Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những đóng góp của Hà Nội

Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước. Trong hành trình đến ngày toàn thắng đó, Thủ đô Hà Nội đã phát huy vai trò "trái tim của cả nước", góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những cống hiến của Hà Nội chính là biểu tượng sáng ngời của ý chí, tinh thần đoàn kết, niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, càng cho thấy vai trò, giá trị to lớn của Chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Đại thắng mùa Xuân đã không chỉ kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu có ý nghĩa chiến lược quan trọng cần được vận dụng sáng tạo vào công cuộcxây dựng, phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới.

***

Chiến thắng 30/4/1975 mang tầm vóc thời đại, giá trị lịch sử đặc biệt khi chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12/1976) đã khẳng định: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta.

Để đến với Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Đảng ta đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động sức mạnh của tất cả các địa phương, trong đó, hậu phương lớn miền Bắc và Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố nền tảng góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đóng góp của Hà Nội cho cách mạng miền Nam

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ VI tháng 4/1974 đã xác định rõ nhiệm vụ của Thủ đô là: “Thường xuyên đề cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đối phó với mọi tình hình diễn biến, ra sức xây dựng lực lượng quân sự địa phương, góp phần củng cố quốc phòng. Làm tốt nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt, góp phần hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam” 

Cùng với miền Bắc, Hà Nội đã tập trung cao độ, làm hết sức mình để chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hầu hết các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô đều tham gia, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chi viện chiến trường.

Những tháng đầu năm 1975, cùng với khí thế của đồng bào, chiến sĩ miền Nam bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Hà Nội đã hành động khẩn trương với một tinh thần cách mạng và niềm phấn khởi chưa từng thấy. Toàn thành phố dấy lên phong trào đẩy mạnh sản xuất và công tác, thi đua nước rút mừng miền Nam thắng lớn. Tất cả vì miền Nam tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Để tăng cường phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, ngay từ những năm đầu sau Hiệp định Genève, hàng loạt phong trào thi đua ra đời và phát triển rộng khắp, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Thủ đô. Nổi bật là:

Phong trào "Ba sẵn sàng":

Hà Nội kêu gọi thanh niên sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần. Phong trào này đã huy động hàng chục vạn thanh niên ưu tú của Hà Nội tình nguyện lên đường ra trận, trở thành lực lượng nòng cốt trong các chiến dịch lớn. Đặc biệt, từ cuối năm 1974, lực lượng này đã được huy động tối đa để tham gia vào cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, tạo nên sức mạnh đột phá trên toàn chiến trường.

Hàng chục vạn người con của Thủ đô đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)

Phong trào "Ba đảm đang":

Phong trào “Ba đảm đang” kêu gọi phụ nữ miền Bắc, nói chung, Hà Nội nói riêng đảm nhiệm ba nhiệm vụ quan trọng: sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương đã kiên cường bám ruộng, bám xưởng sản xuất, bám công việc trong các nhà máy, thay chồng, thay con lo toan mọi việc, đảm bảo dòng chảy liên tục của sức người, sức của ra chiến trường.

Phong trào "Thanh niên ba xung kích":

Không chỉ vậy, tinh thần xung kích của tuổi trẻ Thủ đô còn được thể hiện rõ trong phong trào “Thanh niên ba xung kích”, kêu gọi thanh niên đi đầu trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hàng vạn thanh niên xung phong đã trực tiếp tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường, góp phần đảm bảo hậu cần cho các chiến dịch lớn.

Các phong trào này không những đã tạo ra rất nhiều cơ sở vật chất để chi viện cho tiền tuyến mà còn tạo ra khí thế thi đua giữa tiền tuyến với hậu phương, động viên những người con của hậu phương trực tiếp chiến đấu ở tiền tuyến. Trong đó, Hà Nội chính là một trong những hậu phương tiêu biểu, quan trọng nhất.

Thực hiện chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam

 

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975), thực hiện lời kêu gọi của  Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đã chi viện toàn diện cho chiến trường miền Nam, thể hiện qua việc huy động tối đa nhân lực và vật lực nhằm đảm bảo thắng lợi cuối cùng.

Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Thủ đô Hà Nội đã cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Phát huy truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” hàng chục vạn thanh niên Hà Nội đã hăng hái lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Theo các tư liệu lịch sử, từ giữa năm 1964, Hà Nội dấy lên phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”. Đặc biệt, ngày 9/8/1964, thanh niên Thủ đô Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với 260.000 đoàn viên thanh niên tham gia, mở đầu làn sóng thanh niên miền Bắc lên đường nhập ngũ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Quân không thiếu một người

 

Trong 10 năm (1965 - 1975), với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội có hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; tổ chức huấn luyện đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Trong số họ, nhiều người đang ngồi trên ghế giảng đường Đại học, nhiều người đã là kỹ sư, bác sĩ... nhưng tất cả đều hăng hái vào chiến trường vì sự thôi thúc của trái tim, vì tinh thần của người Hà Nội, vì hào khí Thăng Long.

Chất lượng quân đội Hà Nội động viên cho chiến trường luôn cao. Trong 10 năm (1965 - 1975), Hà Nội đã động viên được 5.107 đảng viên, 36.425 đoàn viên, 362 kỹ sư, 657 sĩ quan dự bị, 465 cán bộ từ cấp trung đội đến trung đoàn và một số cán bộ dân chính… bổ sung cho các đơn vị.

Với công tác động viên tuyển quân, Hà Nội đã hoàn thành thắng lợi, bảo đảm 4 yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian và chính sách, góp phần xây dựng quân binh chủng kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, trong những năm tiến hành động viên lớn (1965, 1968, 1972, 1975), Hà Nội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuyệt đại đa số thanh niên Hà Nội lên đường chiến đấu đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Không những dành cho tiền tuyến những cán bộ, chiến sĩ ưu tú với phương châm “quân không thiếu một người", phong trào “Ba đảm đang” khởi phát từ Hà Nội cũng trở thành một phong trào nổi bật của phụ nữ cả nước. Trên quê hương của phong trào “Ba đảm đang”, điển hình như ở huyện Đan Phượng - TP. Hà Nội, chủ tịch xã, đội khoa học kỹ thuật đều là phụ nữ. Phụ nữ giỏi tay cày, tay súng, chẳng quản ngại ngày đêm, thi đua tăng gia, sản suất. Ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng những ngày đó, phong trào thi đua rộn ràng như hội, năng suất lúa tăng lên đến 7 tấn/ha, cao nhất thời bấy giờ…

“Ba đảm đang” khởi phát từ Hà Nội cũng trở thành một phong trào nổi bật của phụ nữ cả nước. Ảnh: Tư liệu.

 

Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược cũng đã chỉ ra, có một điều không thể không nhắc tới về vai trò hậu phương của Hà Nội là Thủ đô vững vàng từ sản xuất đến chiến đấu chính là nơi bao bọc an toàn cho “bộ não” của cuộc kháng chiến. Những quyết sách kịp thời, đúng đắn từ Trung ương tại Thủ đô Hà Nội là mấu chốt đem lại thắng lợi cuối cùng 50 năm về trước.

Hà Nội kiên cường, mưu trí, dũng cảm đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Hà Nội không chỉ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, mà còn “chia lửa” với miền Nam ruột thịt. Đây là nhân tố quan trọng quyết định đối với sự phát triển của cách mạng cả nước và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ tháng 4/1966, quân và dân Hà Nội ở trong tình thế trực tiếp chiến đấu chống máy bay Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc nước ta.

Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968):

Từ năm 1965, Mỹ mở chiến dịch không kích “Sấm Rền” nhằm đánh phá hậu phương miền Bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội. Hệ thống giao thông, nhà máy, kho tàng bị đánh phá ác liệt, song Nhân dân Hà Nội vẫn kiên trì bám trụ. Phong trào “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu” phát triển mạnh, hệ thống giao thông luôn được khẩn trương sửa chữa theo tinh thần “Địch phá, ta sửa, ta đi”. Lực lượng phòng không - không quân cùng dân quân tự vệ Thủ đô và các tỉnh lân cận đã bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ, làm thất bại âm mưu cắt đứt chi viện. Đến năm 1968, do bị tổn thất nặng nề, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Thắng lợi này tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Chiến tranh phá hoại lần thứ hai (tháng 4 - 12/1972):

Để hỗ trợ chính quyền Sài Gòn trong bối cảnh quân ta giành thế chủ động trên chiến trường miền Nam, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai với trọng điểm là chiến dịch ném bom hủy diệt “Linebacker II” (18 - 30/12/1972). Mục tiêu chính là đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực trọng yếu nhằm gây sức ép với ta trên bàn đàm phán Hiệp định Paris. Tuy nhiên, với chiến lược phòng không vững chắc, quân và dân ta đã đánh trả quyết liệt. Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng phòng không của ta bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, gây tổn thất chưa từng có cho Mỹ. Đây là nhân tố quyết định góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Một trận địa tên lửa SAM-2 trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu TTXVN

 

 

Dù bị đánh phá khốc liệt, Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì dòng chi viện liên tục về mọi mặt cho miền Nam, góp phần cùng cả nước đảm bảo sức mạnh cho cuộc kháng chiến.

Như vậy, hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ không thể khuất phục được quân và dân Hà Nội mà ngược lại càng củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần làm nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975.

Với quyết tâm sắt đá, tinh thần đoàn kết và những đóng góp to lớn về nhân lực, vật lực, Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, hậu phương lớn của miền Nam đã không chỉ đứng vững trước các cuộc tấn công phá hoại của đế quốc Mỹ mà còn chi viện mạnh mẽ cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Thắng lợi này không chỉ là kết quả của lòng quả cảm và ý chí kiên cường mà còn là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc.

Đoàn quân của Hà Nội vào giải phóng miền Nam tháng 4. 1975 Ảnh TTXVN

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bài học về sự phát huy sức mạnh của hậu phương chiến lược miền Bắc, đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội với chiến trường miền Nam vẫn còn  vẹn nguyên.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), mỗi người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng càng thêm tự hào, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước; tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam về sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân Hà Nội. Tinh thần Ngày chiến thắng 30/4 cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và nhân dân Hà Nội thêm động lực, niềm tin, với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Đại tá, PGS. TS. KHQS Trần Nam Chuân
Nguyên Cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

Biên tập: Hồng Vân

Đồ họa: Thanh Nga

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước. Trong hành trình đến ngày toàn thắng đó, Thủ đô Hà Nội đã phát huy vai trò "trái tim của cả nước", góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những cống hiến của Hà Nội chính là biểu tượng sáng ngời của ý chí, tinh thần đoàn kết, niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam.

Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) bắt đầu từ 6h30 ngày 30/4.

Nhiều người đã chọn cách về quê lúc nửa đêm để tránh tắc đường vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra ở cửa ngõ Thủ đô.

Từ 21h tối 29/4, rất đông người dân đã đổ về các tuyến phố trung tâm TP.HCM, dựng lều, trải bạt, sẵn sàng thức xuyên đêm chờ đến giờ xem diễu binh mừng Đại lễ 30/4.

Công an tỉnh Nghệ An xác định, từ năm 2021, Tôn Quý Hòa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, chiếm đoạt các loại tiền chế độ của ba vận động viên với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Cơ quan điều tra cho biết, Chu Văn Diễn và đồng phạm đã tiêu thụ số lượng lớn thuốc Kháu Vài Lèng, Đại Tràng HG giả cho các khách hàng tại 58 tỉnh, thành phố, thu về hơn 20 tỷ đồng.