Nghị quyết 33/NQ-CP, quy mô chương trình này đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng;

Chương trình cho vay ưu đãi cho người trẻ dưới 35 tuổi cũng đang được triển khai.

Đài PTTH Hà Nội
Quy mô chương trình cho vay mua nhà ở xã hội đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trung Vũ - Chủ tịch Cen Group - cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam sắp bước vào giai đoạn bùng nổ chưa từng có, không phải ở giá cả mà ở quy mô nguồn cung. Theo ông Vũ, các dự án trước đây với quy mô 1.000 ha đã được coi là lớn, nhưng nay các siêu đô thị 1.700 ha, 4.000 ha, thậm chí 10.000 ha đang xuất hiện. Đây là điều chưa từng có. “Như vậy, cuộc chơi mới sẽ hoàn toàn khác biệt, không chỉ thay đổi ở mức độ thông thường mà là sự thay đổi vô cùng lớn”, ông nói.

Đài PTTH Hà Nội

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết: vòng quay tiền trong sáu tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 0,67 lần - tương đương mức thấp của cả năm 2022.

“So với thời kỳ kinh tế tăng trưởng tốt, vòng quay đồng tiền thường trên 1 lần, thì rõ ràng vòng quay tiền đang chậm. Hiện nay, chúng ta cũng không cần lo lắng quá về lạm phát. Từ nay đến cuối năm, cung tiền có thể được tăng thêm và vòng quay tiền có thể nhanh hơn một chút”, Tiến sĩ Lực nhận định.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên bổ sung: vòng quay tiền tệ của Việt Nam hiện chỉ ở mức 0,55-0,65 vòng/năm, thấp hơn nhiều so với mức bình thường là 2 vòng/năm, cho thấy nền kinh tế lưu chuyển chậm.

Đài PTTH Hà Nội

Những số liệu này có thể dẫn đến một phân tích rằng tiền có thể đang được đảo nợ mà không rời khỏi hệ thống ngân hàng. Đây có thể là hệ lụy từ tình trạng sở hữu chéo và “sân sau” tại nhiều ngân hàng liên quan đến bất động sản.

Chính sách tiền tệ đang nới lỏng để hướng tới tăng trưởng. Nhưng tiền dường như vẫn chỉ lưu chuyển ở trong hệ thống ngân hàng để đảo nợ. Tiền vẫn đi vào bất động sản, làm bong bóng phình to - thay vì chảy vào sản xuất kinh doanh - thì đó là điều có hại cho chính sách tăng trưởng bền vững mà Chính phủ đang hướng tới. Tiền đọng nhiều trong bất động sản sẽ tạo nguy cơ cho ổn định kinh tế vĩ mô.

“Đừng nói gì đến tiền lúc này!” - lời than của vị doanh nhân nọ có lẽ đang là nỗi lòng của rất nhiều người !

Bài viết: Hoàng Tư Giang
Thiết kế: Thanh Nga

Đài PTTH Hà Nội