Doanh nghiệp phương Tây liệu có quay trở lại Nga?
Hàng loạt công ty rời Nga trong ba năm qua
Khi Nga và Mỹ ngồi vào bàn đàm phán thảo luận về cách chấm dứt xung đột ở Ukraine, các nhà đầu tư lập tức nghĩ tới khả năng nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ quay trở lại Nga sau khi đã phải rời khỏi nước này do cuộc xung đột nổ ra năm 2022.
Mặc dù trước mắt, khả năng quay trở lại là chưa cao do các nước phương Tây vẫn áp dụng rộng rãi các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, nhưng nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách nới lỏng các hạn chế, thì điều này có thể mở ra cơ hội cho một số công ty quay trở lại thị trường từng có tốc độ tăng trưởng cao.
Hơn một nghìn công ty từ McDonald's đến Mercedes-Benz đã rời khỏi Nga trong ba năm qua, bằng cách bán công ty, trao chìa khóa cho các nhà quản lý hiện tại hoặc từ bỏ tài sản. Theo phân tích của Reuters vào tháng 3/2024, các công ty phương Tây đã thừa nhận khoản lỗ tổng cộng 107 tỷ USD do giảm giá trị tài sản và mất doanh thu. Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga cho rằng, các công ty Mỹ đã mất 324 tỷ USD khi rời khỏi Nga.
Các công ty như McDonald's, Renault và Henkel đã chấp nhận phương án bán đi để rời Nga và mua lại sau. Hãng Renault của Pháp đã bán cổ phần đa số của mình tại hãng sản xuất ô tô Nga Avtovaz vào tháng 5/2022 với giá được cho là chỉ một rúp, nhưng có thể mua lại trong sáu năm.
Một số công ty thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, bao gồm Procter & Gamble, PepsiCo và Mondelez cho biết, họ vẫn tiếp tục cung cấp hàng hóa cơ bản cho người Nga vì lý do nhân đạo.
Sau cuộc họp cấp cao nhất giữa Mỹ và Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu vào tuần này, ông Dmitriev hy vọng một số công ty Mỹ sẽ quay trở lại sớm nhất là vào quý II.
Những công ty có khả năng quay trở lại cao nhất là những công ty hoạt động bên ngoài phạm vi các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm, thay vì những công ty trong các lĩnh vực như năng lượng và tài chính.
Ông Dmitriev tin rằng, các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ đã thành công ở Nga "vào một thời điểm nào đó" sẽ quay trở lại.
Tôi sẽ chịu trách nhiệm chủ yếu về lĩnh vực kinh tế và chúng ta có thể làm được nhiều việc trong lĩnh vực kinh tế. Điều rất quan trọng là phải hiểu rằng, các doanh nghiệp Mỹ đã mất khoảng 300 tỷ USD khi rời khỏi Nga. Tổn thất kinh tế rất lớn đã xảy ra đối với nhiều quốc gia và hiện vẫn đang xảy ra ngay bây giờ. Chúng tôi tin rằng, con đường phía trước là thông qua các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga.
Tuần này, nhà lập pháp cấp cao Anatoly Aksakov cho rằng, Visa và Mastercard sẽ sớm khôi phục các dịch vụ thanh toán. Hàng trăm công ty phương Tây bao gồm Carlsberg và Unilever đã đưa ra tuyên bố lên án chiến dịch của Nga ở Ukraine, quyết định rút khỏi quốc gia này hoặc đình chỉ hoạt động theo các điều khoản đạo đức. Nếu đạt được thỏa thuận trao cho Nga lãnh thổ Ukraine, các công ty chỉ trích Moscow có nguy cơ mất mặt khi quay trở lại.
Đi thì dễ - về thì khó
Ba năm đã trôi qua kể từ khi các công ty rút khỏi thị trường Nga, đến nay, nhiều công ty địa phương lớn mạnh và thành công đã xuất hiện thay thế. Các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ đã không ngừng mở rộng thị trường tại Nga. Sở thích và thói quen của người tiêu dùng cũng đã thay đổi. Con đường quay trở lại của các thương hiệu phương Tây sẽ còn đầy gian nan.
Henderson, một chuỗi cửa hàng quần áo nam niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Moscow vào cuối năm 2023 cho biết, sự ra đi của các nhà bán lẻ nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển của công ty, chủ yếu là do công ty giành được những địa điểm tốt hơn trong các trung tâm mua sắm.
Điều đó đã giúp công ty tăng doanh số nhanh gấp ba lần so với mức tăng trưởng chung hàng năm là 8% của thị trường quần áo nam, mặc dù các thương hiệu phương Tây vẫn có mặt ở đâu đó. Văn phòng báo chí của Henderson cho biết: "Bản thân thị trường không thay đổi đáng kể, vì phần lớn các thương hiệu nước ngoài, khoảng 60 - 80% các nhà sản xuất toàn cầu đã không rời đi. Họ chỉ chuyển đổi các kênh bán hàng, sử dụng dịch vụ của các cửa hàng đa thương hiệu địa phương để bán sản phẩm hoặc bằng cách thay đổi biển hiệu trên cửa hàng của họ và tung ra các nhãn hiệu mới".
Sự khác biệt là các vị trí đắc địa của các trung tâm mua sắm, trước đây dành riêng cho các thương hiệu hàng đầu phương Tây, giờ đã bị các đối thủ cạnh tranh của Nga chiếm mất.
Thực sự là thiếu diện tích còn trống. Diện tích gian hàng trống trong các trung tâm thương mại trung bình là 5-6% ở Nga và 8% ở Moscow. Những vị trí tốt nhất, nơi các thương hiệu phương Tây từng đặt trụ sở, đã được lấp đầy. Đây là những hợp đồng dài hạn, vì vậy người ta phải tranh giành để có những địa điểm như vậy.
Ông Pavel Lyulin - Phó Chủ tịch Hiệp hội trung tâm mua sắm Nga, Belarus và Kazakhstan.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, các nhà sản xuất Nga phải được ưu tiên nếu các công ty nước ngoài quay trở lại. Người Nga đã chuyển sang các thương hiệu địa phương.
Chị Anna, người dân Moscow, Nga chia sẻ: "Lúc đầu, thực sự rất khó khăn vì thị trường bán lẻ quần áo và giày dép của Nga còn kém phát triển. Nhưng bây giờ thì hoàn toàn không. Các thương hiệu địa phương của chúng tôi sản xuất ra những sản phẩm hoàn toàn không kém (so với các thương hiệu phương Tây)".
Stockmann, một nhà bán lẻ bán quần áo trong và ngoài nước sản xuất mua lại doanh nghiệp của Hugo Boss tại Nga vào năm ngoái, đã ghi nhận sự gia tăng doanh số bán hàng của các thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp Nga thậm chí còn tăng giá nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh số. Các thương hiệu Nga muốn bảo vệ thị phần mà họ đã đạt được và cảm thấy tự tin rằng, họ đủ mạnh để cạnh tranh nếu các đối thủ quốc tế quay trở lại.
Một số thương hiệu phổ biến nhất thế giới từ Starbucks đến IKEA và Levi's đã được thay thế bằng các sản phẩm tương đương của Nga. Hơn 800 nhà hàng McDonald's tại Nga hiện đang hoạt động dưới thương hiệu Vkusno & tochka (Ngon và chỉ thế thôi), thuộc sở hữu của doanh nhân Alexander Govor. Starbucks đã bán doanh nghiệp của mình cho chủ nhà hàng Anton Pinskiy và rapper Timati và hiện được gọi là Stars Coffee.
Sự ra đi đột ngột của các nhà sản xuất ô tô như Renault, Volkswagen và Nissan đã để lại một khoảng trống, nhưng khoảng trống đó đã nhanh chóng được lấp đầy, chủ yếu bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, hiện chiếm hơn 50% doanh số bán ô tô mới, tức là gấp bốn lần so với thị phần chưa đến 10% trước khi xung đột bắt đầu. Các nhà sản xuất ô tô trong nước chiếm khoảng 30% doanh số, tăng từ gần 20% trước tháng 2/2022.
Một nghiên cứu của Yandex Market, nền tảng thương mại điện tử của công cụ tìm kiếm lớn nhất của Nga, cho thấy khoảng 70% khách hàng Nga sẵn sàng mua sản phẩm từ Trung Quốc.
Các sản phẩm chất lượng cao từ Trung Quốc bao gồm đồ điện tử và đồ gia dụng, quần áo và giày dép, cũng như đồ gia dụng. Một cuộc khảo sát gần đây của RIA Novosti cũng cho thấy ấn tượng của người Nga về các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng tích cực.
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước BRICS ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Trong số đó, thương mại điện tử giữa Trung Quốc và Nga đã phát triển nhanh chóng và trở thành một lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng giữa hai nước.
Các chuyên gia của Nga cho biết, đến năm 2027, thương mại điện tử giữa Trung Quốc và Nga có thể tăng gấp sáu lần, đạt 12 tỷ USD, trở thành một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất tại các nước BRICS. Thông qua các nền tảng thương mại điện tử, các sản phẩm đặc trưng của cả hai nước đều dễ dàng tiếp cận và các doanh nghiệp ở cả hai nước đang nắm bắt những cơ hội mới.
Tương lai của các lệnh trừng phạt chống Nga
Các công ty phương Tây cung cấp hàng hóa gồm các ứng dụng dân sự và quân sự đều phải tuân theo các hạn chế của lệnh trừng phạt nên chưa thể quay trở lại Nga. Chẳng hạn như Boeing và Airbus dừng cung cấp máy bay và phụ tùng. Ngoài ra còn có các công ty chất bán dẫn, thiết bị viễn thông và điện tử. Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến việc thanh toán trở nên phức tạp và dòng chảy thương mại xuyên biên giới cần được nới lỏng để các công ty có thể quay trở lại với số lượng lớn.
Liên minh châu Âu vừa phê duyệt gói trừng phạt mới thứ 16 đối với Nga, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine. Gói này được thông qua vào đúng ngày kỷ niệm ba năm xung đột Nga - Ukraine, nhắm vào hoạt động nhập khẩu nhôm, tàu bí mật và xuất khẩu hóa chất, crôm và các vật liệu khác được sử dụng trong các công cụ máy chính xác. Gói này cũng bao gồm lệnh cấm bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu và khí đốt, nhưng không bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa ký một sắc lệnh hành pháp gia hạn thêm một năm nữa một số lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ban đầu được áp dụng vào năm 2014 sau khi Crimea thống nhất với Nga, các biện pháp này đã được gia hạn thông qua nhiều sắc lệnh hành pháp và hiện được kéo dài thêm một năm nữa đến ngày 6/3/2026.
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Nga ở quy mô và chiều sâu chưa từng có. Tính đến tháng 1/2024, hơn 16.000 lệnh hạn chế đã được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức của Nga, khiến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Khoảng 70% tài sản trong hệ thống ngân hàng Nga hiện đang chịu lệnh trừng phạt, làm tê liệt lĩnh vực tài chính của nước này.
Các lệnh trừng phạt khiến Nga phải thay đổi để thích nghi, đồng thời thúc đẩy một sự tái tổ chức đáng kể của trật tự kinh tế toàn cầu.
Một trong những công nghệ ra đời ngay trong quá trình phát triển hệ thống máy bay không người lái (UAS) là điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) thông qua sợi quang. Trong phân khúc dân sự, công nghệ này chắc chắn sẽ được ứng dụng, ví dụ như để khảo sát một số vật thể khó tiếp cận, công trường xây dựng, mỏ, đường hầm, tàu điện ngầm, một số phương tiện liên lạc ngầm, nơi tín hiệu vô tuyến có thể không đi qua và mờ dần.
Ông Gleb Babintsev - Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp của ngành UAV.
Nga ngày càng hướng sang Trung Quốc để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mối quan hệ đang phát triển này giúp thương mại song phương giữa hai quốc gia đạt đến mức chưa từng có. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt mức kỷ lục 237 tỷ USD, tăng hơn gần 70% kể từ năm 2021.
Ông Trump là một chính trị gia có đầu óc kinh doanh. Các công ty Mỹ có thể hưởng lợi từ việc Mỹ liên kết với Nga và các công ty Nga, như một số quan chức Nga đã nói trong các cuộc đàm phán gần đây giữa Ả rập Xê út và chính quyền Trump.
Mặc dù quan hệ Mỹ - Nga thường là cạnh tranh, lịch sử cho thấy rằng hợp tác thực dụng đã diễn ra khi cả hai quốc gia nhìn thấy lợi ích chung - cho dù điều này liên quan đến kiểm soát vũ khí, không gian, chống khủng bố, các vấn đề Bắc Cực hay y tế.
Hơn nữa, Mỹ luôn ưu tiên lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với Nga. Ví dụ, Mỹ và các đồng minh chỉ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp uranium và niken của Nga vào tháng 5/2024, hơn hai năm sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022. Nguyên nhân là do sự phụ thuộc kinh tế chiến lược của Mỹ và lo ngại về sự ổn định của thị trường nếu họ trừng phạt uranium và niken.
Ngày 25/2, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, các lệnh trừng phạt đối với Nga "sẽ được dỡ bỏ vào một thời điểm nào đó".
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở cửa cho các công ty Mỹ giúp phát triển tài nguyên khoáng sản ở Nga, cũng như ở phần lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Nếu một ngày nào đó Mỹ đơn phương dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga, thì châu Âu sẽ tiếp tục chịu áp lực nhiều hơn nữa từ phía các doanh nghiệp vì họ đều mong muốn mình cũng được dỡ bỏ hạn chế để qua lại đầu tư vào Nga.
Các công ty dầu mỏ lớn như TotalEnergies hoặc BP sẽ đứng nhìn các đối thủ cạnh tranh tiếp tục kinh doanh với Nga, trong khi EU rất muốn mua khí đốt giá rẻ của Nga. Không doanh nghiệp nào muốn bỏ lỡ cơ hội tại một thị trường quan trọng như Nga.


Lực lượng Nga thuộc cánh quân phía Nam đã sử dụng hệ thống pháo phản lực, phóng loạt (MLRS) BM-21 Grad để tấn công một điểm tập kết tạm thời của quân đội Ukraine tại Kherson.
Các lực lượng vũ trang của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được nhận định là chưa đủ khả năng đối phó với cuộc chiến tranh UAV ngày càng phức tạp.
Bộ Cựu chiến binh Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm hơn 80.000 nhân viên, dù bị lên án mạnh mẽ bởi các nhóm cựu chiến binh và đảng Dân chủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ trừng phạt Hamas, nếu lực lượng này không thả ngay lập tức các con tin Israel.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lên tiếng ca ngợi những chuyển động tích cực trong quan hệ với Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có cuộc gặp sớm nhất vào tuần tới.
Giám đốc CIA John Ratcliffe cho biết, Mỹ đã chấm dứt việc chia sẻ thông tin tình báo với Kiev từ ngày 5/3.
0