
Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực luôn gây tranh cãi trong cộng đồng. Đơn giản, vì đó là những việc ai cũng phải trải qua và phải cho con cái trải qua, không ai tránh được nhà trường và bệnh viện. Rất khó có tiếng nói đồng thuận trong xã hội về hai chủ đề này, như truyện ngắn “Hội nghị phụ huynh của Azit Nexin”. Ở đó, mọi nhân vật tham gia cuộc họp phụ huynh đều có ý kiến và ai cũng nghĩ ý kiến của mình quan trọng.

Và cũng như thường lệ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đang gây ra những làn sóng dư luận trái chiều trong cả nước. Tựu chung lại, vấn đề mọi người có ý kiến nhiều nhất là về đề thi hai môn Toán và Anh. Nhiều người cho rằng, hai đề thi này quá khó, nằm ngoài khả năng nhiều học sinh.
Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp này tại nước ta hiện nay đang phải gánh hai mục tiêu khác nhau. Một là phải nhẹ để các em tốt nghiệp phổ thông, hai là phải khó để phân loại trình độ học sinh cho các đại học chọn lựa sinh viên. Ngoài ra, đề thi phải có tính định hướng cho giáo dục nhiều năm sau, để giáo viên tìm phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp học sinh tốt nghiệp, để học sinh biết phải học như thế nào mà đạt điểm cao.

Xét trên những nhiệm vụ nói trên thì có thể nói bộ đề thi năm nay rất thành công. Nó có những câu hỏi đủ dễ để học sinh nhanh chóng giải được, đạt số điểm tối thiểu mà tốt nghiệp và cũng có những câu đủ khó, thậm chí rất khó hoàn thành trong khoảng thời gian cho phép, để chọn ra những học sinh thực sự xuất sắc.
Hơn nữa, cách ra đề rất hay là không bám theo sách giáo khoa mà đưa thêm những vấn đề thực tiễn vào. Trong bối cảnh nhà nước xác định khoa học kỹ thuật là nền tảng quan trọng nhất cho phát triển đất nước những năm sắp tới, việc học tập không chỉ còn là tầm chương trích cú, học vẹt, học lỏm, học mẹo mà phải vận dụng kiến thức được dạy với kiến thức xã hội với hơi thở cuộc sống, để giải các bài toán cho đất nước, gia đình và xã hội.
Đề khó dĩ nhiên có thể làm cho điểm trung bình thấp hơn, nhưng khó là khó chung, không phải khó cho riêng ai. Vả lại, cũng đến lúc chúng ta nên đẩy mức điểm thi trung bình xuống. Căn bệnh chạy theo thành tích lâu nay đã làm cho những điểm 9, 10 không còn giá trị đánh giá như xưa.
Thời những năm cuối thế kỷ trước, ai thi đại học được trên 20 điểm 3 môn đã là xuất sắc, ai thi được trên 25 là cực kỳ xuất sắc, cả nước chỉ được vài trăm bạn. Và những người thi được 29, 30 điểm 3 môn đều là các huyền thoại cho nhiều thế hệ sinh viên cả nước. Nhiều tỷ phú, chính trị gia hiện nay là những học sinh thi được trên 25 điểm thời những năm xưa cũ ấy.

Ngay sau kỳ thi năm nay, một số giáo viên đã nhận xét rằng "Sẽ ít điểm 8, 9, 10 hơn so với các năm và phổ điểm sẽ dịch chuyển về bên trái, với đỉnh của phổ điểm ở khoảng 6-7 điểm". Thậm chí, có giáo viên dạy toán cho rằng với đề toán này, có thể, còn nhiều thí sinh đạt điểm dưới 5. Trong đó, câu hỏi ở các dạng trắc nghiệm mới đều khó. Có thể nói, để thực sự sàng lọc phân loại học sinh cho đại học, Bộ Giáo dục nên đẩy phổ điểm dịch chuyển hẳn về bên trái như những năm trước đây, làm sao để đỉnh của phổ điểm chỉ ở mức 5. Đó mới là một bộ đề thi tốt. 5 là số trung bình, nên trả cho nó giá trị riêng của nó.

Vấn đề của cách ra đề năm nay không phải là ở độ khó, mà ở chỗ đội ngũ giáo viên nhiều nơi chưa theo kịp được chương trình đào tạo theo hướng mở như thế này. Giáo viên cần là nhà sư phạm tốt và có kiến thức rộng thì mới đào tạo được học sinh có phổ kiến thức rộng và năng lực tư duy cởi mở. Điều này, có thể tương đối dễ ở các đô thị lớn, nhưng với các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ thì rất khó. Nhưng, nói cho cùng thì đề thi năm nay cũng vẫn chưa đủ khó.

Một trong những điểm nên nghiên cứu thay đổi của bộ đề thi là môn toán nên cho các em làm theo kiểu tự luận thì hơn là chọn đáp án như hiện nay. Bản chất của toán là cần logic mạnh, phương pháp luận đúng, sáng tạo và khai phá. Nhiều khi con đường đi đến đáp án quan trọng hơn chính đáp án. Học sinh có thể giải ra kết quả sai nhưng nếu suy luận đúng, chỉ sai vì sơ suất, thì vẫn còn tốt hơn là học sinh giải ra kết quả đúng vì được luyện thi một cách mưu mẹo, biết cách lựa chọn đáp án có xác suất trúng cao nhất. Đề thi năm nay đã phần nào kéo được các em ra khỏi sự chi phối của các lò luyện thi (nên mới bị nhiều thầy cô ở các lò luyện thi phản ứng dữ dội), nhưng vẫn cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Có thể phương án ra đề toán kiểu tự luận sẽ làm cho khối lượng công việc chấm thi tăng lên rất nhiều, đến mức khổng lồ, nhưng nó sẽ khiến cho học sinh phải thực sự nghiên cứu và đam mê môn toán chứ không chỉ coi nó như một đề thi cần mẹo mực và cần đi học thêm để các thầy cô dạy cho cách thi sao cho hiệu quả. Toán là môn học cần nhất cho khoa học kỹ thuật. Toán chính là ngôn ngữ của mọi môn khoa học tự nhiên.
Đề thi Anh ngữ cũng cần nghiên cứu để có thể bớt đơn giản hơn, đưa nhiều từ “lạ” hơn, đời hơn vào câu hỏi. Bản chất việc học ngoại ngữ phải dựa trên từ vựng chứ không chỉ ngữ pháp. Nếu học sinh không có vốn từ vựng phong phú nhờ đọc sách, xem phim, nghe nhạc, giao tiếp, mà chỉ đơn thuần được luyện về ngữ pháp và các mẹo thi cử, trả bài, thì thực tế dù có điểm thi Anh ngữ rất cao, các em cũng không thể sử dụng tiếng Anh cho hiệu quả trong thực tế. Tình trạng rất nhiều học sinh Việt Nam tuy có điểm tiếng Anh cao nhưng khó giao tiếp trong đời sống cũng như học tập chính là vì nguyên nhân này.

Ở một số quốc gia, chẳng hạn Trung Quốc, kỳ thi cao khảo cực kỳ quan trọng, như một sự kiện bước ngoặt đời người. Những đề thi môn ngữ văn của họ đều rất mở, không bám theo sách giáo khoa và có nhiều bài thi thể hiện được trình độ ngôn ngữ, triết học, lịch sử, văn hóa đáng kinh ngạc không chỉ với học sinh mà với cả những trí thức lớn. Cách ra để cởi mở, khai phóng, không bám theo giáo trình cũng làm cho học sinh thấy phải tự học nhiều chủ đề, am hiểu nhiều lĩnh vực hơn. Chính những thế hệ trí thức như vậy mới có thể đóng góp được nhiều cho đất nước.

Dĩ nhiên không thể lấy mô hình nước này áp cho mô hình nước khác. Nhiều người cứ cho rằng chỉ cần áp quy trình giáo dục của một nước phát triển vào là được, như trong truyện Hội nghị phụ huynh nói trên của Azit Nexin, có một ông đứng lên cho ý kiến là “Theo tôi, tất cả các môn phải dạy bằng tiếng Đức hết! Tôi đã từng ở bên Đức nên tôi biết. Bên ấy người ta dạy trẻ con môn gì cũng bằng tiếng Đức cả!”.
Trên thực tế, giáo dục còn phụ thuộc vào dân trí, chính trị, lịch sử, văn hóa, thậm chí vị trí địa lý của từng dân tộc. Ví dụ Phần Lan có mô hình giáo dục rất tuyệt vời, nhiều nước muốn học nhưng không thể học theo được, đơn giản vì dân tộc Phần Lan có lối sống rất khác. Họ ít bon chen hơn. Họ coi trọng hợp tác và cộng đồng hơn. Đất nước họ thưa dân, người ta sống nhiều khi mấy tháng chẳng gặp nhau, nên mô hình giáo dục của họ chỉ đúng cho họ, đem nó áp vào những nước nhiệt đới, hừng hực hơi thở cạnh tranh, ganh đua nhau từng chút một thì chắc chắn sẽ thất bại. Vả lại, giáo dục không thể cứ đứng yên một chỗ. Đối tượng của giáo dục là con người, mà con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
Đúng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói: Trường học không còn bạo lực chỉ khi người lớn không đánh nhau. Xã hội thế nào - trẻ em thế ấy, người lớn còn đánh nhau, lừa lọc, gian dối thì trẻ em cũng còn đánh nhau, lừa lọc, gian dối. Vả lại xã hội chúng ta đang thay đổi từng ngày, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không được cải cách đề thi, cách thi một cách mạnh mẽ - sẽ khó đáp ứng được yêu cầu đào tạo những thế hệ người Việt đủ năng lực để đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Hy vọng những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện những cải cách mạnh hơn về đề thi tốt nghiệp THPT, đưa cách thi tự luận vào cho môn toán, đưa những đề thi thực tế và có tính triết học hơn cho môn ngữ văn. Những kỳ thi như vậy sẽ là những động lực hợp thành lực đẩy cho giáo dục Việt Nam tăng tốc và chuyển mình, làm lực kéo cho sự phát triển của quốc gia.
Và cộng đồng của thời internet này, nếu không phải trong chuyện của Azit Nexin, thì tốt hơn hãy cố gắng để cho những cơ quan chuyên môn làm việc chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Bài viết: Thiên Lương
Thiết kế: Thanh Nga